Hãy đừng là con vẹt!

Vẹt (két) là tên thuờng gọi dùng cho tất cả các loài chim thuộc họ vẹt Psittaci. Nhờ vào bộ lông rực rỡ óng ả, mà chúng trở thành loài chim cảnh nuôi trong nhà và triển lãm trong các dịp lễ hội. Có tất cả hơn 3.000 loài vẹt sinh sống rải rác khắp nơi trên thế giới (trừ Châu Âu và Nam Cực) có thể bắt chuớc đuợc ngôn ngữ của con người.

Trong kho tàng văn học nước Nga, một xứ sở xa xôi, có mẫu chuyện ngụ ngôn “Con vẹt quý”. Chuyện kể rằng: “Nhà kia có nuôi một con vẹt, mỗi ngày chỉ dạy cho nó nói thuần thục chữ конечно (tạm dịch ra chữ Latin là: “ka’nhets’ner”; nghĩa tiếng Việt là tất nhiên). Con vẹt suốt ngày chỉ nói được hai từ ngữ “tất nhiên” (конечно) khá rõ ràng, nghe rất hóm hỉnh và thể hiện khí chất cũng khá thông minh.

Thấy khách nào đến nhà, nó vội hót lên: “Tất nhiên”. Khách chửi nó là đồ ngu, nó cũng gật cái đầu có lông ngũ sắc rất sặc sỡ: “Tất nhiên”. Khách bảo: “Vặt lông mày bây giờ”, nó cũng: “Tất nhiên”. Ông chủ có lúc bí tiền, đem con vẹt ra chợ bán. Có một ông khách sộp đến mua. Chủ hàng giới thiệu: “Ông mua đi, hơi đắt một chút, nhưng con vẹt của tôi khôn lắm, hỏi cái gì nó cũng biết”. Khách hàng nhìn như xoáy vào con vẹt, hỏi: “Đúng không mày, cái gì mày cũng biết hả?”. Con vẹt phát âm: “Tất nhiên”. Ông khách mừng quá, đồng ý mua với giá cao. Ông chủ khoái chí nhét tiền vào túi”…

Thưa quý anh chị!

Qua mẫu chuyện, chúng ta nhận thấy một vấn đề trọng tâm đó là “nói như vẹt”, suốt ngày chú vẹt kia chỉ lặp đi lặp lại đuợc chữ конечно… và cả đời nó cũng chỉ biết nói конечно. Một ngày kia có người hỏi: “Đúng không mày, cái gì mày cũng biết hả?” và câu trả lời của nó, mà không cần nói chúng ta cũng biết đó là “tất nhiên”. Thật ra thì chú vẹt con đó chẳng biết và làm gì được cả ngoài việc nói đuợc chữ: “ka’nhets’ner” mà nó đuợc học!

Cũng vậy, thật là tai hại khôn luờng nếu như chúng ta, người Huynh Truởng áo lam cũng chỉ biết nói suông như “vẹt” những điều mình học đuợc, không biến sở học bao la thành thực tiễn hành động, chỉ mãi ôm ấp bộ lông rực rỡ óng ả, thì ôi thôi! Sở học đó cũng chỉ như “đãy sách”, không có chút lợi ích gì!

Thế gian có câu “Khẩu Phật Tâm Xà”, để ám chỉ cho những kẻ nói hay mà làm dỡ, hoặc chẳng làm đuợc những gì mình nói mà hành động lại còn chống trái với lời nói; “Tri hành bất nhất”, chỉ “bắt chuớc” nói như những con vẹt những gì lượm nhặt đuợc… Có những Huynh Truởng trong chúng ta là một “quản trò giỏi” nhưng nhân thân thiếu khả năng  lãnh đạo mình, chưa áp dụng triệt để những gì học đuợc để sửa đổi tự thân, hoàn thiện nhân cách.

Lại nữa, giữa quần chúng, Huynh Truởng là đối tuợng đuợc mọi người “quan tâm đặc biệt”, hay chú ý quan sát và phát hiện những tật xấu của mình. Cho nên phải chăng lúc đi đứng, khi nằm ngồi Huynh Trưởng cũng nên phải “tập” dần oai nghi tế hạnh như chư vị Tăng-già?

Thưa quý anh chị.

Khi gởi con, em, cháu đến chùa sinh hoạt trong GĐPT địa phuơng, ít bậc Phụ Huynh nào lại không để ý đến ngôn ngữ và hành động của các Truởng trong khu vực. Có yên tâm chăng, khi cá nhân một vài Huynh Truởng trong đơn vị có tánh khí hung bạo, hoặc say sưa chè chén, hoặc gia đình riêng thường to tiếng mắng chưởi… mà con em mình đang sinh hoạt trong GĐPT đó? Liệu Phụ Huynh có còn khuyến khích con em mình siêng năng đi sinh hoạt, đi họp Đoàn vào những chiều chủ nhật nữa không?

Đó là về mặt Phụ Huynh. Còn về Đoàn Sinh thì sao? Nhân thân anh thế đó! Chỉ có nói khoác, phô truơng, mà lại đi rao giảng về “Tam quy – Ngũ giới”, “Lục Hòa”, cao hơn nữa khi anh rao giảng về “Thập Thiện”, “Lục độ”, “Bồ Tát Giới” v.v… Pháp Phật vô tình trở nên bị hạ thấp! Đoàn Sinh không tin tuởng vào anh/chị đã đành, Đoàn Sinh lại càng không tin tuởng vào giáo pháp và lý tưởng GĐPT. Anh/chị như vậy có đáng bị đọa vào Vô Gián địa ngục không?

Trong tổ chức chúng ta có đề cập chi tiết các yếu tố xây dựng tư cách tác phong gồm: Đạo đức bên trong và tư cách bên ngoài của người Huynh Truởng. Rèn luyện các yếu tố này là rèn luyện về “Thân Giáo”. Thân giáo vững thì Huynh Truởng tự tin, bản lãnh; Thân giáo yếu thì tự thân Huynh Truởng không hội đủ điều kiện để xứng đáng là một Huynh Truởng trong đại gia đình Lam Viên Việt Nam.

Bởi vậy, thân giáo là điều trọng yếu trong điều kiện của một người làm nghề Truởng, vì như lời Thế Tôn dạy: “Tất cả giáo pháp như ngón tay chỉ mặt trăng”, hãy từ bỏ “ngón tay” để có thể đến “mặt trăng”. Cho nên Huynh Truởng GĐPTVN xin “hãy đừng là con vẹt” chỉ biết nói theo ai khác, mà tự thân hãy là “bài pháp thân giáo” không có ngôn từ. Thực hành thân giáo, phuơng pháp hay nhất để lợi mình, lợi người, lợi tổ chức. Huynh Truởng có thân giáo thì không đơn vị GĐPT nào không lớn mạnh, cho dù hoàn cảnh xã hội, quê huơng và gia đình riêng có gặp phải khó khăn như thế nào đi nữa, người Huynh Trưởng tự thân có thân giáo để tiếp tục tu học và dẫn đạo đơn vị thì chẳng lo gì về sự không đi lên của tổ chức. Chỉ e rằng chúng ta “nói một đằng, làm một nẽo” hoặc sớm hôm chỉ gọt tỉa bộ lông óng ánh và luyện giọng để líu lo như chú vẹt chuyên nhại lại tiếng người nọ mà thôi!

 Tóm lại, “thân giáo” chính là thứ khí cụ cần thiết, nên đi đôi với “tâm vô cầu”, và song song theo đó, tự thân người Huynh Truởng phải phát tâm bồ đề dũng mãnh, bởi: “Kẻ đang làm Phật sự mà quên phát tâm bồ đề thì chính là đang làm Ma sự vậy” (kinh Hoa Nghiêm). Xin hãy thực hành Bồ-tát hạnh; vững chãi trên lộ trình Bồ-tát đạo để hoàn thành sứ mệnh cao cả đã phát thệ nguyện nhận lãnh truớc tổ chức, truớc Tam Bảo.

 

MINH GIÁC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.