Hệ thống các phép Thiền Định – Bài 2: Phép thiền định về sáu thành phần

Vài lời giới thiệu của người chuyển ngữ:

Loạt bài chuyển ngữ dưới đây là cố gắng của một Thiền Sư vô cùng uyên bác và lỗi lạc là Urgyen Sangharakshita, nhằm hệ thống hóa thật mạch lạc và sâu sắc các phép luyện tập thiền định nêu lên trong Giáo huấn của Đức Phật và cả trong các học phái Phật giáo Đại thừa.

Urgyen Sangharakshita (1925-2018) gốc người Anh, tên thật là Dennis Lingwood, có một trí thông minh khác thường, thường được xem là một trong số các nhà sư uyên bác nhất trong thế kỷ XX. Ông viên tịch vào tháng 10 năm 2018 trong sự kín đáo và đã để lại cho chúng ta khoảng 60 quyển sách và hàng trăm bài giảng vô cùng giá trị. Tại Anh quốc, ông khởi sự tu tập theo Phật giáo Theravada, nhưng sau đó thì sang Ấn Độ và lưu lại đây suốt hai mươi năm, trong thời gian này ông từng tiếp xúc và học hỏi với nhiều nhà sư Tây Tạng nổi tiếng. Tại đây ông cũng đã hợp tác với Bhimrao Ramji Ambedkar (1891-1956) bộ trưởng và thủ tướng Ấn, để tổ chức quy y tập thể cho những người tiện dân. Nhà sư Sangharakshita cũng là vị sáng lập “Hiệp Hội Phật Giáo Tam Bảo” (Triratna Buddhist Community) chuyên giảng dạy về thiền định. Hiệp hội này cũng còn mang một tên khác là “Hội Thân Hữu Dòng Tu Phật Giáo Tây Phương” (Friends of the Western Buddhist Order / FWBO), có mặt trên 30 quốc gia trên thế giới.

Loạt bài về thiền định của nhà sư Urgyen Sangharakshita được chuyển ngữ dưới đây được trích ra từ một quyển sách của ông mang tựa: “Hướng dẫn trên đường tu tập Phật Giáo” (A Guide to the Buddhist Path, Windhorse Publications,1990). Trong sách này, nhà sư Urgyen Sangharakshita lựa chọn các phương pháp luyện tập trung thực và quan trọng nhất tạo thành một hệ thống mạch lạc, chính xác và sâu sắc về phép luyện tập cốt lõi này của Phật giáo. Hệ thống thiền định này gồm chung trong mười bài giảng, trích ra từ một chương mang tựa “Hệ thống các phép thiền định” (A system of meditation) của quyển sách. Bản chuyển ngữ tiếng Việt được dựa vào bản dịch tiếng Pháp của Christian Richard 2004. Độc giả có thể tham khảo bản tiếng Pháp này trên trang mạng: http://www.centrebouddhisteparis.org/Meditation/Systeme_de_meditation/systeme_de_meditation.html

Đức Đạt-lai Lạt-ma và nhà sư Sangharakshita
(Ảnh chụp tại Luân Đôn – năm 2008)

 

HỆ THỐNG CÁC PHÉP THIỀN ĐỊNH
Un système de méditation

Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

Bài 1: Phép chú tâm dựa vào hơi thở.
Bài 2: Phép thiền định về sáu thành phần.
Bài 3: Bốn giai đoạn trong hệ thống thiền định.
Bài 4: Năm phương pháp thiền định căn bản.
Bài 5: Sự nhận thức điên loạn và sự nhận thức đúng đắn.
Bài 6: Các cấp bậc cảm nhận và phi cảm nhận về cái tôi.
Bài 7: Bốn thể dạng vô biên của tâm thức.
Bài 8: Các cấp bậc dhyana liên quan đến thế giới hình tướng và vô hình tướng.
Bài 9: Cách biểu trưng về năm thành phần trong các bảo tháp.
Bài 10: Năng lực của năm thành phần.

Bài 2
Phép thiền định về sáu thành phần

Tuy nhiên dù các bạn đã phát huy được khả năng nhận thức, khơi động được tất cả các xúc cảm tích cực trên đây (metta / lòng nhân ái…), biến mình thành một con người hoàn toàn tập trung, thật tích cực, hoàn toàn ý thức được trách nhiệm mình, kể cả đã trở thành một con người hoàn toàn tự chủ – ít nhất cũng trong lãnh vực tâm lý – thì các bạn cũng còn phải trải qua một giai đoạn khác tiếp theo sau đó, vậy giai đoạn này là gì? Đó là cái chết! Dù các bạn đang hưởng hạnh phúc, có một sức khỏe thật tốt – hoặc đã từng trải qua những giây phút đại loại như thế – nhưng rồi các bạn cũng sẽ phải chết. Nói một cách khác là [trong giai đoạn tiếp theo này] các bạn phải vượt lên trên sự phân biệt giữa “chủ thể và đối tượng”, phải đập tan cái cá thể trần tục (có nghĩa là một cá thể chỉ biết suy nghĩ và hành động dưới sự kiềm tỏa và sai khiến của các thứ bản năng), dù nó tinh khiết và hoàn hảo đến đâu cũng vậy. Do vậy phép thiền định chủ yếu trong giai đoạn này là phải hồi nhớ lại sáu thành phần (tạo ra con người của mình là: đất, nước, lửa, khí / ether, không gian và tri thức / consciousness).

Tuy nhiên cũng có nhiều phép luyện tập khác giúp chúng ta đập tan cái cá thể trần tục đó của mình (dù mình ý thức rõ rệt được nó và dù nó mang tính cách tích cực trên phương diện xúc cảm cũng vậy), chẳng hạn như các phương pháp suy ngẫm về vô thường, cái chết, hoặc thiền định về shunyata (là tiếng Phạn, còn được viết là sunyata, tiếng Pa-li là sunnata, có nghĩa là sự “trống không” của mọi hiện tượng, dù là vô hình hay hữu hình, thuộc bên trong hay bên ngoài tâm thức cũng vậy. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là “Không” hay “Không tánh” (空, 空 性). Đối với Phật giáo, tất cả mọi hiện tượng đều “trống không” về sự hiện hữu nội tại hay tự tại, có nghĩa là mọi hiện tượng không thể hiện hữu được bởi chính nó và tự nơi nó. Tất cả mọi hiện tượng chỉ có thể hiện hữu bằng cách liên kết và tương tác với các hiện tượng khác, nói một cách khác là phải nhờ vào thật nhiều điều kiện. Tất cả mọi hiện tượng đều phải lệ thuộc vào nhau, nếu một hiện tượng chuyển động thì tất cả các hiện tượng khác đều phải chuyển động. Đó là nguyên tắc vận hành của thế giới hiện tượng và cũng là bản chất vô thường của toàn thể vũ trụ. Các ngôn ngữ Tây phương dịch chữ shunyata là emptiness / vacuité, có nghĩa là sự “trống không” hay “trống rỗng” với ý nghĩa là không có một sự hiện hữu nội tại hay tự tại nào nơi mọi hiện tượng. Nếu dịch chữ shunyata là “Tánh không” thì chữ “tánh” tự nó là một sự nghịch lý, bởi vì nếu các hiện tượng tự chúng chỉ là một sự trống không thì chúng không có cái “tánh” nào cả. Khái niệm hay ý niệm về “sự trống không” trên đây liên hệ mật thiết với khái niệm “vô ngã” hay “không có cái tôi” của con người, Đức Phật tự xưng mình là “tathata”, có nghĩa là [một người] “chỉ là như thế” là vì lý do đó. Đối với các hiện tượng thì dù rất thật thế nhưng phía sau chúng và cả bên trong chúng chỉ là một sự “trống không” mà thôi, không hàm chứa một sự hiện hữu thật sự nào cả. Thiền định về shunyata là để thấy sự hiện hữu của mình không phải là thật), hoặc thiền định về chuỗi trói buộc của các nidana (nidana là tiếng Phạn, có nghĩa là các nút thắt hay mối dây trói buộc một cá thể trong cõi luân hồi. Chuỗi trói buộc đó gồm có 12 nidana tất cả, kinh sách Hán ngữ gọi là “Thập nhị nhân duyên”, nói một cách khác là “mười hai nguyên nhân và hậu quả” trói buộc con người trong thế giới hiện tượng, và đây cũng là một khái niệm ứng dụng từ nguyên lý “Tương liên, tương tác và tương tạo” giữa mọi hiện tượng). Thế nhưng phép thiền định về shunyata (sự trống không) có thể là quá trừu tượng (đối với một số người), nếu không muốn nói là quá trí thức. Sự hồi nhớ lại (thiền định) về sáu thành phần là cách “mang” các thành phần đất, nước, lửa, v.v… tạo ra con người của mình để trao trả lại cho đất, nước, lửa, v.v… của toàn thể vũ trụ, nói một cách khác là tuần tự không chấp nhận đất, nước, lửa, khí, không gian kể cả thành phần tri thức đã được cá thể hóa của mình là mình. Sự suy ngẫm này là một phép luyện tập cụ thể và thiết thực, thích nghi hơn cả trong giai đoạn luyện tập này (tức là sau khi đã phát huy được sự chú tâm và bước vào giai đoạn phải đối đầu với cái chết). Đây cũng là phép luyện tập chủ yếu nhất giúp đập tan ý niệm về cái cá thể tương đối (relative individuality, tức là “cái tôi” hay cái “cá thể trần tục”) của mình.

Chúng ta có thể xem phép luyện tập về sáu thành phần là một cách thiền định về shunyata (sự trống không / Tánh không) bởi vì nó cũng có thể giúp chúng ta thực hiện được sự trống không của cái cá thể trần tục của mình (worldly individuality, có thể hiểu như là “cái tôi” hay “cái ngã” của mình) – và cũng có nghĩa là giúp chúng ta chết (cái chết của mình là một sự phân tán của sáu thành phần, sự phân tán đó là cái chết của cái “tên gọi” (tức cái tôi) và cái “địa chỉ” (tức thân xác) của mình đối với thế giới trần tục, bản chất đích thật của mình chỉ là shunyata). Có nhiều cách dịch khác nhau về chữ shunyata, đôi khi được dịch là sự “trống không” (emptiness), Guenther (Herbert V. Guenter, 1917-2006, là một triết gia Phật giáo người Đức, rất nổi tiếng, thành thạo ít nhất 20 ngôn ngữ khác nhau, từng tu học và giảng dạy về triết học Phật giáo tại các đại học Ấn Độ) thì dịch là “chẳng có gì cả” (nothing / rien). Tuy nhiên chữ shunyata cũng có thể hiểu là “cái chết”, bởi vì đấy là cái chết của tất cả những gì nhờ vào các điều kiện mà có (conditioned co-production, xin độc giả hãy liên tưởng đến nguyên lý tương liên / interdependence). Chỉ khi nào cái “cá thể do điều kiện mà có” (conditionned individuality) chết đi thì khi đó cái “cá thể phi điều kiện” (unconditioned Individuality) – nếu chúng ta có thể gọi như vậy – mới có thể bắt đầu hiển hiện được. Trong lúc thiền định, càng lúc chúng ta càng lắng sâu hơn, vì thế chúng ta thường cảm thấy một sự sợ hãi thật to lớn. Trước sự sợ hãi đó nhiều người thụt lùi trở lại, thế nhưng tốt hơn cứ để mình cảm nhận nó. Sự sợ hãi sở dĩ hiện ra là vì chúng ta cảm thấy là mình đang chạm vào shunyata của cái tôi do điều kiện mà có của mình – nếu có thể nói như vậy – và điều đó cũng có nghĩa là một sự chạm khẽ vào hiện thực. Chúng ta cảm thấy sự chạm khẽ đó với shunyata cũng chính là cái chết. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là cái chết của cái tôi do điều kiện mà có. Chính vì thế nên nó – tức là cái tôi do điều kiện mà có – cảm thấy sợ hãi, và đấy cũng có nghĩa là chính mình sợ hãi.

Sự hồi nhớ lại sáu thành phần cũng như các phép thiền định về shunyata (sự trống không) đều là các phép thiền định vipashyana (tiếng Pa-li là vipassana) là các phép thiền định nhằm mang lại một sự quán thấy xuyên thấu (sâu xa), trong khi đó các phép thiền định dựa vào hơi thở và metta bhavana (lòng nhân ái hay tình thương yêu vô biên) là các phép thiền định shamatha (tiếng Pa-li là samatha) thuộc thể loại thiền định mang lại sự an bình. Phép thiền định shamatha là cách phát huy và làm cho rõ nét (làm sáng tỏ) cái cá thể do điều kiện mà có của mình (conditioned individuality), trong khi đó thì phép thiền định vipashyana sẽ đập tan cái cá thể ấy, hay đúng hơn là giúp chúng ta nhìn xuyên qua cái cá thể ấy (tức là một sự quán thấy xuyên thấu vượt thoát các tấm màn giăng ra bởi các thể dạng khác nhau của cái tôi trần tục, nói cách khác là các thứ tư duy và xúc cảm đủ loại).

Phép thiền định quán thấy

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra sau khi cái tôi trần tục đã chết? Nếu có thể mượn một cách nói khác hơn với các cách diễn đạt thường thấy, thì sau khi cảm nhận được cái chết của cái tôi trần tục (worldly self, tức là cái cá thể chi phối bởi bản năng và do điều kiện mà có) thì cái tôi siêu nhiên (transcendent self, tức là cái tôi thoát tục hay giải thoát) sẽ hiện ra. Cái tôi siêu nhiên đó sẽ hiện ra giữa trời – trong một bầu không gian trống không – chúng ta sẽ thấy hiện ra một đóa hoa sen giữa bầu không gian đó. Bên trên đóa hoa là một hạt giống mang hình dạng một chữ cái (trong tiếng Phạn) mà người ta gọi là man-tra bija (bija là tiếng Phạn có nghĩa là hạt mầm hay hạt giống, phép thiền định bija là cách phát lên một âm thanh, chẳng hạn như chữ M thì khi phát lên sẽ là Mmmmmm…, hoặc chữ Om kéo dài Ommmm trong câu chú Om Mani Padme Hum. Các âm thanh đó sẽ kích động các trung tâm khí lực trong cơ thể gọi là “luân xa” / chakra. Phương pháp thiền định dựa vào âm thanh trên đây bắt nguồn từ phép luyện tập Du-già / Yoga, rất phổ biến trong Ấn giáo và Kim cương thừa). Man-tra bija đó sẽ hóa thành một vị Phật hay một vị Bồ-tát rất thật. Đấy là cách luyện tập về sự quán thấy mà chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn dưới đây.

Bóng dáng vị Phật hay vị Bồ-tát mà các bạn quán tưởng sẽ hiện ra vô củng rạng rỡ và tuyệt vời trước mặt mình, thế nhưng thật ra thì đấy chính là các bạn, bóng dáng mới mẻ của các bạn – đúng với những gì mà các bạn sẽ trở thành – tất nhiên là với điều kiện là trước đó các bạn phải để cho mình chết đi (trước khi trở thành một vị Phật hay một vị Bồ-tát mà mình quán tưởng thì trước hết mình cũng phải để cho cái cá thể trần tục của mình chết đi). Sau khi đã thực hiện được trọn vẹn sự quán thấy trên đây, có nghĩa là ít nhất cũng đã đạt được một thể dạng rõ rệt nào đó, thì ngay sau đó chúng ta nên khởi sự tụng niệm câu man-tra: “Om svabhavashuddhah sarvadharmah svabhavashuddho’ham”, câu này có nghĩa là: “Om, tất cả mọi sự vật từ bản chất đều tinh khiết, đối với tôi cũng vậy, tôi cũng tinh khiết từ bản chất”. Chữ tinh khiết ở đây có nghĩa là sự trống không (emptiness), nhưng cũng có nghĩa là phi khái niệm (without concep) hay phi điều kiện (unconditioned), chẳng qua là vì chúng ta không thể nào tái sinh mà lại không bước qua cái chết được (câu này khá khúc chiết: tái sinh ở đây là để trở thành một vị Phật hay một vị Bồ-tát, và nếu muốn thực hiện được điều đó thì trước hết phải thoát khỏi các khái niệm và các điều kiện tạo ra cái cá thể trần tục của mình, sự vượt thoát đó nhà sư Sangharakshita gọi là cái chết của những thứ ấy, nói một cách khác thì đó là cái chết của cái cá thể trần tục của mình). Một cách vắn tắt người ta có thể bảo rằng nếu không có Mahayana (Đại thừa) thì sẽ không thể nào có Vajrayana (Kim cương thừa) được, tất cả là vì Mahayana chính là yana (yana là tiếng Phạn và tiếng Pa-li, có nghĩa là “cỗ xe”, kinh sách Hán ngữ gọi là “thừa”) của shunyata và cũng có nghĩa là sự thực hiện shunyata (câu này khá vắn tắt: Đức Phật thuyết giảng shunyata như là một phương tiện thiền định cụ thể. Vào thế kỷ thứ I – II Đại thừa triển khai phương tiện này và biến nó thành một khái niệm triết học. Kim cương thừa được hình thành muộn hơn vào khoảng thế kỷ thứ VI – VII đã sử dụng khái niệm này như là một chủ đích hay lý tưởng tu tập, biểu trưng cho một cấp bậc cao nhất của phép quán thấy). Chính vì thế mà người bạn thân thiết của tôi là vị thầy M. Chen (đã có dịp nói đến trong bài 1), một vị thiền sư sống ẩn dật tại Kalimpong (đông bắc nước Ấn, vùng Darjeeling, dưới chân rặng Hy-mã-lạp-sơn) thường nói: “Khi nào chưa thực hiện được shunyata thì các sự quán thấy của Vajrayana cũng chỉ là một thứ ma thuật tầm thường mà thôi” (thiền định quán thấy là để trở thành một vị Phật hay một vị Bồ-tát, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là một cách giúp mình trở thành shunyata, một sự trống không tuyệt đối của các vị ấy. Nếu bám víu vào những vị mà mình trở thành thì đấy cũng chỉ là một thứ ma thuật mà thôi. Nếu quán tưởng Đức Phật A-di-đà và cảnh giới của Ngài là cõi tịnh độ và bám víu vào đó thì đó không phải là phép quán tưởng đúng nghĩa của nó mà chỉ là cách giúp mình tái sinh với cái tôi của mình trong cõi luân hồi).

Có nhiều phương pháp luyện tập về sự quán thấy khác nhau, thuộc nhiều cấp bậc khác nhau. Hơn nữa cũng có rất nhiều các vị Phật, các vị Bồ-tát cũng như các vị daka (nam thần linh trong Kim cương thừa), dakini (nữ thần linh trong Kim cương thừa), các dharmapala (các vị thần linh bảo vệ Dharma / Đạo Pháp, kinh sách Hán ngữ gọi là Hộ Pháp Thần / 护 法 神 ) để người luyện tập tùy ý quán tưởng. Các phép quán tưởng phổ biến nhất trong Dòng tu Triratna (do nhà sư Sangharakshita thành lập) là các phép luyện tập hướng vào Đức Phật Shakyamuni (Thích-ca-mâu-ni), Đức Phật Amitabha (A-di-đà), Padmasambhava (một vị thầy thế kỷ thứ VIII, xuất thân từ vùng Swat thuộc Pakistan ngày nay, và cũng là người đầu tiên đã đưa Phật giáo vào Tây Tạng, vị này được người dân Tây Tạng tôn vinh như một vị Phật), Avalokiteshvara (Bồ-tát Quán Thế Âm), Tara (một vị nữ Bồ-tát, biểu trưng cho thể dạng nữ tính của lòng từ bi), Manjughosha (còn viết là Manjushri, là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi), Vajrapani (một vị Bồ-tát trong Kim cương thừa, có một sức khỏe phi thường và là người bảo vệ Đức Phật), Vajrasattva (một vị Bồ-tát khác của Kim cương thừa, biểu trưng cho sự sám hối và tiêu trừ nghiệp chướng), Prajnaparamita (một vị nữ thần biểu trưng cho trí tuệ Bát-nhã). Mỗi thành viên của Dòng tu Triratna đều có một phép quán thấy riêng và một man-tra tương quan với phép quán thấy ấy, thành viên này tiếp nhận phép quán thấy riêng cho mình vào lúc được thụ phong. Đối với cá nhân tôi thì tôi vẫn muốn các thành viên kinh nghiệm nhất trong Tăng đoàn phải thành thạo ít nhất hai hoặc ba phép luyện tập về sự quán thấy.

Chủ đích tổng quát của phép luyện tập này có thể nhận thấy rõ rệt qua sadhana của vị Vajrasattva (sadhana là tiếng Phạn có nghĩa là “thành đạt”, Vajrasattva là vị Bồ-tát biểu trưng cho sự sám hối và tiêu trừ nghiệp chướng). Vajrasattva là một vị Phật nhưng hiện ra dưới thể dạng một vị Bồ-tát mang thân hình màu trắng biểu trưng cho sự tinh khiết. Sự tinh khiết ở đây là một sự thực hiện tối hậu, tức không còn bị ô nhiễm trở lại nữa, khi đạt được thể dạng đó thì các bạn sẽ trở thành tinh khiết từ nguyên thủy, một sự tinh khiết không có điểm khởi thủy, một sự tinh khiết từ bản chất, tinh khiết một cách tuyệt đối, một sự tinh khiết thật sâu kín từ bên trong con người của các bạn, một sự tinh khiết không nhờ vào một điều kiện nào cả. Sự tinh khiết đó của các bạn vượt lên trên cả sự phân biệt giữa điều kiện và phi điều kiện. Đấy chính là cách mà các bạn hóa thành Trống không (Tánh không). Đối với một người lớn lên trong một nền văn minh ảnh hưởng bởi ý niệm tội lỗi, chẳng hạn như tại các nước Tây phương của chúng ta (các ngưỡng độc thần của Tây phương xoay quanh ý niệm tội lỗi, kể cả tội lỗi của tổ tông mình để lại, phép rửa tội là một điều kiện và cũng là một nghi thức bắt buộc) thì sự khẳng định trên đây (về sự tinh khiết nguyên sinh của con người) nhất định sẽ là cả một sự thần khải (revelation) lớn lao – một sự chấn động to lớn mang tính cách tích cực (người Phật giáo thay vì cảm thấy ngập tràn tội lỗi thì khám phá ra từ nơi sâu kín bên trong chính mình một sự tinh khiết tuyệt đối, sự tinh khiết đó có thể cảm nhận được nhờ vào phép thiền định. Điều này cho thấy một sự trái ngược với cảm tính tội lỗi và phép rửa tội của các tôn giáo độc thần Tây phương).

Vajrasattva cũng liên hệ đến cái chết (Vajrasattva là vị Bồ-tát biểu trưng cho sự sám hối và tiêu trừ nghiệp chướng): không những đối với cái chết tinh thần mà cả thể xác. Sự liên hệ này được nói đến trong “Quyển sách Tây Tạng về Cái Chết” (The Tibetan Book of the Dead), tiếng Tây Tạng là Bardo Thödol, nguyên nghĩa là “Sự giải thoát nhờ lắng nghe trong khi trải qua thể dạng trung gian” (có nghĩa là lắng nghe những lời chỉ dẫn của một vị Lạt-ma ngồi bên cạnh thân xác mà trước kia là của mình, vị Lạt-ma giải thích cho mình biết những gì sẽ xảy ra và những gì mà mình cần phải làm trong khi quá trình trung gian đang diễn tiến). Thể dạng trung gian là một thể dạng xảy ra giữa cái chết vật lý và sự tái sinh vật lý. Thế nhưng thiền định tự nó cũng là một thể dạng trung gian, bởi vì trong lúc chúng ta thiền định – đúng nghĩa của nó – thì cũng là lúc mà chúng ta chết. Thật vậy, cái chết vật lý cũng là một thể dạng thiền định, nhưng là một thể dạng thiền định bị ép buộc, một thể dạng samadhi (một thể dạng lắng sâu của tâm thức trong khi thiền định) ngoài ý muốn của mình. Trong cả hai giai đoạn trung gian đó – giai đoạn giữa cái chết và sự tái sinh và giai đoạn lắng sâu trong khi thiền định – chúng ta có thể trông thấy các vị Phật và các vị Bồ-tát, kể cả các mandala của các vị ấy (mandala là tiếng Phạn, có nghĩa là khung cảnh hay bầu không gian, trong trường hợp này thì có nghĩa là “cảnh giới” của các vị Phật hay các vị Bồ-tát). Các vị ấy (và các cảnh giới của họ) không phải ở bên ngoài chúng ta mà đúng hơn là các sự hiển lộ của Tâm thức đích thật của chính mình, bên trong chính mình, và cũng là các sự hiển lộ của dharmakaya (Thân Đạo Pháp hay Pháp Thân), nhờ vậy chúng ta có thể nhận diện chính mình xuyên qua các sự hiển lộ đó – nếu có thể nói như vậy – và đấy cũng chính là cách mà mình tái sinh trong lãnh vực tâm linh, tức là tái sinh trong một thể dạng hiện hữu siêu nhiên (transcendent, các cõi cao trong số sáu cõi luân hồi, chẳng hạn như các cõi phi hình tướng). Nếu không đủ sức tự nhận diện mình qua các sự hiển lộ đó thì chúng ta cũng sẽ tái sinh, thế nhưng chỉ tái sinh một cách bình thường, có nghĩa là sẽ rơi trở lại với cái tôi (hay cái ngã) do điều kiện mà có của chính mình trước đây.

(Đoạn trên đây thật quan trọng giúp chúng ta hiểu tại sao trong quá khứ cũng như hiện tại nhiều nhà sư Tây Tạng và các thiền sư cao thâm thường viên tịch trong lúc tọa thiền. Trong khi lắng thật sâu vào các thể dạng thiền định thì các vị ấy sẽ cảm nhận được sự hiển lộ của “tâm thức nguyên sinh của mình” tức là “Thân Đạo Pháp” của chính mình và họ tự nhận diện mình xuyên qua các sự hiển lộ đó. Đấy cũng là cách mà họ tái sinh dưới các thể dạng siêu nhiên trong các cảnh giới khác. Chính vì vậy mà nhà sư Sangharakshita cho biết thiền định – đúng nghĩa của nó – cũng là một thể dạng trung gian).

Bures-Sur-Yvette, 12.08.2019
HOANG PHONG chuyển ngữ

Xem tiếp bài 3: Bốn giai đoạn trong hệ thống thiền định.
Xem lại từ đầu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.