LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ TÁT
The Bodhisattva Ideal
Nguyên tác: Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ
——=oOo=——
CHƯƠNG I
Lý tưởng của người Bồ-tát
Nguồn gốc và sự hình thành
oOo
- Bài 1: Lý tưởng của người Bồ-tát – Nguồn gốc và sự hình thành.
- Bài 2: Hố sâu giữa con người và ngôn từ.
- Bài 3: Phật Giáo là gì?
- Bài 4: Lòng từ bi của Đức Phật.
- Bài 5: Sự dũng cảm của Đức Phật.
- Bài 6: Sự bình lặng của Đức Phật.
- Bài 7: Đức Phật và Ananda.
- Bài 8: Sự giác ngộ của Đức Phật và sự giác ngộ của các đệ tử của Ngài.
- Bài 9: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cương Thừa là gì?
Bài 2
Hố sâu giữa con người và ngôn từ
Khi nhìn vào vấn đề trên đây (sự khác biệt giữa con người và lời nói) thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay có một sự cách biệt to lớn giữa ngôn từ do một người nào đó nói ra và con người của họ. Thí dụ một nhà phân tâm học có thể viết cả một quyển sách nói về tình thương yêu, chẳng hạn như sự phát triển của nó, làm thế nào để bảo toàn nó, phải xử sự ra sao khi mọi chuyện xoay chiều một cách tồi tệ…, và đại loại như thế. Dù nhà phân tâm học không gặp một khó khăn nào khi đề cập đến tình thương yêu, thế nhưng cuộc sống của riêng mình thì chưa hẳn đã nói lên được tình thương yêu do chính mình mô tả. Trong khi đó một số người khác, qua cuộc sống của họ, quả thật là hiện thân của lòng nhân từ, sự trìu mến, lòng ưu ái, thế nhưng họ lại không tìm được lời nào để bộc lộ hay cách nào để giải bày các điều đó, dù là họ đang đứng trước những người thân thiết với mình cũng vậy. Tất cả chẳng qua là vì họ không hề ý thức được các điều đó [bên trong chính mình]. Vì vậy thường có cả một cái hố thật sâu phân cách một bên là “con người và hành động” và một bên là “lời ăn tiếng nói”.
Ngôn từ là một hình thức nối dài của con người, thế nhưng không nhất thiết là các ngôn từ ấy phản ảnh trung thực những gì mà chúng ta tin rằng các ngôn từ đó nói lên, hoặc mong muốn kẻ khác cũng phải hiểu đúng theo những gì mà các ngôn từ đó muốn nói. Thái độ hành xử của mình cũng vậy, đôi khi lại không thích nghi với những lời mình nói. Thí dụ có một người nào đó hỏi các bạn:
– Mục đích của Phật Giáo là gì?
Và các bạn sẽ trả lời rằng:
– Thật hiển nhiên, mục đích của Phật Giáo chính là sự giác ngộ, một sự giác ngộ tối thượng, một sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng từ bi ở một cấp bậc cao nhất của nó.
Trong lãnh vực ngôn từ thì quả đúng là như vậy, thế nhưng chẳng có một chút liên hệ gì giữa những gì là [con người] của các bạn và những gì mà các bạn vừa nói lên (nếu nhìn vấn đề trên đây qua một góc cạnh khác, thì chúng ta sẽ thấy rằng ngôn từ chỉ là các “công thức” và “quy ước” dùng để trao đổi sự hiểu biết giữa con người với nhau. Các “công thức” và “quy ước” thuộc lãnh vực âm thanh đó không liên hệ gì với chủ thể – tức là con người – nêu lên các “công thức” và “quy ước” đó. Nếu nhìn qua một góc cạnh khác nữa thì ngôn từ chỉ là “sản phẩm của tâm thức”, các “tạo tác tâm thần”, liên hệ đến rất nhiều yếu tố từ nội tâm đến bối cảnh bên ngoài, không hoàn toàn trung thực với dòng tri thức sâu kín và cả sự hiện hữu của chính mình).
Người ta có thể hình dung ra hai vòng tròn, một vòng tròn thật lớn biểu trưng cho ngôn từ, và một vòng tròn nhỏ hơn biểu trưng cho cung cách hành xử của chính mình. Mục đích là làm thế nào cho cả hai vòng tròn đó đều có một kích thước ngang nhau. Nếu một người nào đó có những lời nói không phù hợp với cung cách hành xử của mình thì người khác tất sẽ nhận thấy ngay. Emerson (Ralph Waldo Emerson, 1803-1882, triết gia và thi sĩ người Mỹ) có nói như sau: “Không [cần phải] nói lên điều gì cả. Những gì là chính bạn đang hiện ra trước mặt bạn.”
Hàn huyên về chủ đề tình thương với một tâm trạng bực dọc không phải là cách bộc lộ tình thương, mà chỉ là cách biểu lộ tâm trạng bực tức của mình. Giữa ngôn từ và thái độ của mình thường có một sự khác biệt rất lớn: người ta có thể quả quyết rằng Đức Phật trong quá khứ và cả hiện tại, là một chúng sinh đã hoàn toàn giác ngộ, thế nhưng thật hết sức khó cho chúng ta có thể tưởng tượng ra được điều ấy có nghĩa là gì (chúng ta chỉ hiểu đại khái Đức Phật là một chúng sinh giác ngộ, thế nhưng sự giác ngộ ấy của Đức Phật thì chúng ta chỉ có thể hình dung một cách mơ hồ qua sự tưởng tượng của mình mà thôi). Chúng ta đọc sách và hiểu rằng Đức Phật có thể nhận biết được hiện thực, Ngài rất từ bi và trí tuệ, đại loại như vậy, thế nhưng đấy cũng chỉ đơn giản là ngôn từ. Chúng ta phải cố gắng lắm thì mới hình dung ra được ý nghĩa của các ngôn từ đó, và tạm hiểu được một chúng sinh hoàn toàn giác ngộ là như thế nào. Trên thực tế, nếu chúng ta có dịp tiếp xúc với một con người thật sự giác ngộ, thì chưa hẳn chúng ta có đủ khả năng để nhận biết được con người ấy có đúng là một con người đã đạt được giác ngộ hay không.
Các cảm nhận nội tâm của một vị Phật trước hết được biểu lộ qua con người và hành động của vị ấy, những lời mà vị ấy nói ra chỉ giữ một vai trò thứ yếu. Dù rằng ngày nay vẫn còn lưu lại thật nhiều giai thoại chính xác liên quan đến những lời thuyết giảng của Đức Phật về sự giác ngộ, thế nhưng những lời nói đó không hoàn toàn biểu lộ được hết thể dạng nơi con người của chính Ngài.
Các giai thoại đó được ghi chép trong kinh điển Pali và đã chứng minh thật rõ ràng sự kiện trên đây. Chẳng hạn như trường hợp Đức Phật giảng cho một người mà Ngài gặp trên đường trong lúc đang đi khất thực, hoặc trả lời câu hỏi do một người nào đó nêu lên, hoặc kể cả trong những buổi thuyết giảng bình thường, thì Ngài thường sử dụng những lời thật bình dị, thế nhưng tác động của những lời đó – ngày nay vẫn cỏn ghi chép trong kinh sách – không khỏi khiến chúng ta vô cùng kinh ngạc: những người được nghe các lời giảng ấy đã vụt đạt được giác ngộ. Tất cả cũng chỉ đơn giản như vậy (những gì chúng ta nói lên chỉ là các công thức và quy ước, các thứ ấy là giả tạo, không thật với chính mình. Những lời của Đức Phật nói ra là hiện thân của Ngài, sự hiện hữu của chính Ngài. Sự hiện hữu đó vượt lên trên sự hiểu biết quy ước và công thức, xuyên thẳng vào tâm hồn chúng ta, mang theo cả con người của chính Ngài. Nói một cách khác thì hiện thân của Ngài, sự hiện hữu của Ngài cũng chỉ là một tấm lòng từ bi vô biên và tinh khiết. Tấm lòng từ bi đó hướng về phía chúng ta, xuyên thẳng vào chúng ta, làm bùng dậy sự giác ngộ bên trong chúng ta. Những lời nói của Ngài chỉ là phương tiện chuyển tải lòng từ bi tinh khiết đó của Ngài. Cũng tương tự như vậy, đôi khi chúng ta cũng chỉ thấy ảnh tượng, lễ lạc và bông hoa, nhưng không trông thấy những gì đích thật phía sau những thứ ấy).
Tại sao lại có thể như vậy được? Nếu cứ thắc mắc theo kiểu đó thì sẽ không sao tiến bộ được. Dù cố gắng đọc đi đọc lại hàng trăm lần cùng một lời nói ấy [của Đức Phật], thế nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra với mình cả (chẳng công hiệu gì cả, trong khi đó những người xưa sau khi được nghe những lời đó thì vụt đạt được giác ngộ). Tuy nhiên điều đó cũng có thể mang lại cho chúng ta đôi chút hiểu biết sơ khởi nào đó khiến chúng ta có thể nghĩ rằng: “Thật hiển nhiên quả đúng là như vậy, không nghi ngờ gì cả” (những lời Phật dạy quá hay, thế nhưng những gì mà chúng ta tiếp nhận được hay rút tỉa được chỉ là các công thức và quy ước), thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta vụt đạt được “giác ngộ” tương tự như một mũi tên bắn lên cao. Cũng chỉ là những lời nói đó thế nhưng nếu là do Đức Phật trực tiếp thốt ra thì lại tạo ra các tác động vô cùng ngoạn mục. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng đấy là nhờ người nghe đã từng tu tập nhiều năm trước đó, thế nhưng những gì chủ yếu hơn mà chúng ta phải nghĩ đến là [hiện thân của] chính Đức Phật. Các lời nói ấy không hiện ra giữa không trung mà là do chính Đức Phật nói lên. Sự khác biệt là ở chỗ đó. Nói một cách khác thì những lời mà Đức Phật nói ra không quan trọng bằng chính hiện thân của Ngài. Những gì là chính [con người của] Ngài mới thật sự tạo ra các tác động đó.
Cung cách hành xử của các kẻ khác [chung quanh chúng ta] cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta theo cùng một cách thức như vậy (không những các người chung quanh mà cả tập thể xã hội cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các sự cảm nhận của từng mỗi thành phần trong xã hội đó). Chúng ta thường có một cảm nhận rõ ràng về một người nào đó trước khi hàn huyên với người ấy, kể cả trước khi trông thấy người ấy. Cũng vậy, cách hiện hữu của Đức Phật có thể biến cải được những con người bình dị, [tất nhiên là] nếu họ biết mở rộng lòng mình (trong nguyên bản là chữ receptive / thụ cảm, tiếp nhận). Đức Phật không thể áp đặt cách hiện hữu (way of being / façon d’être) của Ngài [cho bất cứ ai], mà luôn phải có một sự tương kết xảy ra. Những người khác [chung quanh chúng ta] cũng có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến chúng ta, kể cả làm biến đổi cả thể dạng tâm thần chúng ta nữa, thế nhưng một sự biến cải lâu bền chỉ có thể xảy ra khi nào chính mình tự phát huy cho mình một sự quán thấy sâu xa về bản chất đích thật của mọi sự vật (có nghĩa là phải tự mình tu tập. Chùa chiền, kinh sách, người Thầy hay Đức Phật cũng chỉ có thể tạo ra cho mình một dịp may hay một khung cảnh thuận lợi, mở ra cho mình một con đường, thế nhưng chính mình phải bước đi, bởi vì mức đến chỉ hiện ra với mình ở cuối con đường). Dù là một vị Phật cũng không khởi động được sự quán thấy sâu xa cho người khác, mà chỉ có thể tạo ra một khung cảnh thuận lợi để các người khác tự phát huy sự quán thấy sâu xa đó cho chính mình.
Vậy nếu muốn thực hiện được điều đó thì phải chăng cũng cần phải có một khả năng thụ cảm (tiếp nhận) bén nhạy? Thắc mắc này cũng là chủ đề tranh luận trong khoa thần học của Ki-tô giáo: các bạn cần phải có một sự ân sủng của Chúa thì mới được cứu rỗi, thế nhưng các bạn cũng không thể hoàn toàn thụ động mà phải có đủ khả năng để tiếp nhận sự ân sủng đó. Điều này phải chăng cũng có nghĩa là phải có một sự ân sủng khác đã được ban cho mình từ trước, hầu giúp mình hội đủ khả năng để tiếp nhận cái ân sủng đó? Điểm then chốt trong Phật Giáo cũng gần giống như vậy: phải chăng chúng ta cũng cần sự trợ giúp của một vị Phật để mở rộng lòng mình, hầu tiếp nhận quyền năng của vị Phật ấy? Ở một cấp bậc nào đó thì quả đúng là như thế, tuy nhiên đấy cũng chỉ là một sự diễn tiến thụt lùi của tư duy (muốn được ân sủng thì phải có một sự ân sủng khác trước đó giúp mình tiếp nhận ân sủng ấy, nếu muốn tiếp nhận quyền năng của một vị Phật thì cũng phải có một sự “tương tác” nào đó với vị Phật ấy. Nếu cứ tiếp tục lý luận theo cách thoái lùi như thế thì sẽ đi đến chỗ bế tắc, chẳng hạn như nếu muốn có mình thì phải có cha mẹ mình, muốn có cha mẹ mình thì phải có ông bà nội và ông bà ngoại mình, v.v…, trái lại nên nhìn ra phía trước, có nghĩa là nhìn vào sự tiến hóa sinh học), do đó tốt hơn không nên chọn cho mình cách diễn tiến đó, điều quan trọng hơn là phải mở rộng lòng mình để tiếp nhận tất cả những gì Đức Phật ban cho mình (tất nhiên còn tùy vào khả năng tiếp nhận của chính mình).
Sự hiện diện của một vị Phật
Người ta có thể nghĩ rằng nếu muốn được trực tiếp ảnh hưởng bởi một vị Phật thì phải có sự hiện diện của vị ấy. Chúng ta sẽ thấy rằng Mahayana (Đại Thừa) rất thực tế và đã từng nghĩ đến trường hợp của một người nguyện cầu được tái sinh vào một thời điểm và một không gian nhất định nào đó, hầu giúp mình gặp được một vị Phật. Tuy nhiên sự kiện mang tính cách giả thiết đó không nhất thiết là một điều kiện không thể thiếu sót (tức là bắt buộc phải tái sinh trong các điều kiện thuận lợi thì mới gặp được một vị Phật), bởi vì các thể dạng tâm thần vượt khỏi các ranh giới của không gian và cả thời gian: bất cứ ai đủ sức tạo ra cho mình một sự thụ cảm (khả năng tiếp nhận thật bén nhạy / receptivity) đều có thể cảm nhận được sự hiện diện của một vị Phật (chẳng hạn như trong lúc tập trung sự chú tâm để theo dõi dòng tư tưởng của nhà sư Urgyen Sangharakshita qua các dòng chữ này, thì biết đâu chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiện diện của chính vị ấy? Tất cả đều là do khả năng thụ cảm của mình. Hãy nêu lên một thí dụ khác: chẳng hạn chúng ta hồi tưởng lại một khoảng thời gian nào đó trong tuổi trẻ của mình, thì các niềm đau, các xúc cảm thương nhớ hay vui buồn cùng với hình ảnh của những người thân thiết, theo đó cũng sẽ hiện lên với mình rất thật, như mới ngày hôm qua. Các thể dạng tâm thần đó – nếu thật mạnh – sẽ vượt khỏi các ranh giới không gian và thời gian). Trong phép thiền định của người Tây Tạng có các phương pháp giúp quán thấy một vị Phật hay một vị Bồ-tát, là trong mục đích đó. Đấy là cách tạo ra một hình ảnh tâm thần về một vị Phật hay một vị Bồ-tát, hình ảnh đó gọi là samayasattva (là tiếng Phạn) có nghĩa là một “chúng sinh bằng hình ảnh”. Phép thiền định này không phải chỉ đơn giản là cách làm hiện lên hình ảnh của một chúng sinh, mà phải làm cho chúng sinh ấy trở thành sống thực. Điều này không phải dễ, thế nhưng khi nào thực hiện được điều đó, thì sự quán thấy samayasattva (chúng sinh bằng hình ảnh) sẽ biến thành một sự cảm nhận jnanasattva – tức là một “chúng sinh trí tuệ” (tiền ngữ tiếng Phạn, jnana có nghĩa là trí tuệ, tức là một sự hiểu biết mang bản chất giác ngộ) – một sự cảm nhận rất thật về một vị Phật hay một vị Bồ-tát [mà mình quán tưởng].
Phép luyện tập trên đây là bằng chứng cụ thể về bản chất đích thật trong giáo huấn của Đức Phật. Dù Ngài thuyết giảng những bài kinh thật dài hoặc không nói ra một lời nào cũng vậy, Ngài luôn ảnh hưởng đến kẻ khác qua những gì từng là Ngài và cách hành xử của Ngài, hơn là những gì mà Ngài đã nói. Thông điệp mà Ngài gửi gấm cho chúng ta chính là Con Người của Ngài, một Con Người Giác Ngộ. Chúng ta có thể bảo rằng Phật Giáo là Đức Phật và Đức Phật cũng chính là Phật Giáo, tất cả chỉ là như vậy.
Nhiều người từng đạt được giác ngộ trong cuộc sống của mình, không phải chỉ đơn giản nhờ những lời do Đức Phật nói ra – các lời này lúc nào cũng sẵn có trong kinh sách – mà còn phải nhờ vào sự hiện diện thật tuyệt vời của chính Ngài. Thật vậy, không có bất cứ gì Đức Phật nói lên có thể phản ảnh chính xác hiện thân của chính Ngài. Và đấy cũng chính là ý nghĩa đích thật trong câu chuyện về nắm lá simsapa: những gì mà Đức Phật thuyết giảng và những gì từng là Con Người của Ngài, cả hai đều là vô tận (giáo huấn và hiện thân của Đức Phật tương tự như số lá trong cả khu rừng, ngôn từ mà Ngài có thể nói ra và chúng ta có thể hiểu được, thì chỉ vỏn vẹn là một nắm lá trong lòng bàn tay. Lời giảng và con người của Đức Phật là hai vòng tròn có cùng một đường kính vô biên).
Bures-Sur-Yvette, 23.03.2020
HOANG PHONG chuyển ngữ