MỤC ĐÍCH
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
I/ MỤC ĐÍCH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM (GĐPTVN) QUA CÁC THỜI KỲ:
Gia Đình Phật Tử (GĐPT) là một tổ chức giáo dục, được manh nha hình thành trong những năm 30 (thập niên 1930) từ những người có tâm huyết với đạo pháp và dân tộc; lấy đạo Phật làm nền tảng trong việc giáo dục thanh thiếu nhi, vì đạo Phật thoả mãn được hai điều kiện:
- Gắn liền với đời sống dân tộc.
- Với tinh thần Bi – Trí – Dũng, đạo Phật có thể xây dựng được một hướng sống cho thanh niên.
Hơn 2/3 thế kỷ sinh hoạt, GĐPT trải qua nhiều danh hiệu: Khởi đầu từ Đồng Ấu Phật Giáo, rồi sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (1940). Năm 1947, sau những năm gián đoạn vì thời cuộc, sự sinh hoạt được tái lập dưới danh xưng GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ với bản Nội Quy đầu tiên, và các lần tu chỉnh tiếp theo, xác định mục đích:
1947: GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ:
“Đào tạo thành những Phật Tử chân chính, xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền luân lý Phật Giáo”.
1951: GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
“Đào tạo thanh thiếu đồng niên về ba phương diện: Trí dục, Đức dục và Thể dục trên nền tảng Phật Giáo để đào tạo thành những Phật Tử chân chính”.
1958: GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
“Đào tạo thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính để phục vụ chánh pháp và trở thành những hội viên xứng đáng của Hội”.
1961: GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM:
“Đào tạo thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính
Góp phần xây dựng xã hội theo chân tinh thần Phật Giáo”.
1967: GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM:
“Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính
Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”.
Trải qua nhiều danh hiệu: Gia Đình Phật Hóa Phổ, Gia Đình Phật Tử, Gia Đình Phật Tử Việt Nam, mục đích tuy có ít nhiều thay đổi theo từng giai đoạn và sự phát triển của tổ chức, nhưng nền tảng căn bản trước tiên vẫn là giáo dục cá nhân rồi Phật hóa gia đình (Gia Đình Phật Hóa Phổ), tiến đến phụng sự cho Hội (1957) và phụng sự cho xã hội (1964).
II/ MỤC ĐÍCH GĐPTVN HIỆN NAY:
“Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính
Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”.
Từ đại hội 1967, tổ chức GĐPTVN đã thay hai chữ “giáo dục” hoặc “đào tạo” thành “đào luyện” để nói lên phương pháp giáo dục Huân Tập đặc thù của Phật Giáo. Vì các nhóm từ ngữ “giáo dục”, “đào tạo” mang ý nghĩa một hệ thống giáo dục bao gồm người làm nhiệm vụ giáo dục (Huynh Trưởng) và đối tượng được giáo dục (Đoàn Sinh). Còn “đào luyện” đã phản ảnh được môi trường giáo dục, khung cảnh giáo dục, ở đó đòi hỏi mọi thành viên phải tự nỗ lực không ngừng, rèn luyện lấy chính mình.
GĐPTVN lấy khung cảnh thanh tịnh dưới mái chùa làm môi trường sinh hoạt để người Đoàn Viên GĐPT – từ Huynh Trưởng đến Đoàn Sinh – phải tích cực rèn luyện, tự tu, tự huấn. Cũng từ khung cảnh vật lý sinh hoạt dưới mái chùa, đến khung cảnh tâm lý với niềm tin yêu mình là “người Áo Lam”, mọi thành viên đều hướng sự tự rèn luyện mình qua việc giữ gìn Luật GĐPT.
“Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính”:
Người Phật Tử chân chính là người đã quy y Tam Bảo và giữ giới đã phát nguyện. Trong cuộc sống, chỉ cần giữ 5 giới mà Đức Phật đặt ra cho hàng cư sĩ tại gia thì xã hội đã có được những con người hữu ích, mà bất cứ thể chế xã hội nào cũng đều mong muốn.
Không chỉ là nhận thức, mà người Đoàn Viên GĐPT luôn phải sống trong tỉnh thức để thực hành Ngũ Giới, vì đó là Luật; tinh thần này cũng thể hiện rõ trong lời bài ca Sen Trắng, bài ca chính thức của GĐPT: “Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết…”
“Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”:
GĐPTVN nhắm đến việc rèn luyện cá nhân thành những con người tốt, những con người đó sống giữa cuộc đời, đem tinh thần Bi – Trí – Dũng của đạo Phật đi vào cuộc sống, thì mặc nhiên GĐPT đã thực hành mục đích thứ hai: Góp phần xây dựng xã hội.
GĐPT là tổ chức giáo dục phi chính trị, nên việc xây dựng xã hội chỉ là góp phần chứ không phải là biến cải xã hội. Người Phật Tử tin vào nhân quả, nghiệp báo hiện hữu trong cuộc sống, trong sự vận hành của xã hội, nên góp phần xây dựng, chuyển hóa để cuộc sống con người tốt đẹp hơn.
– Với mục đích được xác lập GĐPTVN là một tổ chức giáo dục, giáo dục GĐPT đặt trên nền tảng đạo Phật, với 3 tính chất: Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi; rèn luyện cá nhân trên 3 phương diện Lý trí – Ý chí – Tình cảm, nhằm khơi dậy những bản tính tốt đẹp của mỗi cá nhân, phát huy khả năng ấy, tính chất ấy trở thành người hữu ích.
– Nếu mục đích thứ nhất cuả GĐPT là đào tạo thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính nhắm đến việc rèn luyện bản thân, cũng như giáo dục Đoàn Sinh tự rèn luyện cho chính mình trở thành con người hữu ích, thì chính nó đã thực hiện mục đích thứ hai: Góp phần xây dựng xã hội qua việc những người con Phật với niềm tin vào nghiệp quả trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động của chính mình, sống hoà mình vào xã hội để mang một đạo Phật sinh động đi vào cuộc đời, thể hiện đúng với tinh thần Phật Giáo: Phụng sự cho con người.
III/ NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN VÀ LÝ TƯỞNG
– Mục đích của tổ chức GĐPTVN là lý tưởng sống của người Áo Lam. Nó sẽ không trở thành ảo tưởng, bởi bất kỳ một thể chế nào muốn xây dựng một xã hội an lạc, hạnh phúc đều cần đến tinh thần của đạo Phật. Đó cũng là lý do mà ngày nay Phật Giáo là tôn giáo duy nhất được tổ chức Liên Hiệp Quốc tôn vinh. Cơ quan văn hóa liên hiệp quốc Unessco đã có tuyên cáo vào đầu thế kỷ thứ XXI (Tuyên cáo năm 2000) kêu gọi mọi dân tộc trên thế giới sống theo để mọi người có thể sống trong an lạc, hạnh phúc. Tuyên cáo này rút ra từ nội dung 5 giới của Phật Giáo.
– Mục đích của GĐPT là giáo dục dựa trên nền tảng giáo lý Phật Giáo, nên tổ chức GĐPT là tổ chức giáo dục phụng sự cho con người, dân tộc, đạo pháp với lập trường phi chính trị. Do đó từ ngày thành lập cho đến nay, nó không để nhuốm màu sắc chính trị, đảng phái, và nhất là nó không thể trở thành công cụ của bất kỳ thế lực, phe nhóm nào hay một cá nhân nào. GĐPTVN luôn đặt mình trong sự tồn vong của đạo pháp và dân tộc, vì thế mà GĐPT đã vượt qua được những tranh chấp quyền lực cuả xã hội Miền Nam Việt Nam trước đây để tồn tại cho đến ngày nay; và cũng vì vậy mà GĐPT luôn gặp những khó khăn trở ngại, nhưng đã nói lên được sự trong sáng cho mục đích giáo dục của GĐPTVN.
– Đến với GĐPT bằng tinh thần tự giác, tự nguyện, là chúng ta nguyện tu học và rèn luyện để mang một đạo Phật sinh động phụng sự cho con người, chứ không bắt mọi người phụng sự cho lý tưởng của mình. Tâm nguyện này luôn sống trong trái tim người Huynh Trưởng GĐPT, đó là niềm tin để lý tưởng không trở thành ảo tưởng.
NHẬN ĐỊNH
1. LẬP TRƯỜNG PHI CHÍNH TRỊ CỦA GĐPTVN
Chính trị được xem là đường lối, chính sách điều hành quốc gia nhằm đem lại tự do hạnh phúc cho người dân, nó tác động trực tiếp đến cuộc sống con người.
Con người ta sống với những nhu cầu thiết yếu như: ăn mặc, đi đứng, ngủ nghỉ. Để đáp ứng nhu cầu ấy, con người phải làm việc tạo ra những sản phẩm để kiếm tiền, một hình thức trao đổi thuận lợi. Khi ăn, uống ta phải mua bán qua sự giao dịch của tiền tệ, một phần hình thành nên giá trị của món đồ đã được sử dụng vào việc đóng thuế. Khi phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng các phương tiện giao thông, ta cần đến nhiên liệu cho động cơ xe chạy. Trả tiền xăng là ta đã mặc nhiên đã góp phần vào việc thực hiện trách vụ thuế. Với số tiền thuế thu được này được nhà cầm quyền sử dụng vào việc trả lương cho cán bộ, công chức trong khối hành chánh sự nghiệp điều hành sự làm việc của các cơ quan công quyền, trả lương cho những người làm việc trong các lãnh vực an ninh quốc phòng để bảo vệ trị an đất nước, dùng để xây dựng các công trình công cộng… Thậm chí, một vấn đề tưởng chừng vô thưởng vô phạt như hút thuốc: Theo thói quen, sở thích, tiêu thụ loại thuốc nội địa được sản xuất trong nước hay loại thuốc phải nhập cảng từ nước ngoài. Nhưng nếu chọn sản phẩm tạo ra từ trong nước là chúng ta đã góp phần vào việc phát triển nền kinh tế nước nhà, tạo công ăn việc làm cho công nhân sản xuất. Có điều trong mối tương quan giữa 3 vấn đề: Sự làm việc – ăn uống – nghỉ ngơi, giải trí phải có sự cân bằng hợp lý. Nhận thức được như thế là ta đã có ý thức về chính trị. Vì nếu làm việc miệt mài để kiếm tiền mà không đáp ứng được 2 vấn đề còn lại, người ta phản kháng dù rằng chỉ bằng thái độ bực bội, đó là sự biểu hiện của một thái độ chính trị. Tìm hiểu nguyên nhân gây nên điều đó từ đường lối chính sách, từ hoạt động của bộ máy công quyền… với kiến thức tích lũy, hay học hỏi, người ta đúc kết nên lập trường chính trị. Nhiều người có cùng quan điểm, lập trường chính trị kết hợp nhau thành đảng phái chính trị, hoạt động nhằm mưu đồ dấn thân vào việc nắm quyền lực để thực hiện chính sách đảng phái của mình.
Trong khái niệm chính trị đó, nói GĐPTVN là tổ chức phi chính trị, là mang ý nghĩa tổ chức này không có mưu đồ tham gia vào việc xây dựng chính sách “trị quốc, an dân”, hay chủ trương nắm giữ quyền lực để “cải tạo hay xây dựng xã hội”. Thế nhưng sống trong một xã hội với chính sách giáo dục độc đoán dưới sự lãnh đạo của một đảng phái độc tôn với một nhà nước độc tài qua sự quản lý, hộ trợ bằng những cánh tay đắc lực của các đoàn thể tay sai, thì việc duy trì tổ chức giáo dục của GĐPTVN ở một góc độ nào đó cũng là hiện tượng chính trị. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa mà GĐPTVN phải đối diện trước những trở lực, khó khăn trong sinh hoạt.
2. LÝ TƯỞNG
Mục đích GĐPTVN chính là lý tưởng của người Đoàn Viên GĐPT.
Để kiến tạo cho mình một cuộc sống, người ta có những ước mơ. Có ước mơ cuộc sống mới được thăng hoa và mình mới muốn vươn tới cái đích của đời mình. Nhưng vượt lên trên những mục đích riêng tư ấy là lý tưởng.
Chúng ta đang sống. Cái qúy nhất của con người là sự sống, vì người ta chỉ sống có một lần, nên phải sống như thế nào để cuộc sống của chúng ta không trở thành vô nghĩa.
Trong đời sống hàng ngày chung quanh, có những cuộc sống ngay bên ta, nhưng ta lại không cần hay biết và đôi khi trong một phút giây nào đó, sân hận nổi lên, ta lại mong muốn cuộc sống ấy mất đi, để nó khỏi gieo khổ đau cho người khác. Trái lại, có những cái chết khiến cho ta luôn nhắc nhở thương tiếc.
Ý tưởng đó đã đưa ta vào câu hỏi:
– Mình sống cho ai?
– Sống vì cái gì?
Để cuộc sống của chúng ta không trở thành vô nghĩa, thì câu trả lời cũng thật đơn giản:
– Sống cho mình, cho người.
– Sống vì hạnh phúc của nhân loại.
Nhưng để có câu trả lời này, Người ta đã dựa trên những nhân sinh quan khác nhau, vũ trụ quan khác nhau, quan điểm về hành động khác nhau mà lý tưởng đã trở thành mục đích của một nhóm người cùng chung chí hướng. Từ đó hai chữ Đoàn Viên mang hình ảnh sự gia nhập một tổ chức, một đoàn thể, nhận mục đích của đoàn thể đó làm lý tưởng, mục đích cuộc đời mình.
Cũng vì lý tưởng là mục đích của cuộc sống. Nên những bước chân đi tìm một lý tưởng đều mang tính chất thiêng liêng của nó, để rồi khi thực hiện lý tưởng, đã gói trọn bao ý nghĩa ước mơ của đời người.
GĐPTVN là tổ chức chọn giáo dục làm mục đích. Giáo dục GĐPT đặt trên nền tảng đạo Phật với ba tính chất: Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi rèn luyện cá nhân trên ba phương diện: Lý trí, Ý chí, Tình cảm nhằm khơi dậy những khả năng sẵn có của con người, khơi dậy những bản tính tốt đẹp của mỗi cá nhân; phát huy khả năng ấy, tính chất ấy theo đường hướng Phật Giáo để con người xứng đáng với danh nghĩa con người.
Nếu mục đích thứ nhất cuả GĐPT là đào tạo thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chánh nhắm đến việc rèn luyện bản thân, cũng như giáo dục Đoàn Sinh tự rèn luyện cho chính mình trở thành con người hữu ích, thì chính nó đã thực hiện mục đích thứ hai: Góp phần xây dựng xã hội.
Quy tụ mọi thành phần trong xã hội, mọi độ tuổi để sinh hoạt dưới một mái chùa; và với một quá trình sinh hoạt 60 năm, tổ chức GĐPT đã có một chương trình tu học và huấn luyện liên tục suốt cả đời người; đã góp phần xây dựng xã hội qua việc những người con Phật với niềm tin vào nghiệp quả trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động của chính mình; những con người ấy sống hòa mình trong xã hội để mang một đạo Phật sinh động đi vào cuộc đời. Điều đó đã thể hiện đúng với tinh thần Phật Giáo: Đạo Phật phụng sự cho con người – chứ không phải là con người phụng sự cho đạo Phật.
Là một Huynh Trưởng GĐPT, người thay mặt tổ chức thực hiện mục đích, chúng ta đã chọn cho mình một con đường để sống, để hướng cuộc đời mình trong việc phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Lý tưởng của GĐPT sẽ không là ảo tưởng, vì con đường giáo dục của GĐPT nhằm đào luyện con người trên nền tảng giáo lý Phật-đà vượt không gian và thời gian mà bất cứ một xã hội tiến bộ nào cũng đều cần thiết, chấp nhận.
Lý tưởng của chúng ta sẽ không là ảo tưởng, Vì trong mỗi thành viên của tổ chức luôn sống với niềm tin: Nó là một con đường mà mỗi một đời người đi không bao giờ hết. Mỗi một người hay một thế hệ chỉ đi một chặng đường nào đó trên con đường LÝ TƯỞNG của mình. Rồi thế hệ sau sẽ nối tiếp.
TÓM LƯỢC
MỤC ĐÍCH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
“Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chính
Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”.
– Với mục đích được xác lập GĐPTVN là một tổ chức giáo dục, giáo dục GĐPT đặt trên nền tảng đạo Phật với 3 tính chất: Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi, rèn luyện cá nhân trên 3 phương diện Lý trí – Ý chí – Tình cảm, nhằm khơi dậy những bản tính tốt đẹp của mỗi cá nhân, phát huy khả năng ấy, tính chất ấy trở thành người hữu ích.
– Nếu mục đích thứ nhất cuả GĐPT là đào tạo thanh thiếu đồng niên thành phật tử chân chính nhắm đến việc rèn luyện bản thân, cũng như giáo dục Đoàn Sinh tự rèn luyện cho chính mình trở thành con người hữu ích thì chính nó đã thực hiện mục đích thứ hai: Góp phần xây dựng xã hội qua việc những người con Phật với niềm tin vào nghiệp quả trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động của chính mình, sống hòa mình vào xã hội để mang một đạo Phật sinh động đi vào cuộc đời, thể hiện đúng với tinh thần Phật Giáo: PHỤNG SỰ CHO CON NGƯỜI.
Nguyên Linh PHẠM QUỐC VIỆT TRỊ