Tổ Hoằng Nhẫn – 弘 忍
(602 – 675 T.L).
oOo
Sư họ Châu, quê ở Châu Kỳ thuộc huyện Huỳnh Mai. Thuở nhỏ, Sư thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng: “Đứa bé nầy có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật bảy tướng thôi”. Năm bảy tuổi, Sư gặp Tổ Đạo Tín độ cho xuất gia. Từ đây về sau, Sư theo hầu Tổ đến khi được truyền tâm ấn.
Khi Tổ tịch, Sư kế thừa trụ trì tại núi Phá Đầu, giáo hóa nơi đây rất thạnh hành. Khi ấy, dân chúng kính mộ tông phong, dù ở xa nghìn dặm cũng tìm đến tham học. Tại đạo tràng nầy, Tăng Chúng thường trực không dưới năm trăm người.
Khoảng niên hiệu Hàm Hanh (670-674 T.L) nhà Đường, có người cư sĩ họ Lư tên Huệ Năng từ phương Nam đến yết kiến Sư. Sư hỏi:
– Ngươi từ đâu đến?
Huệ Năng thưa:
– Đệ tử ở Lãnh Nam đến.
– Ngươi đến ý muốn cầu việc gì?
– Đệ tử chỉ muốn cầu làm Phật.
– Người Lãnh Nam không có Phật tánh, làm sao làm Phật được?
– Người thì có Nam, Bắc. Phật tánh há có Nam, Bắc sao?
Sư biết là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo:
– Lại nhà sau đi!
Huệ Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần bửa củi, giã gạo.
Một hôm, Sư dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo:
– Chánh pháp khó hiểu không nên nhớ ghi lời nói suông của ta, giữ làm nhiệm vụ của mình. Các ngươi tùy ý mỗi người thuật một bài kệ, nếu ý ngộ thầm phù hợp, ta sẽ truyền pháp và y bát.
Lúc đó, hội chúng hơn bảy trăm người, ai cũng tôn sùng Thượng Tọa Thần Tú làm bực thầy. Họ đồng bảo nhau:
– Nếu không phải Thượng Tọa Tú, còn ai đảm đương nổi.
Họ đồng nhường phần trình kệ cho Thần Tú. Thần-Tú thầm nghe lời bàn tán của Chúng như vậy, tự suy nghĩ phải làm kệ. Làm kệ xong, ban đêm ông lén biên lên vách chùa phía ngoài hành lang:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Mạc sử nhạ trần ai.
Dịch:
Thân là cội bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.
Sáng ngày, Sư đi kinh hành qua thấy bài kệ, đọc qua biết là của Thần Tú làm. Sư khen rằng:
– Người đời sau, nếu y bài kệ nầy tu hành cũng được thắng quả.
Toàn chúng đều đua nhau đọc tụng. Ở nhà trù, Huệ Năng đang giã gạo, có một ông đạo đi qua tụng bài kệ ấy. Hỏi ra biết của Thần Tú làm, Huệ Năng bèn nhờ dẫn đến chỗ biên kệ đảnh lễ, đồng thời nhờ biên giùm một bài kệ hòa lại:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
Dịch:
Bồ đề vốn không cội
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính trần ai?
Sư thấy bài kệ nầy thầm nhận, song không dám nói sợ e có người tật đố hại Huệ Năng. Sư bôi (xóa) đi, nói:
– Ai làm bài kệ nầy cũng chưa thấy Tánh.
Sư bèn gọi Huệ Năng nửa đêm vào thất. Sư lấy y che xung quanh thất, giảng kinh Kim Cang cho Huệ Năng nghe. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ-Năng bừng ngộ. Sư dạy:
– Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, bởi chúng sanh căn cơ có lớn nhỏ, tùy đó hướng dẫn, mới có nói ra ba thừa, mười địa đốn tiệm, gọi đó là giáo môn. Như Lai riêng đem chánh pháp nhãn tạng vô thượng chơn thật vi diệu trao cho Tổ Ma-ha-ca-diếp, lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Đạt-ma sang Trung Quốc truyền nối đến đời ta, nay ta đem đại pháp và y bát đã thọ trao lại cho ngươi. Ngươi phải gắng gìn giữ truyền trao đừng cho bặt dứt. Nghe ta nói kệ:
Hữu tình lai hạ chủng
Nhơn địa quả hoàn sanh
Vô tình ký vô chủng
Vô tánh diệc vô sanh.
Dịch:
Hữu tình đến gieo giống
Nhơn đất quả lại sanh
Vô tình đã không giống
Không tánh cũng không sanh.
Huệ Năng thọ pháp và y bát xong, lễ bái thưa:
– Pháp đã nghe dạy, còn y bát có nên truyền cho người sau chăng?
Sư bảo:
– Xưa Tổ Đạt-ma sang là người nước khác, truyền pháp cho Tổ Huệ Khả, vẫn ngại người đời không tin sự truyền thừa của thầy trò, nên lấy y bát truyền cho để làm tín nghiệm. Nay tông môn của ta thiên hạ đều biết rõ, không còn ai chẳng tin, nên y bát dừng ngay đời ngươi. Song chánh pháp đến đời ngươi truyền bá càng rộng, nếu còn truyền y sẽ sanh sự tranh giành. Cho nên nói: “người nhận y mạng như chỉ mành”. Ngươi nên đi liền, khéo tránh, thời gian sau sẽ ra hoằng hóa.
Huệ Năng lại hỏi:
– Nay con phải đi về đâu?
Sư bảo:
– Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.
Huệ Năng lãnh dạy, lễ tạ rồi ra đi ngay đêm ấy. Sau khi truyền pháp, liên tiếp ba hôm Sư không thượng đường thuyết pháp. Toàn chúng đều nghi ngờ, đồng đến thưa thỉnh. Sư bảo:
– Pháp của ta đã đi về phương Nam rồi. Giờ lại nói gì?
Chúng thưa:
– Người nào được?
Sư bảo:
– Năng thì được đó.
Chúng biết là cư sĩ Huệ Năng. Họ đồng đuổi theo, song tìm không gặp.
Bốn năm sau, một hôm chợt Sư gọi đại chúng bảo:
– Việc ta đã xong, đến lúc nên đi.
Sư vào trong thất ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Thượng Nguyên thứ hai (675 T.L) nhà Đường, thọ 74 tuổi. Chúng xây tháp ở Đông Sơn, huyện Huỳnh Mai tôn thờ. Vua Đường Đại Tông truy phong là Đại Mãn Thiền Sư, tháp hiệu Pháp Võ.
Sư có trước tác tập “Tối Thượng Thừa Luận” hiện giờ còn lưu hành. Sư được ba đệ tử ưu tú: Huệ Năng, Thần Tú, Huệ An./.
Xem danh sách truyền thừa và di ảnh 33 vị Tổ Thiền Tông
Xem sử liệu Tổ Thiền Tông thứ 33 (Lục Tổ Thiền Tông Trung Hoa)