Tăng sĩ MA-HA-KỲ-VỰC (Mahajivaka)
Một trong những Tăng Sĩ ngoại quốc đầu tiên
truyền bá Phật Giáo vào Việt Nam
Cũng như các Tăng Sĩ đầu tiên đến tu học và truyền bá đạo Phật tại Việt Nam (Giao Châu – tức miền Bắc Việt Nam hiện nay) vào khoảng cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III như Khương-tăng-hội, Chi-cương-lương (Chi Cương Lương Tiếp) và Mâu Bác (Mâu Tử), tiểu sử và hành trạng của Ngài Ma-ha-kỳ-vực (một số tài liệu về sau ghi là Ma La Kỳ Vực) cũng còn rất thiếu sót và có ít nhiều dị biệt. Dưới đây là một số các nguồn tài liệu đáng tin cậy về Ngài.
Cao Tăng Truyện chép: Ma-ha-kỳ-vực nguyên là người Tây Trúc, đã vân du khắp các xứ văn minh và mọi rợ, không ở yên một nơi nào và thường có những hành động mà các đệ tử và tùy tùng không biết trước được. Ngài đi từ Tây Trúc (Ấn Độ) đến Phù Nam (Cam Bốt), rồi dọc theo bờ biển, Ngài đến Giao Châu (Việt Nam) về Quảng Châu (Trung Hoa). Nơi nào đi qua Ngài đều thường làm những phép lạ (như vượt sông không cần đò, chữa bệnh cho người nguy kịch, đoán việc sắp xảy ra trong tương lai v.v…) khiến dân chúng trong vùng rất khâm phục. Vào cuối triều Huệ Ðế nhà Tấn (290-306) Ngài đến Lạc Dương. Sau này khi có nhiều biến loạn, ngài bèn rời Lạc Dương trở về Tây Trúc.
Vẫn theo Cao Tăng Truyện, một lần nọ, lúc Ngài Ma-ha-kỳ-vực đến Tương Dương, muốn lên đò qua sông nhưng chủ đò thấy Ngài ăn mặc rách rưới nên không cho lên. Ðò vừa cặp bến sông thì thấy Ngài đã đứng trên bờ sông bên kia rồi khiến mọi người rất kinh hoảng. Từ đó, có rất nhiều người đi theo Ngài học đạo. Khi đến Lạc Dương, Ngài dùng những phương pháp trị bịnh thần dị để chữa các bệnh nan y mà các bệnh nhân đều bình phục.
Trong sách Cổ Châu Pháp Vân Phật Bổn Hạnh Ngữ Lục (tập truyện viết về sử Phật Giáo Việt Nam), Thiền Sư Viên Chiếu ghi: Trong thời Hán Linh Ðế thống trị nước ta (Việt Nam), có một vị Tăng tên là Kỳ Vực, dẫn theo một đệ tử là Khâu Đà La. Ngài Kỳ Vực tay cầm cành dương chi đi khắp các nơi, cuối cùng đến đất Luy Lâu. Nơi đó, có một vị thường tu thiền định. Ông ta thỉnh mời hai thầy trò ngài Kỳ Vực vào nhà nghỉ ngơi. Song, chỉ có Khâu Ðà La là lưu lại, còn ngài Kỳ Vực thì tiếp tục đi về hướng Đông. Một tháng sau, Khâu Ðà La cũng từ biệt ra đi nhưng vị tu thiền định kia lập thệ nguyện tu hành theo Phật Giáo mà lưu giữ Khâu Ðà La ở lại. Khâu Ðà La thường đứng một chân tụng kinh liên tục suốt bảy ngày. Về sau, Khâu Ðà La an nhiên mà tịch. Mọi người nghe ở phía Tây có âm thanh vang dội nên cùng tìm đến. Cuối cùng, họ tìm thấy một quyển kinh dưới tàng cây lớn, nơi Khâu Ðà La thường đứng tụng kinh.
Về thời điểm Ngài đến Giao Châu, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Tài liệu của Trần Văn Giáp cho rằng, vào cuối đời nhà Hán (thế kỷ II-III) Ma-ha-kỳ-vực bắt đầu cuộc viễn du từ Tây Trúc, đến Phù Nam, rồi dọc theo bờ biển đến tận Giao Châu và Quảng Châu (tức miền Bắc Việt Nam và Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay). TS. Lê Mạnh Thát căn cứ vào Cao Tăng Truyện cho rằng Ma-ha-kỳ-vực đến Giao Châu khoảng năm 300 hay sau đó không lâu. Tại Giao Châu, ông đã sống ở thủ phủ Long Biên hay một ngôi chùa nào gần đó mà theo sách Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục thì đó là chùa Pháp Vân.
—=oOo=—
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang (Tập I; Chương 5).
– Phật Giáo Ở Giao Châu Trong Thiên Niên Kỷ Đầu Công Nguyên – Vũ Duy Mền, Viện Sử Học – Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
Phần phụ chú: Dưới thời A-dục vương trị vì tại Ấn Độ (từ năm 273 đến 232 trước TL), nhờ sự ủng hộ của nhà vua nên đạo Phật đã được truyền đi nhiều xứ sở bên ngoài Ấn Độ. Các thương nhân người Ấn theo đường biển đã đến Giao Chỉ buôn bán và mang theo đạo Phật mới mẻ đến xứ này. Sau đó đến lượt các Tăng Sĩ người Ấn tới đây truyền đạo, góp phần lập ra trung tâm Phật Giáo tại Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam), một trong những trung tâm lớn nhất của Phật Giáo tại phương Đông đầu công nguyên cùng với hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành (nay thuộc Trung Quốc).
BÀI ĐỌC THÊM:
PHẬT GIÁO DU NHẬP VÀO VIỆT NAM
Trích sách Phật Học Phổ Thông của Sa-môn Thích Thiện Hoa
(Chương I; Quyển 2; Khóa V: “Lịch sử truyền bá Phật Giáo”;
Bài thứ 3: “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ lúc mới du nhập đến hết đời nhà Lý”
—=oOo=—
1. Con đường du nhập:
Nước Việt Nam ta nằm trên bán đảo Ấn Ðộ – China, giữa hai nước rộng lớn; hai dân tộc đông đảo nhất thế giới; hai nền văn minh sáng lạn của châu Á là Ấn Ðộ và Trung Hoa. Vì địa thế của nước Việt Nam nằm ở giữa con đường biển đi Ấn Ðộ đến Trung Hoa, nên đã chịu ảnh hưởng nhiều của hai nền văn minh ấy.
Riêng về Phật Giáo, thì sự du nhập vào Việt Nam cũng do cả hai con đường: Đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phía Bắc xuống. Trong số 4 nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên Việt Nam, thì hết 3 nhà sư là người Ấn Ðộ, đi đường thủy sang Trung Hoa truyền đạo và đã ghé lại Việt Nam là các Ngài: Ma-Ha-Kỳ-Vực, Khương-Tăng-Hội và Chi-Cương-Lương.
Nhà truyền giáo thứ tư là người Trung Hoa, ngài Mâu-Bác, đã đi đường bộ từ phía Bắc xuống. Ðó là điều chứng minh rằng Phật Giáo vào Việt Nam do cả đường thủy và đường bộ; cả từ phía Nam lên và phía Bắc xuống. Nhưng vì nước ta bị Trung Hoa đô hộ ngót một ngàn năm, và sau đó vẫn còn lệ thuộc vào văn hóa và chính trị, nên về sau con đường truyền giáo từ Trung Hoa sang là con đường chính.
2. Thời đại du nhập đầu tiên:
Theo các sử gia đáng tin cậy, thì nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam (lúc bấy giờ là đất Giao Châu) là ngài Mâu Bác, người quận Thương Ngô tức Ngô Châu (Trung Hoa bây giờ). Sau khi vua Hán Linh Ðế mất (189) nước Tàu thường loạn lạc, Ngài theo mẹ qua ở Giao Châu và truyền bá đạo Phật.
Nhà truyền giáo thứ hai đặt chân lên đất Giao Châu là Ngài Khương Tăng Hội, Ngài gốc Khương Cư (Soadiane, Ấn Ðộ). Mục đích của Ngài là sang Trung Hoa, nhưng ông thân sinh của Ngài thường sang Giao Châu buôn bán nên Ngài cũng theo đường Giao Châu để sang Trung Hoa. Trung Hoa lúc ấy về đời Tam Quốc, Ngài đến nước Ðông Ngô và được Ngô Tôn Quyền sùng mộ, xin quy y với Ngài (229-252). Như thế là Ngài Khương Tăng Hội ghé lại Giao Châu vào khoảng đầu thế kỷ thứ III sau Tây lịch.
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ III, đất Giao Châu lại đón tiếp hai nhà sư Ấn Ðộ nữa là Ngài Ma Ha Kỳ Vực và Chi Cương Lương trên bước đường sang Trung Hoa truyền giáo của các Ngài, vào đời nhà Tần (265-306).
Như thế, có thể nói rằng: Đạo Phật du nhập đầu tiên vào Việt Nam trong khoảng cuối thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III sau Tây lịch./.
QUANG MAI sưu tập và tổng hợp.