Vai trò của Lê Đình Thám và Mai Thọ Truyền trong phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam

0

Phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam vào thế kỷ XX nổi bật với sự ra đời và phát triển của các Hội Phật Giáo trên khắp ba miền tổ quốc. Bên cạnh các vị Tu sĩ, còn có sự nhiệt tâm tham gia và đóng góp của nhiều Cư sĩ trong các hoạt động của Hội Phật Học, giúp các Hội đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Ba vị Cư sĩ trí thức lỗi lạc như: Tâm Minh – Lê Đình Thám ở Trung Kỳ, Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha ở Bắc Kỳ và Chánh Trí – Mai Thọ Truyền ở Nam Kỳ đã chung tay cùng Phật Học Hội đào tạo Tăng tài và phá trừ mê tín, tạo nên một diện mạo mới cho Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, góp phần bảo vệ hòa bình của dân tộc Việt Nam.

CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG CỦA LÊ ĐÌNH THÁM VÀ MAI THỌ TRUYỀN:

Đối với Lê Đình Thám, trong ‘Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX’ của Thích Đồng Bổn ghi rằng: “Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan”[3, tr. 951]. Thân phụ là cụ Lê Đỉnh (1840-1933), từng giữ chức Đông các điện Đại học sĩ kiêm Binh bộ Thượng thư triều Tự Đức. Thân mẫu là bà Phan Thị Hiệu (người vợ thứ hai của ông Đỉnh)[1, tr. 43]. Xuất thân từ gia đình Nho giáo, nhưng lớn lên Cụ theo học Tây học. Nhờ siêng năng và thông tuệ, Cụ đạt thủ khoa từ cấp tiểu học lên đến đại học. Năm 1916, sau khi tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Hà Nội), Cụ về làm việc tại các bệnh viện Hội An, Tuy Hòa, Quy Nhơn,… Năm 1926, Cụ tình cờ đọc được bài kệ: “Bồ đề bổn vô thọ” của Lục Tổ trên vách chùa Tam Thai (Quảng Nam), hai năm sau, Cụ đến chùa Trúc Lâm thỉnh Hòa Thượng Giác Tiên (1879-1936) giải thích yếu nghĩa bài kệ và quy y Tam Bảo với pháp danh là Tâm Minh.

Từ năm 1929 đến 1932, Cụ học Phật với Thiền Sư Huệ Pháp (1871-1927), Phước Huệ (1869-1945), Giác Tiên,… Năm 1932, sau khi thành lập Phật Học Hội tại Huế, Cụ đảm nhận chức Hội trưởng; Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Viên Âm; thành lập và giảng dạy Phật Học Trường; thuyết giảng giáo lý; và lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Ngoài ra, Cụ từng là Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến miền Nam Trung Bộ (1947); Chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình thế giới (1949). Cụ mất vào năm 1969 tại Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi. Những tác phẩm phiên dịch và trước tác của Cụ như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Luận Nhân Minh, Luận Đại Thừa Khởi Tín, Phật Học Thường Thức, Bát Nhã Tâm Kinh, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam,… tập hợp thành Tâm Minh Lê Đình Thám Tuyển Tập[4, tr. 2.406].

Cụ Mai Thọ Truyền (1905-1973) sinh tại làng Phú Long, tổng Bảo Thành, quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre (về sau là làng Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Thân phụ là Mai Thành Cần đảm nhận Hương chức hội tề và Phó tổng. Thân mẫu là bà Võ Thị Sô[15, tr. 45]. Thuở nhỏ, Cụ theo học trường Sơ học Pháp-Việt (Bến Tre); trường Trung học Mỹ Tho; Chasseloup Laubat Saigon. Từ năm 1924 đến 1945, Cụ làm việc trong bộ máy chính quyền các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sài Gòn. Khi ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Cụ đã đến tham vấn với Hòa Thượng Hành Trụ (1904-1984) đồng thời xin quy y với pháp danh là Chánh Trí.

Năm 1947, Cụ Chánh Trí đảm nhiệm một số vị trí trong chính quyền cũ như Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Nguyễn Văn Xuân; Chánh văn phòng Bộ kinh tế; Giám đốc hành chính sự vụ Bộ ngoại giao chính quyền Bửu Lộc,… Cụ đã thảo đơn cho việc thành lập Hội Phật Học Nam Việt vào năm 1950. Với vai trò là Hội trưởng, Cụ phát triển các Tỉnh hội và Chi hội; xuất bản tạp chí Từ Quang; tham gia vào giáo dục và hoằng pháp; kiến tạo ngôi Phật học Xá Lợi,… Năm 1973, Cụ Chánh Trí mất, hưởng thọ 69 tuổi[3, tr. 961]. Các tác phẩm Phật học của Cụ Chánh Trí để lại như: Tâm Và Tánh, Ý Nghĩa Niết Bàn, Phật Giáo Sử Đông Nam Á, Phật Học Dị Giải, Phật Giáo Việt Nam, Khảo Cứu Về Mật Tông, Khảo Cứu Về Tịnh Độ Tông, Triết Học Tôn Giáo Ấn Độ, Trình Tự Của Cư Sĩ Học Phật, Hải Ngoại Ký Sự, Mười Lăm Ngày Ở Nhật,… và tác phẩm Kinh Thủ Lăng Nghiêm đang viết còn dang dở.

VAI TRÒ CỦA TÂM MINH ĐỐI VỚI HỘI AN NAM PHẬT HỌC:

Thứ nhất là tiên phong trong việc lập và lãnh đạo Hội An Nam Phật Học: Được sự cố vấn và chứng minh của các Thiền Sư Giác Tiên, Phước Huệ, Tịnh Hạnh (1889-1933), Tịnh Khiết (1890-1973), Cụ Tâm Minh đã vận động 18 vị Đạo hữu gồm: Nguyễn Đình Hòe, Ưng Bàng, Nguyễn Khoa Tân, Trần Đăng Khoa,… thảo Điều Lệ xin thành lập Hội An Nam Phật Học. Hội đã đề cử Cụ làm Hội trưởng và đặt trụ sở tại chùa Từ Quang (Huế). Cụ đã khuyến tấn các Hội viên cùng thực hiện tôn chỉ “Hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc hữu tình” bằng việc tham học kinh điển, thẩm sát giáo lý, hành trì tu tập, hoằng pháp và giáo dục: “Đạo tâm của toàn thể được tăng trưởng, chí nguyện của toàn thể đã vững vàng thì sự liên lạc trong Hội càng ngày càng thêm khắng khít và toàn thể Hội viên càng ngày càng thương yêu nhau, kính mến nhau, khuyên bảo nhau, giúp đỡ nhau đặng dắt dìu nhau lần lên con đường tự giác, giác tha của Chư Phật”[10, tr. 40-47].

Thứ hai là Chủ nhiệm và là linh hồn của tạp chí Viên Âm: Cụ Tâm Minh nhận định rằng: “Hiện nay báo chương, tạp chí, sách sử sản xuất chất chứa, số kể nhiều đến bao nhiêu, mà giữa đời khổ còn thiếu một chữ tròn, thời tập Phật học nguyệt san này tưởng cũng không dư, xin độc giả lượng nghỉ”[7, tr. 194-195]. Toàn quyền Pháp cấp phép xuất bản tạp chí Viên Âm vào ngày 30/6/1933. Với chức vụ là Hội trưởng, Cụ đảm nhận Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tòa soạn. Trong cuộc họp Đại Hội Đồng vào cuối năm 1936, Cụ Tâm Minh xin từ chức Chủ nhiệm và Chủ bút của tạp chí để tập trung vào việc trùng tu chùa Hội Quán. Đại Hội Đồng đã xét duyệt và yêu cầu Ban Trị Sự Hội sắp xếp vị khác thay thế, nhưng cũng nhờ Cụ đảm nhận xong Viên Âm số 24[16, tr. 61]. Về sau, các Cụ như: Nguyễn Đình Hòe, Ưng Bàng,… đảm nhận Chủ nhiệm của tạp chí Viên Âm.

Cụ đã viết hơn 70 bài viết với nhiều bút hiệu khác nhau như: Lê Đình Thám (9 bài), Tâm Minh (29 bài), Cửu Giới (11 bài), Châu Hải (10 bài), T.M (3 bài), Tâm Bình (3 bài), Tâm Lực (1 bài), Tâm Trực (5 bài), Tâm Liên (1 bài), Tâm Văn (1 bài), T.V (1 bài). Tác giả Thích Không Hạnh nhận định rằng: “Trong 11 bút hiệu của Tâm Minh thì 3 bút hiệu sau còn hồ nghi, nhưng chỉ có 3 bài viết. Vậy ít nhất Ông có 68 bài chính thức trên 78 số Viên Âm (có những số đôi). Tuy nhiên, tạp chí Viên Âm có 1.099 bài viết thì có đến 487 bài không đề tên tác giả (chiếm một nửa). Nhiều khả năng số lượng bài viết khuyết danh ấy giai đoạn đầu phần nhiều là của Tâm Minh, giai đoạn sau là của Trí Quang”[5, tr. 14].

Các bài viết của Cụ bao gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, xoay quanh vấn đề Phật Pháp; việc của Hội; trả lời thư từ; thơ và tự truyện. Về Phật Pháp, nhiều bài viết và bài giảng của Cụ được đăng trên tạp chí Viên Âm như: Nhơn Quả Luân Hồi (số 1), Thế Gian Thuyết (số 2), Nhơn Thiên Thừa (số 3), Pháp Môn Tịnh Độ (số 6), Ý Nghĩa Lễ Vu Lan Bồn (số 32), Quelques généralités sur le Đại Đạo (số 33), Học Phật Tức Là Báo Ân Phật (số 37), Phật Pháp Đối Với Hiện Đại Trong Xứ Ta (số 36),… Đối với Hội, Cụ đăng Tôn Chỉ Của Hội An Nam Phật Học (số 33), Phổ Cáo Chương Trình Phật Học Trường (số 73),… Về trả lời thư từ, Cụ trích dẫn kinh điển để lý giải thư cái hồn của Từ Bi Âm (số 13), Cư sĩ Thiện Chí (số 15), ông Xuân Thành (số 31),… Về thơ truyện, Cụ viết Biển Ái Sóng Dồi (số 1 và 2), Đổng Mông Ca, Tam Bảo (số 1), Thưởng Phạt (số 4), Cửu Giới Tự Sát (số 5), Ba Rãm Lập Hội (số 9),…

Thứ ba là xây dựng trường Phật học theo hướng hiện đại như trường Ni tại chùa Từ Đàm (1932), trường Phật Học An Nam tại chùa Vạn Phước (1933), trường Phật Học Sơn Môn tại chùa Trúc Lâm và chùa Tường Vân (1935). Với kiến thức Phật Pháp uyên thâm, Cụ đã đảm nhận việc kiểm tra nội dung giáo lý và tham gia giảng dạy các cấp. Cụ luôn mặc áo tràng và xá chào Chư Tăng trước khi bước lên pháp tòa để giảng dạy[8, tr. 818]. Năm 1937, Cụ hỗ trợ Đạo hữu Trí Độ dạy lớp Tiểu học và từ chối dạy lớp Trung học ở chùa Tây Thiên vì đường xa và bận nhiều việc[12, tr. 43].

Cụ nhấn mạnh đến việc thống nhất chương trình giảng dạy ở các trường để đạt kết quả viên mãn[17, tr. 63-64]. Năm 1938, cụ Tâm Minh và Ban kiểm duyệt Viên Âm đề xuất: “Chúng tôi soạn thảo lại bản chương trình, lựa chọn những thứ Kinh ở Bắc đã sẵn bản và các thứ Kinh ở Trung Kỳ và Nam Kỳ thường học chương trình này. Chúng tôi lấy theo cách thức sắp đặt các Phật Học Đường ở Tàu và châm chước dễ hơn cho hiệp với sức học sanh xứ ta”[2, tr. 54-55]. Sau đó, Cụ cùng Phật Học Hội nhận thấy đã đào tạo được một đội ngũ Tăng tài sau mười năm và Phật Pháp phổ biến rộng khắp nên bèn rút ngắn lại chương trình học mỗi cấp xuống còn hai năm. Hội cũng tạo điều kiện cho các vị tốt nghiệp Cao đẳng tham gia giảng dạy và trở thành Đốc giáo của trường.

Thứ tư là khai sáng Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục: Nhận thấy tiềm năng của giới trẻ, năm 1940, Cụ Tâm Minh đã vận động thanh niên trí thức tân học tại Huế thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục[8, tr. 831]. Chính Cụ trực tiếp giảng dạy giáo lý cho các em theo hướng tân học. Đồng thời, Cụ còn thỉnh Tiến sĩ Đinh Văn Chấp giảng dạy Nho – Lão cho Đoàn. Cụ mong muốn: “các em sẽ là các thiếu niên Phật Tử chơn chánh, đúng theo ước vọng của các em, của cha mẹ các em và của tất cả mọi người”[18, tr. 71]. Để thực hiện điều đó, Cụ đề ra chương trình học đối với lớp Đồng Ấu phân thành bốn bậc: Tùy hỷ (1 tháng), Tụng chúng (6 tháng), Dự bị (1 năm) và Sơ đẳng (1 năm)[18, tr. 72].

Cụ đã sáng tác ra bài hát chính thức cho Đoàn; biên soạn quyển Phật Giáo Sơ Học vào năm 1942. Hội cũng quyết định hàng năm vào dịp Đại lễ Phật Đản (Vesak), sẽ tổ chức Đại hội Ban Đồng Ấu[18, tr. 71]. Nhận thấy các em sinh hoạt rất hiệu quả, và nhằm tạo một môi trường cho các em phát triển nên cụ Tâm Minh đã giao phó cho Đoàn đảm nhận việc biên tập và xuất bản tạp chí Viên Âm từ số 45 (5/1941).

VAI TRÒ CỦA CHÁNH TRÍ ĐỐI VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT:

Thứ nhất là thành lập và lãnh đạo Hội: Vào năm 1950, Cụ Chánh Trí cùng với Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe đứng ra khởi xướng, với sự cộng tác đắc lực của Pháp sư Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa,… cùng một số Đạo hữu tín tâm, thành lập Hội Phật Học Nam Việt tại Sài Gòn. Am hiểu thủ tục pháp lý, Cụ Truyền đã đảm trách soạn thảo bản Điều lệ và Quy tắc Hội. Theo nghị định của Phủ Thủ Hiến Nam Việt số 2134-CABDAA đã xét duyệt Hội thành lập từ ngày 19/9/1950. Mãi đến ngày 25/2/1951, Hội tổ chức lễ thành lập và đặt Hội quán tại chùa Khánh Hưng (nay ở số 390/8, đường CMT8, Tp.HCM). Về sau, Hội dời về chùa Phước Hòa (số 491/14/5, đường Nguyễn Đình Chiểu, khu Bàn Cờ, quận 3, Tp.HCM)[14, tr. 119], cuối cùng chuyển về chùa Phật học Xá Lợi (số 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, Tp.HCM). Cơ cấu của Hội gồm có: Ban Chứng Minh Đạo Sư, Ban Quản Trị, Ban Hoằng Pháp,… Cụ đã hướng dẫn Hội Phật Học Nam Việt kết hợp với các tổ chức Hội khác thành công trong hai lần cung nghinh Xá-lợi của phái đoàn Phật Giáo Tích Lan vào năm 1952 và 1953; tham gia vào phong trào năm 1963 của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo,… Cụ đẩy mạnh việc thành lập và vận hành các Tỉnh hội chung tay chấn hưng Phật Giáo.

Thứ hai là xây dựng chùa Phật học Xá Lợi làm Hội quán hoằng pháp và giáo dục: Với cương vị là một công chức, Cụ Chánh Trí đã nhanh chóng trình đơn xin cấp giấy phép lạc quyên. Theo nghị định số 216-HCSV/P2, ngày 19/1/1956 của Chính phủ tại Nam Việt, Hội được phép lạc quyên khắp 21 tỉnh có Tỉnh hội và Chi hội thuộc Hội Phật Học Nam Việt. Hội khởi công xây dựng vào ngày 5/8/1956[11, tr. 201] và tổ chức lạc thành vào đầu tháng 5/1958. Hòa Thượng Khánh Anh đã đặt tên cho chùa là chùa Xá Lợi.

Mỗi sáng chủ nhật, sau thời Tịnh Độ, Cụ Chánh Trí đều thuyết pháp. Bên cạnh đó, Cụ còn thỉnh Pháp sư Diễn Bồi, Đại Đức Narada, Giáo sư Khantipalo, Hòa Thượng Thiện Hòa và Thiện Hoa,… về diễn giảng. Ngày 10/2/1965, Viện Đại Học Vạn Hạnh khai giảng khóa học đầu tiên của phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tạm đặt tại chùa Xá Lợi, còn phân khoa Phật Học đặt tại chùa Pháp Hội. Lúc bấy giờ, Cụ Chánh Trí đã đảm nhận làm Giảng viên cho Viện. Sau đó, Cụ được đề cử làm Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh kiêm Tổng thư ký từ năm 1967 đến năm 1968.

Thứ ba là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Từ Quang: Tờ đầu tiên được phát hành vào năm 1951. Cụ đảm nhận xuyên suốt chức Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tòa soạn cho đến khi mất (1973), xuất bản được 242 số. Bài viết của Cụ phê bình thẳng thắn tục đốt giấy vàng mã, mê tín dị đoan,… Tạp chí được giới độc giả ủng hộ với nhiều bài viết về sử học, triết học,… có tuổi thọ lâu dài.

Thứ tư là tham gia lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo: Vào ngày 25/5/1963, Hòa Thượng Tịnh Khiết triệu tập cuộc họp thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo do Thượng Tọa Tâm Châu làm Chủ tịch, Cụ Chánh Trí làm Tổng thư ký. Ủy Ban đặt trụ sở tại chùa Phật học Xá Lợi. Hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu cùng chư vị Thánh Tử Đạo như Ni Sư Diệu Huệ, Đại Đức Nguyên Hương,… khiến chính quyền ông Diệm tấn công quyết liệt vào chùa Phật học Xá Lợi. Theo nhận định của Minh Chiếu cho rằng: “Chùa Phật học Xá Lợi, trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt trở nên hoang tàn, lạnh lẽo tối tăm”[6]. Chính điều này đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhằm lật đổ chính quyền ông Ngô Đình Diệm.

Thứ năm là tham dự Đại Hội Phật Giáo năm 1964: Từ ngày 31/12/1963 đến ngày 3/1/1964, Đại Hội Phật Giáo được tổ chức tại chùa Phật học Xá Lợi với sự tham dự của 11 tổ chức Phật Giáo, tiến đến thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Cụ Chánh Trí đã tham gia vào ‘Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Chương’ Phật Giáo đầu tiên với 11 chương và 32 điều. Hiến Chương đó được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ban hành vào ngày 4/1/1964[13, tr. 818] – Nhưng theo nghiên cứu của Trần Hồng Liên trong tác phẩm Đạo Phật Trong Cộng Đồng Người Việt Ở Nam Bộ (từ thế kỷ XVII đến 1975) thì cho rằng Hiến Chương ban hành vào ngày 14/5/1964[9, tr. 107].

Trong cuộc họp, Đại Hội đã suy tôn Hòa Thượng Tịnh Khiết làm Tăng Thống lãnh đạo Viện Tăng Thống, bầu Thượng Tọa Tâm Châu làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Cụ Chánh Trí được bầu làm Phó viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt hệ thống tổ chức của Giáo Hội, nên sau một thời gian ngắn, Cụ đã trình đơn từ chức và xin phép rút Hội Phật Học Nam Việt ra khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

NHẬN ĐỊNH VÀ SO SÁNH VỀ VAI TRÒ CỦA HAI VỊ CƯ SĨ ĐỐI VỚI VIỆC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO:

Những điểm tương đồng của Cụ Tâm Minh và Cụ Chánh Trí trong việc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam thế kỷ XX như:

1/ Xuất thân từ gia đình trung lưu Nho giáo nhưng về sau theo học Tây học và có sự nghiệp rạng rỡ.
2/ Quy y và tu học với bậc danh Tăng lỗi lạc.
3/ Tiên phong trong việc soạn thảo thủ tục và lãnh đạo Phật Học Hội.
4/ Xuất bản tạp chí làm cơ quan ngôn luận cho Hội.
5/ Tham gia giáo dục và hoằng pháp.
6/ Phát triển các Tỉnh hội và Chi hội.
7/ Trước tác và phiên dịch nhiều tác phẩm Phật học.

Tuy nhiên, giữa hai Cụ cũng có một số điểm khác biệt như:

Thứ nhất, về thời gian: Cụ Tâm Minh tham gia vận động thành lập và lãnh đạo Hội An Nam Phật Học (Huế) vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (1932-1945). Còn Cụ Chánh Trí đối với Hội Phật Học Nam Việt (Sài Gòn) thì nửa sau thế kỷ XX (1950-1973).

Thứ hai, về Hội quán: Cụ Chánh Trí lúc đầu cũng mượn tạm chùa Khánh Hưng (1950-1951) và chùa Phước Hòa (1951-1958) làm Hội quán nhưng về xây cất chùa Phật học Xá Lợi mang kiến trúc Đông-Tây để làm Hội quán trung ương (1959-nay). Tuy không xây dựng chùa mới làm Hội quán nhưng Cụ Tâm Minh và Hội An Nam Phật Học tận dụng các cơ sở tự viện trang nghiêm rộng lớn để làm trụ sở như chùa Từ Quang (1932-1937), chùa Từ Đàm (1938-1945).

Thứ ba, về lãnh đạo Hội: Hội Phật Học Nam Việt chính thức hoạt động vào năm 1951 thì Cụ Chánh Trí đảm nhận chức vụ Tổng thư ký; nhưng kể từ năm 1955 cho đến khi mất (1973) thì Cụ giữ chức Hội trưởng xuyên suốt. Cụ Chánh Trí đã lãnh đạo Hội Phật Học Nam Việt kết hợp các hội Phật Giáo khác thành công trong hai lần cung nghinh Xá-lợi của phái đoàn Phật Giáo Tích Lan vào năm 1952 và 1953. Pháp Nạn năm 1963, Cụ đã lãnh đạo Hội kết hợp với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo thực hiện phong trào đấu tranh bất bạo động nhằm yêu cầu chính quyền ông Diệm thực thi quyền bình đẳng tôn giáo. Ngược lại, đối với Cụ Tâm Minh, Nguyễn Lang từng nhận định rằng: “Trong bước đầu, Lê Đình Thám giữ chức vụ Hội trưởng, nhưng Ông không ngồi mãi ở địa vị đó. Các vị khác như: Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng,… cùng thay thế nhau làm Hội trưởng cho Hội”[8, tr. 818]. Trong Hội An Nam Phật Học, Cụ Tâm Minh từng đảm nhận các chức vụ: Hội trưởng (1932-1934 và 1943-1944), Hội phó (1936), Đệ nhất kiểm sát (1937), Kiểm duyệt giáo lý (1938-1943), đẩy mạnh công tác hoằng pháp và đào tạo Tăng tài, đồng thời tạo dựng niềm tin tu tập cho hàng Cư sĩ tại gia.

Thứ tư, về quản lý tòa soạn tạp chí Phật Giáo: Từ khi xuất bản tạp chí Từ Quang, Cụ Chánh Trí đảm nhận Chủ nhiệm kiêm Chủ bút suốt 23 năm (1951-1973). Ngược lại, cụ Tâm Minh chỉ đảm nhận Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Viên Âm giai đoạn đầu và năm 1944, về sau thì Cụ chỉ đảm nhận Chủ bút; còn Chủ nhiệm thì do các vị Cư sĩ khác thay thế như: Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bàng,…

Thứ năm, về giáo dục Phật Giáo: Cụ Tâm Minh ứng dụng mô hình “cụm” trường của thực dân Pháp trong việc tổ chức Phật Học Trường đào tạo Tăng tài. Cụ đảm trách việc kiểm duyệt giáo lý và giảng dạy Phật học cho Chư Tăng ở chùa Từ Quang (đại học), Tường Vân (trung học), Tây Thiên (tiểu học). Còn cụ Chánh Trí tập trung giáo dục gia giáo tại chùa; nhưng cũng tham gia giảng dạy và quản lý ở Viện Đại Học Vạn Hạnh trong thời gian ngắn (1965-1968).

Thứ sáu: Cụ Tâm Minh có công trong việc khai sáng Đoàn Thanh Niên Phật học Đức Dục (tiền thân của Gia Đình Phật Tử) với chương trình đào tạo cấp bậc; còn Cụ Chánh Trí tiếp nối giáo dục Gia Đình Phật Tử tu học. Cụ Chánh Trí có công trong việc tham gia soạn thảo Hiến Chương Phật Giáo đầu tiên và dự Đại Hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào đầu năm 1964, nhưng vì bất đồng đường lối tổ chức nên Cụ đã nhanh chóng rút Hội Phật Học Nam Việt ra khỏi Giáo Hội.

Tóm lại, tấm gương hộ pháp của Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đối với Hội An Nam Phật Học và Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền đối với Hội Phật Học Nam Việt đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống ‘tốt đời, đẹp đạo’ của người Phật Tử nói riêng và Phật Giáo Việt Nam nói chung. Chính những hành động đầy nhiệt huyết của hai vị Cư sĩ kiện tướng trong việc lãnh đạo Hội, đẩy mạnh hoằng pháp và giáo dục đã tạo nguồn động lực và sức mạnh tinh thần cho các vị Cư sĩ hiện nay và mai sau tiếp bước dấn thân bảo vệ chánh pháp, phát triển đạo pháp, lan tỏa mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

———=oOo=———

Chú thích:

[1] Thích Hải Ấn (2019), ‘Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, con người hội tụ giữa khoa học và Phật học’ trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: ‘Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và những đóng góp đối với Hội An Nam Phật Học’ – Tổ đình Từ Đàm, Huế.
[2] Ban kiểm duyệt Viên Âm, ‘Kính trình liệt vị Đại Đức, Đốc Giáo các Phật Học Đường và các vị học sanh toàn xứ’ – Viên Âm số 30, 6/1938.
[3] Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), ‘Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX’ tập 1 – Thành hội Phật Giáo Tp.HCM.
[4] Thích Minh Cảnh chủ biên (2016), ‘Từ điển Phật học Huệ Quang’ tập 3 – NXB Tổng Hợp Tp.HCM.
[5] Thích Minh Cảnh (2019), ‘Tổng mục lục Viên Âm – Phật Giáo sơ học’ – Thư viện Huệ Quang số hóa và ấn hành, Tp.HCM..
[6] Minh Chiếu, ‘Cuộc tranh đấu của Phật Giáo Đồ Việt Nam’ – Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Tp.HCM, ký hiệu tài liệu: PTTg-3468.
[7] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (2007), ‘Tác phẩm của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám’ tập 3 – NXB Văn Hóa Sài Gòn.
[8] Nguyễn Lang (2008), ‘Việt Nam Phật Giáo sử luận’ – NXB Văn Học, Hà Nội.
[9] Trần Hồng Liên (1995), ‘Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ (từ thế kỷ XVII đến 1975)’ – NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
[10] Tâm Minh, ‘Tôn chỉ của An Nam Phật Học Hội’ – Viên Âm số 33, Huế, 10-11/1938.
[11] Nhiều tác giả (2002), ‘Hội thảo khoa học 300 Năm Phật Giáo Gia Định – Sài Gòn’ – NXB Tp.HCM.
[12] Phật Học Hội, ‘Bài diễn văn đọc trong lúc khai mạc (Tổng Hội Đồng – ngày 14 Août 1938)’ – Viên Âm số 32, Huế, 8-9/1938.
[13] Trần Quang Thuận (2014), ‘Phật Giáo Việt Nam đi vào thời đại mới trước những thử thách và văn hóa thời đại’ – NXB Hồng Đức, Hà Nội.
[14] Nguyễn Quảng Tuấn, Huỳnh Lứa & Trần Hồng Liên (1993), ‘Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh’ – NXB Tp.HCM.
[15] Trương Ngọc Tường (2019), ‘Con đường Mai Thọ Truyền đến với Phật Giáo’ trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: ‘Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền với Hội Phật Học Nam Việt’ – Chùa Phật học Xá Lợi, Tp.HCM.
[16] Viên Âm, ‘Biên bản Đại Hội Đồng ngày 24 Janvier 1937 khi 3 giờ chiều’ – Viên Âm số 23, Huế, 9-10/1936.
[17] Viên Âm, ‘Phật Học Đường’ – Viên Âm số 30, Huế, 6/1938.
[18] Viên Âm, ‘Phụ giải về chương trình học Phật Pháp’ – Viên Âm số 60-61, Hà Nội, 1943.

Đại Đức THÍCH THIỆN MÃN
Học viên Th.S khóa III, Học Viện PGVN tại Tp.HCM
(Hình ảnh minh họa do Thư Viện GĐPT bổ sung)

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.