Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật tác đại chứng minh.
Kính thưa anh chị Lam Viên thân kính.
Trong hoàn cảnh hiện nay, vì nhiều nguyên nhân do nội ma, ngoại chướng, tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) chúng ta đang phải đối diện với hiện trạng vô cùng khó khăn, nguy khốn. Giờ đây em có đôi lời xin được phép tâm tình chia sẻ cùng các anh chị Huynh Trưởng, những người đầu tàu gương mẫu, đang đứng trước đầu sóng lớn, ngọn gió to; đang chung tay cùng nhau chia sẻ những khó khăn cho chặng đường phía trước của ngôi nhà áo lam thân yêu; và anh chị em chúng ta đang tay trong tay xiết chặt lấy nhau chung lo cho sự an nguy của GĐPTVN mà hơn 60 năm chúng ta đã vượt qua được thì hôm nay chúng ta sẽ quyết tâm vượt qua, dù phải hy hiến đến thân mạng.
Hai bản “Nội Quy” và “Quy Chế” là hai văn kiện quan trọng chúng ta cùng song song gìn giữ bảo vệ. Người Huynh Trưởng cần phải có bốn yếu tố: Hy sinh, tình thương, nhẫn nhục và trung kiên, được phát huy hài hòa đúng mức với tinh thần Bi-Trí-Dũng và Mười Điều Tâm Niệm của người Huynh Trưởng để giải quyết mọi việc, thì khó khăn nào cản bước được ta? Quyết định nào, văn thư, thông tư nào đi ngược với tinh thần Hiến Chương và Nội Quy – Quy Chế Huynh Trưởng xin không chấp hành tuân theo.
Thưa toàn thể anh chị.
Trong mỗi chặng đường chúng ta đi đều có những chướng duyên khảo đảo. Nội ma, ngoại chướng đang vây lấy chúng ta nhưng trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời thế, bao thế hệ đàn anh đã và đang kiên trung với lý tưởng, kiên định với lập trường, tôn chỉ, nguyện dấn thân một cách tận tụy và hy sinh; thệ nguyện làm tròn hạnh nguyện của người áo lam: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”, đem lời kinh tiếng ngọc thánh điển Phật-đà vào cuộc đời ô trược, đem chất liệu đại trí – đại bi – đại hùng – đại lực – đại hỷ – đại xã mà dập tắt ngọn lửa vô minh, sân si, thù hận, tham vọng đang hừng hực thiêu đốt chúng sanh.
Thật vậy, gần một thế kỷ qua, từ năm 1932, tổ chức áo lam của chúng ta là một tổ chức giáo dục trẻ ưu việt, đã tiếp nhận sự thừa kế của Phật Giáo Việt Nam qua phong trào Chấn Hưng Phật Giáo; luôn lấy Chánh Pháp Phật-đà làm nền tảng căn bản, lấy Tam Pháp Ấn làm lăng kính để quán sát sự vật. Chứng nhận của lịch sử – thời gian còn đó, GĐPTVN đã cùng với đạo pháp và dân tộc chịu sự thịnh suy do thời thế đổi thay, đưa đẩy. Bao thế hệ Lam Viên, chư vị Sáng Lập Viên, Thánh Tử Đạo, Tiền Bối Hữu Công… đã nằm xuống, đóng góp cho sự tồn vong của Phật Pháp, của dân tộc quê hương bằng mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và cả xương thịt, thể xác nhằm xây dựng con người trở nên Chân – Thiện – Mỹ; xây dựng xã hội trên tư tưởng, tinh thần Giác Ngộ, Giải Thoát của đạo Phật. Bởi thế cho nên mục đích, tôn chỉ của Gia Đình Phật Tử cũng không rời mục đích và tôn chỉ của Phật Giáo. Cố Hòa Thượng thượng Tâm hạ Thanh đã nói: “Huynh Trưởng GĐPTVN như con tằm, chỉ ăn có lá dâu xanh mà thắt ruột nhả ra những sợi tơ vàng óng ả để dâng hiến cho đời”, để phục vụ chúng sanh, và cũng chính là cúng dường Chư Phật.
Tất cả chúng ta hiện hữu trong thế giới Ta-bà phù hư huyễn hoặc này, mang thân một kiếp người là khó, bởi Thế Tôn dạy rằng: “Nhơn thân nan đắc, Phật Pháp nan văn”. Thật thế, làm người đã khó, gặp được Phật Pháp lại càng khó hơn. Hôm nay chúng ta lại được sinh hoạt, phụng sự trong đại gia đình Áo Lam, phải biết đây là một điều hy hữu mà phải do sự huân tu từ nhiều kiếp quá khứ mới có được. Vậy một lần nữa chúng ta hãy xác lập lại lý tưởng, sách tấn nhau cùng vượt qua khó khăn nghịch cảnh nhằm nói lên nguyện vọng của tập thể Áo Lam trên dãi đất hình chữ S và kể cả Lam Viên ở hải ngoại.
Cổ đức dạy rằng: “Quốc gia hưng vong – Thất phu hữu trách”, nghĩa là việc thịnh hay suy của một đất nước là trách nhiệm của kẻ sĩ phu. Từ khi tiếp nhận ngọn Vô Tận Đăng có nghĩa là các anh chị đã tự nguyện nhận lãnh sứ mệnh cam go, cao cả này. Chúng ta không dám nhận là một vị Bồ-tát với hạnh nguyện “Thượng cầu Phật đạo – Hạ hóa chúng sinh” nhưng chí ít ra người Huynh Trưởng đã đem đạo vào đời, nhằm tiếp góp hạnh nguyện của Chư Phật, chư vị Bồ-tát, đó là: “chuyển mê khai ngộ; chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển luân hồi sanh tử thành Niết-bàn”. Mười phương Chư Phật ra đời cũng chỉ vì một đại sự nhân duyên là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Huynh Trưởng GĐPTVN phải ví mình như một con én. Đừng bao giờ nghĩ rằng “một con én không làm nên mùa xuân”. Vì sao vậy? Bởi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài là một con chim én, nhưng nếu không có một con én như Ngài thì bây giờ chúng sanh đang chìm ngập trong khổ đau, đang mò mẩm đi trong đêm tối vì không có ánh sáng của mặt trời Chánh Pháp. Vậy sao chúng ta không thử làm một con én? Lại nữa, chân dung của người Huynh Trưởng là phải giữ gìn thân giáo, phải “dĩ thân tác chứng”, phải dùng cái thân này mà đem ánh sáng Như Lai vào đời chuyển hóa vô minh, khổ đau của tự thân và nhân loại, như một con én nhỏ bé nhưng lại có thể mang lại cả một màu xanh tươi của mùa xuân.
Thưa các anh chị.
Cách đây 1368 năm, Ngài Huyền Trang đã vì tình thương với nhân loại mà xả thân băng sông vượt núi, vượt sa mạc Gobi đâu phải là một chuyện dễ dàng? Cũng như con đường đã trải qua và con đường trước mắt chúng ta sẽ đi không phải là một con đường phẳng phiu trải nhựa. Noi theo gương lớn của Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, chúng ta bằng tất cả tâm lực và tha lực của Chư Phật, đem ý chí sắt thép vượt qua mọi thử thách này. Những trở ngại, đó là thăng duyên để cho ta rèn luyện tinh thần, ý chí. Chúng ta dặn lòng như những câu ca của Cố Hòa Thượng Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPTVN thượng Tâm hạ Thanh: “Vui, tin lên, cố gắng lên… nắng mưa hề chi! Đây những cánh tay mềm, chung đắp xây Gia Đình, nguyện một lòng cố tin yêu…”
Nhân lãnh sứ mênh mà tổ chức giao phó, người Huynh Trưởng cần phải có khả năng, nhận thức; cùng với ôn hòa, bình tĩnh và nhẫn nhục mới mong hoàn thành sứ mệnh. Trước cái bước ngoặc của lịch sử, phương cách hiệu quả nhất là sự bình tĩnh. Trong tâm thư của Huynh Trưởng cấp Dũng Nguyên Ngộ – Nguyễn Sĩ Thiều viết tại Huế (25.12.2006) gởi Lam Viên GĐPTVN, anh viết: “…chúng ta phải tuyệt đối nhẫn nhục và cảnh giác vì: GIẶC ĐÃ VÀO ĐẾN TỬ CẤM THÀNH”.
Nếu trong lúc này mà chúng ta không sáng suốt, mất kiên nhẫn và bình tĩnh thì ta đã tự dìm ta xuống nước, nhận lấy những thiệt thòi về mình mà lẽ ra là nó không đáng có! Tất cả những gì xảy ra vừa rồi ở một số đơn vị Gia Đình Phật Tử như Liên Quang, Thuận Thành hay Khánh Tịnh, v.v… quả là một sự việc đau lòng với tất cả chúng ta, những người Huynh Trưởng tự nguyện – dấn thân, bao năm tận tụy phụng sự hy sinh để gìn giữ lý tưởng Áo Lam mà bao thế hệ tiền nhân đã giao phó, truyền thừa. Nhưng xin thưa cùng tất cả anh chị, bên cạnh nỗi đau xót, buồn phiền, chúng ta lại tìm được niềm an lạc, hạnh phúc, bởi bùn càng tanh hôi thì hoa sen lại càng thơm ngát. Cũng thế, qua những lần biến cố, qua những chướng duyên trở ngại, thì chính nó là thắng duyên để anh chị em áo lam chúng ta lại được rèn luyện tình đoàn kết, thương yêu nhau hơn, tinh thần thần “Lục Hòa cộng trụ” lại bền chặt hơn. Âu đây cũng là tiếng chuông nhắc nhở chúng ta quan tâm đến sự còn mất của lý tưởng, của sứ mệnh; quả là “Gia bần tri hiếu tử – Quốc loạn thức trung thần”. Trong những lần ấy chúng ta lại nhắc nhở nhau, sát cánh bên nhau vượt qua gian truân, thử thách mà không một thế lực nào chen vào khuấy đảo nhằm chia cắt, ly gián chúng ta được.
Quyết tâm giữ gìn truyền thống, tông phong, gia phả, nghĩa tình huynh đệ hơn 60 năm qua và mãi mãi về sau. Một lần nữa chúng ta nhắc nhở nhau kiên quyết gìn giữ Nôi Quy – Quy Chế của GĐPTVN vì đó là máu đào, tủy sống của hằng hằng lớp lớp các thế hệ đàn anh, đàn chị, quý Chư Tôn Đức đã dày công tạo lập, hun đúc nên. Không một ai có quyền dẫm đạp hay xé bỏ mục tiêu, tôn chỉ của tổ chức GĐPTVN đã được minh chứng từ thời kỳ phôi thai hình thành cho đến khi phát triển tổ chức mà cha anh chúng ta đã đổ ra nhiều xương máu để duy trì tồn tại đến ngày hôm nay.
Chúng ta cũng hàm ân những biến cố vì thông qua đó mọi việc mới phơi bày được chân tướng của những người hám danh, tham lợi, đội lốt, tha hóa, tăng thượng mạn, phản bội lại tổ chức, lợi dụng tổ chức và Phật Pháp dưới nhiều hình thức, phương tiện khác nhau! Phải chăng đây chính là “dịp may” để họ tự tẩn-xuất bản thân mình ra khỏi tổ chức, ra khỏi đạo Phật; vì họ chê bai Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy của họ và lý tánh giác ngộ của tự thân. Mà sự thật còn đó qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm theo thời thế, GĐPTVN đã có thăng hoa rạng rỡ đến huy hoàng, tráng lệ nhưng cũng có lúc tắt lịm trong điêu tàn vì khói lửa chiến tranh. Nhưng dù gặp nhiều biến thiên của thời cuộc, GĐPTVN vẫn tồn tại “sừng sững” như một thực thể bất di bất dịch, vẫn giữ tròn Tứ Bất Hoại Tín, như như nơi cõi Ta-bà uế trọc này. Đây cũng chính là nghĩa của Thập Như Thị trong Kinh Pháp Hoa; và không ai có thể khuynh loát hay thao túng chúng ta được! Bất cứ ai lợi dụng tinh thần xả kỷ, lợi tha của đại gia đình Lam Viên tất sẽ bị đào thải. Cho nên bây giờ tinh thần nhẫn nhục vô tướng bằng chánh kiến là một điều cần thiết và quan trọng. Xin phép quý anh chị được lược kể một câu chuyện về thời Đức Phật Bổn Sư của chúng ta còn tại thế:
Một lần nọ Đức Phật đi châu du giáo hóa đến một vùng đất nọ, có một đạo sĩ Bà-la-môn vì tâm tật đố, ganh ghét nên ông ta không ưa gì Đức phật. Ngài đi tới đâu là ông đạo sĩ đi tới đó từ sáng tới chiều, dùng những lời thô bỉ để mắng nhiếc Như Lai. Đến chiều, Đức Phật dừng lại nghĩ chân, ông đạo sĩ kia lớn tiếng hỏi Đức Phật:
– Này ông Sa-môn Cồ-đàm kia! Ông có điếc hay không mà từ sáng đến giờ ta chửi ông mà ông không đáp trả?
Đức Phật từ hòa đáp:
– Ta không điếc. Ta nghe tất cả những gì ông nói từ sáng đến giờ.
– Thế tại sao ông không đáp trả? – Đạo sĩ Bà-la-môn hỏi.
Đức Phật trả lời:
– Ta hỏi ông, ví như ông đi đến đám giỗ ở nhà một người bạn, sau khi đám giỗ ông ra về, chủ nhà tặng cho ông những món qua như thực phẩm, bánh trái v.v… ông không nhận thì món quà đó thuộc về ai?
– Thì dĩ nhiên là thuộc về người chủ nhà rồi. – Đạo sĩ kia đáp.
Đức Phật nói tiếp:
– Cũng vậy, từ sáng đến giờ ông chửi ta, ta không nhân thì những lời chửi đó thuộc về ai?
Nghe xong ông đạo sĩ Bà-la-môn chợt tỉnh ngộ, ăn năn lỗi lầm của mình, năm vóc sát đất thành tâm sám hối và xin quy y với Phật.
Thật vậy thưa quý anh chị. Bằng tình thương, trí tuệ và dũng lực, có thể đẩy lùi bóng tối vô minh, cường quyền và bạo ngược. Sử dụng Nhứt Thiết Trí qua tánh tướng Thập Như Thị và Pháp Giản Trạch mà Đức Như Lai đã dạy trong Thất Giác Chi, nằm trong 37 Phẩm Trợ Đạo tức là Đạo Đế trong Tứ Thánh Đế, thì tướng đúng, sai không còn là vấn đề bình luận. Đúng hay sai; chánh hay tà chỉ là nhân duyên biến hiện của Như Thị. Bản thể của cái đúng, sai chung cùng là không đúng mà cũng chẳng sai. Cho nên xin anh chị em đừng lạm bàn chuyện ai đúng, ai sai vì Cổ đức cũng dạy rằng: “Người lỗi ta không lỗi, liền lỗi vì chê bai”. Cứ y như pháp mà thực hành lời Đức Phật dạy Tứ Bất Y: “Y pháp bất y nhân”. Trước sau Lam Viên chúng ta vẫn kiên định lý tưởng, giữ vững lập trường như một, vẫn là những đứa trò giỏi, con ngoan, vẫn là những văn thân, sĩ phu hay là một trung thần khi nước nhà lâm nguy, loạn lạc vì giặc tham-sân-si xâm chiếm thống trị. Huynh Trưởng GĐPTVN là người sống đúng với chân lý bản thể như như của vạn pháp, tức là người trở về nguyên quán, về đến bảo sở chân như mà mình đã lưu lạc từ bấy lâu nay.
Lại nữa, thưa các anh chị. Ngài Duy-ma-cật là vị cổ Phật hóa thân thành một cư sĩ, sinh ra trong một xã hôi đầy trụy lạc, cám dỗ và cũng từ đó tự mình bứt phá đứng lên, hòa mình với dòng suối của con người; được mọi người trong giới thượng lưu, trí thức kính nể như Ngài là một nhà đạo đức dẫn đạo đầy đủ tài đức, lại phù hợp khế lý, khế thời và khế cơ. Kinh Thắng Man nêu gương của Thắng Man Phu Nhân vì chúng sanh mà phát mười đại thệ nguyện để gánh vác mà không thấy nặng nề, chỉ mong hoàn thành sứ mệnh; kinh cũng dạy rõ Bồ-tát muốn hoàn thành đạo nghiệp phải xuất phát từ tâm đại bi, xem tất cả chúng sanh như con ruột của mình. Ý thức được như thế nên người Huynh Trưởng dù nhọc nhằn bao nhiêu gánh nặng cũng gánh vác, đùm bọc, che chở cho những đứa con với sẵn đức tính của một bà mẹ hiền.
Trong kinh Duy Ma, qua việc dàn dựng nên Cư Sĩ Duy-ma-cật, một con người bất tư nghì để trình diễn Phật sự bất tư nghì nhằm giáo hóa chúng sanh về Đại Thừa diệu pháp bất tư nghì, đã để lại cho hàng hậu học chúng ta một bài học vô cùng quý giá mà chúng ta phải nên suy ngẫm đó là: “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Có phải chăng một triết gia phương Tây nào đó đã đọc được kinh này? Cũng thế, “chiếc áo không làm nên người Huynh Trưởng”. Chiếc áo “sứ mệnh” khi khi lọt vào tay thợ săn điêu ngoa sử dụng, chiếc áo đó trở thành một thứ cạm bẫy sát sanh đoạn mạng. Chắc hẳn rằng anh chị nào đã học qua Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân thì sẽ không quên được câu chuyện “Sư tử trọng pháp”. Con sư tử có bộ lông vàng quý hiếm như thế phải chết một cách oan ức chỉ vì lầm tưởng chiếc áo của “tu sĩ”. Bởi thế người Huynh Trưởng chúng ta cần phải chuẩn bị hành trang đầy đủ, trí tuệ sắc bén như tư lương của vị Bồ-tát. Tóm lại, “sứ mệnh của người Huynh Truởng GĐPTVN” quả là một mệnh đề to lớn nếu chỉ đọc qua. Tuy nhiên đó chính là hướng đi, là mục đích, tôn chỉ của tổ chức; người Huynh Trưởng thực hành suốt cả cuộc đời chỉ mong được như thế; và từ ngày khai sinh tổ chức đến nay chúng ta chưa một lần lầm lỡ trệch khỏi hướng đi: thực hiện mục đích của Gia Đình Phật Tử là sứ mệnh của người Huynh Trưởng.
Có thể nói, một phương tiện, một pháp môn mới được ra đời ở những năm 30 của thế kỷ XX đó là pháp môn Gia Đình Phật Tử. Người Huynh Trưởng cần thực hành giáo pháp Như Lai và khuyến hóa mọi người cùng thực hành theo. Chẳng phải là trong giai đoạn xã hội xem trọng về vật chất, đời sống tâm linh tinh thần bị tha hóa, bị giảm sút và coi nhẹ như hiện nay, Huynh Trưởng GĐPTVN chúng ta cần phải kiên định lý tưởng, xác quyết lập trường, đặt đức tin vững vàng vào chánh pháp thì không gì có thể thay đổi niềm tin được hay sao? Song song đó là phát triển tu chứng nội tâm, xem nhẹ thú vui vật chất tầm thường, trụy lạc, để thực hành sứ mệnh Huynh Trưởng. Có được tinh thần này lả do sự trải nghiêm của tự thân, do từ bi, trí tuệ mà có. Là Huynh Trưởng, với sứ mệnh mà tự mình nhận lãnh thì không chỉ có giữ vững 4 Bất Hoại Tín, mà tự mình phải tìm tòi học hỏi, nghiên cứu không ngừng, trước là “ôn cố tri tân”, sau là vun bồi cho thế hệ đàn em trưởng thành trong chánh pháp, trong tổ chức bằng chính đôi chân kiên dũng của mình. Phải cho đến khi nào:
Bồ để quả thục nhất chân phi sắc phi không
Bát nhã hoa khai vạn pháp tức tâm tức Phật.
Lời thô, ý thiển, sở học non kém, kiến văn cạn cợt xin được tỏ bày, chia sẻ nơi đây bằng tất cả tấm lòng tha thiết chân tình, nếu trong đây có gì bất như ý, là do sự nông cạn, hiểu biết hạn hẹp của em, kính cẩn quý anh chị hoan hỷ tha thứ, chỉ bảo, để anh em chúng ta cùng sách tấn nhau trên bước đường phụng sự lý tưởng Áo Lam. Thành tâm đảnh lễ tri ân, phủ phục trước uy đức cao cả của Chư Tôn Đức đã bảo bọc, dạy dỗ, che chở cho chúng con suốt 60 năm qua. Lại xin được đầu diện tiếp túc trước Chơn Linh của bao thế hệ tiền bối cha anh đã đi trước và nằm xuống vì ngôi nhà lam thân yêu.
Thành tâm cầu nguyện cho quý anh chị Huynh Trưởng giữ tròn sứ mệnh, lý tưởng mà mình đã chọn. Khâm phục trước công lao to lớn của anh chị Huynh Trưởng, những người đang tận tụy cống hiến “toàn thân, toàn tâm, toàn trí và toàn hồn” cho tổ chức GĐPTVN. Chúng ta dặn lòng và nhắc nhở nhau như những lời thơ của Hòa Thượng viện chủ tu viện Long Thọ: “Dù qua bao sấm chớp; dù qua bao đắng cay; dù núi sông mòn cạn; nguyện này chẳng lung lay”. Nguyện rằng: “Tánh thuấn nhã-đa có thể mất – Tâm thức ca-la không hề nào!”
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma-Ha-Tát
MINH GIÁC