Hệ thống các phép Thiền Định – Bài 10: Năng lực của năm thành phần (bài cuối)

Vài lời giới thiệu của người chuyển ngữ:

Loạt bài chuyển ngữ dưới đây là cố gắng của một Thiền Sư vô cùng uyên bác và lỗi lạc là Urgyen Sangharakshita, nhằm hệ thống hóa thật mạch lạc và sâu sắc các phép luyện tập thiền định nêu lên trong Giáo huấn của Đức Phật và cả trong các học phái Phật giáo Đại thừa.

Urgyen Sangharakshita (1925-2018) gốc người Anh, tên thật là Dennis Lingwood, có một trí thông minh khác thường, thường được xem là một trong số các nhà sư uyên bác nhất trong thế kỷ XX. Ông viên tịch vào tháng 10 năm 2018 trong sự kín đáo và đã để lại cho chúng ta khoảng 60 quyển sách và hàng trăm bài giảng vô cùng giá trị. Tại Anh quốc, ông khởi sự tu tập theo Phật giáo Theravada, nhưng sau đó thì sang Ấn Độ và lưu lại đây suốt hai mươi năm, trong thời gian này ông từng tiếp xúc và học hỏi với nhiều nhà sư Tây Tạng nổi tiếng. Tại đây ông cũng đã hợp tác với Bhimrao Ramji Ambedkar (1891-1956) bộ trưởng và thủ tướng Ấn, để tổ chức quy y tập thể cho những người tiện dân. Nhà sư Sangharakshita cũng là vị sáng lập “Hiệp Hội Phật Giáo Tam Bảo” (Triratna Buddhist Community) chuyên giảng dạy về thiền định. Hiệp hội này cũng còn mang một tên khác là “Hội Thân Hữu Dòng Tu Phật Giáo Tây Phương” (Friends of the Western Buddhist Order / FWBO), có mặt trên 30 quốc gia trên thế giới.

Loạt bài về thiền định của nhà sư Urgyen Sangharakshita được chuyển ngữ dưới đây được trích ra từ một quyển sách của ông mang tựa: “Hướng dẫn trên đường tu tập Phật Giáo” (A Guide to the Buddhist Path, Windhorse Publications,1990). Trong sách này, nhà sư Urgyen Sangharakshita lựa chọn các phương pháp luyện tập trung thực và quan trọng nhất tạo thành một hệ thống mạch lạc, chính xác và sâu sắc về phép luyện tập cốt lõi này của Phật giáo. Hệ thống thiền định này gồm chung trong mười bài giảng, trích ra từ một chương mang tựa “Hệ thống các phép thiền định” (A system of meditation) của quyển sách. Bản chuyển ngữ tiếng Việt được dựa vào bản dịch tiếng Pháp của Christian Richard 2004. Độc giả có thể tham khảo bản tiếng Pháp này trên trang mạng: http://www.centrebouddhisteparis.org/Meditation/Systeme_de_meditation/systeme_de_meditation.html

Đức Đạt-lai Lạt-ma và nhà sư Sangharakshita
(Ảnh chụp tại Luân Đôn – năm 2008)

 

HỆ THỐNG CÁC PHÉP THIỀN ĐỊNH
Un système de méditation

Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

Bài 1: Phép chú tâm dựa vào hơi thở.
Bài 2: Phép thiền định về sáu thành phần.
Bài 3: Bốn giai đoạn trong hệ thống thiền định.
Bài 4: Năm phương pháp thiền định căn bản nhất.
Bài 5: Sự nhận thức điên loạn và sự nhận thức đúng đắn.
Bài 6: Các cấp bậc cảm nhận và phi cảm nhận về cái tôi.
Bài 7: Bốn thể dạng vô biên của tâm thức.
Bài 8: Các cấp bậc dhyana liên quan đến thế giới hình tướng và vô hình tướng.
Bài 9: Cách biểu trưng về năm thành phần trong các bảo tháp.
Bài 10: Năng lực của năm thành phần.

Bài 10
Năng lực của năm thành phần

Đến đây chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về thế giới tâm thần và tâm linh, vậy hãy lưu ý là những gì mà chúng ta sẽ bàn thảo với nhau trong phần dưới đây đều thuộc vào thế giới đó, và năm thành phần (đất, nước, lửa, không khí và không gian) sẽ biểu trưng cho các giai đoạn biến cải năng lực tâm lý và tâm linh (các thể dạng tri thức từ thấp đến cao trong tâm thần của một người tu tập). Vậy trong lúc này chúng ta đang ở trong bối cảnh của thế giới nội tâm, không còn là thế giới bên ngoài nữa.

Trong thế giới đó (tức là thế giới tâm thần và tâm linh), đất biểu trưng cho năng lực tĩnh (static/bất động), đó là năng lực ở thể dạng tiềm năng, hơn là năng lực đúng nghĩa của nó, hoặc cũng có thể xem đó là một thứ năng lực bị ngăn chận hay tắc nghẽn (bởi tác động của năm thứ chướng ngại tâm thần/”ngũ triền cái”). Tiếc thay đấy cũng là thể dạng tâm thức của nhiều người. Các bạn cảm thấy mình có thừa sinh lực bên trong con người mình, thế nhưng thật ra năng lực đó ở trong tình trạng bị tắc nghẽn, tương tự như lửa bị vùi lấp thật kín bên trong một ngọn núi lửa. Năng lực đó không tìm được một lối thoát, không có một kẽ hở nào giúp nó thoát ra ngoài. Trong tình trạng đó năng lực không những bị tắc nghẽn mà còn bị đẻ nén. Nếu không tìm cách giúp nó thoát ra thì cuối cùng nó sẽ tiếp tục bị dồn nén [không tạo ra được một tác động nào].

Toàn bộ quá trình phong tỏa, ngăn chận, dồn nén và loại trừ đó có thể tiếp tục qua những năm tháng dài. Sau cùng các năng lực đó thường trở thành đông cứng, tê liệt và lạnh buốt. Một khi đã rơi vào tình trạng năng lực đông cứng dó thì chính mình cũng sẽ trở thành một khối khô cằn và cứng nhắc. Đối với một người như thế, có nghĩa là năng lực của mình đã bị tê liệt, thì khó tránh khỏi ngày càng hóa đá, không buồn trả lời khi có người hỏi, cũng không muốn giao tiếp với ai cả. Họ mất dần sức sống và trở thành tương tự như một người đã chết. Đôi khi họ cũng muốn làm nhẹ bớt cảnh buồn chán của mình bằng cách tạo ra một sự bùng nổ nào đó. Các mảnh vụn của khối đá – các chất liệu khô cứng – bắn tung khắp nơi. Thế nhưng cách hành xử đó không mang lại một chút gì tốt đẹp cả. Tiếc thay tình trạng đó lại thường thấy xảy ra.

Rất nhiều người không thật sự bị bế tắc, cũng không có một sự trấn áp hay gạt bỏ nào thật sự xảy ra với mình, thế nhưng họ chỉ có thể tận dụng được một phần rất nhỏ năng lực tiềm tàng của mình, tiếc thay không mấy người ý thức được tình trạng đó. Khi nào vẫn còn rơi vào thể dạng đất, thì năng lực của chúng ta sẽ là một thứ năng lực bất động, một hình thức năng lực tiềm tàng, không phải là một thứ năng lực đúng thật (đoạn trên đây nói đến những người ở thể “đất”, ù lì, bất động, không có một ý chí nào cả, các nguồn năng lực của mình bị tắt nghẽn và đông cứng).

Thể dạng nước là năng lực tương đối được giải thoát, thế nhưng chỉ trong một giới hạn nào đó. Trái ngược với đất và đá, nước linh động hơn, có thể chảy từ đầu này đến đầu kia trên một mặt phẳng, hoặc gần như phẳng. Năng lực của nước chỉ có thể chảy xuống phía dưới nhưng không chảy ngược lên phía trên được. Cũng tương tự như vậy, một phần nhỏ năng lực [bên trong chúng ta] có thể được giải thoát và trở thành tương tự như nước, nó có thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Năng lực đó dù không thể di chuyển thật xa, nhưng có thể chảy đến một điểm nào đó và quay lại chỗ cũ. Nói một cách khác, năng lực đó hay thể dạng nước đó, luân lưu theo từng cặp đối nghịch nhau: giữa thương yêu và hận thù, giữa thu hút và ghê tởm, giữa hy vọng và sợ hãi, giữa thích thú và đớn đau. Ở cấp bậc này năng lực chỉ có thể tạo được các tác động trong một không gian hạn hẹp. Dù đã được giải thoát, thế nhưng năng lực đó chỉ tạo ra được một tầm ảnh hưởng thật giới hạn, tương tự như một con dê bị cột vào một cái cọc, nó chỉ có thể gặm cỏ bên trong một ranh giới nhất định nào đó mà thôi. Khi chỗ này hết cỏ thì nó sẽ phải chuyển sang chỗ khác.

Lửa là năng lực di chuyển lên phía trên, nhờ đó thể loại năng lực này sẽ được giải tỏa ngày càng nhiều. Nhờ đó trình độ toàn thể con người và toàn thể tri thức sẽ dần dần được nâng lên cao hơn. Chúng ta sẽ cảm nhận được một niềm hân hoan thật thanh thoát và tràn đầy phúc hạnh, v.v… Khi ngọn lửa bốc cao và năng lực căng tràn, thì các sự xung đột và các khó khăn trong nội tâm sẽ được giải tỏa – tất cả các thứ ấy sẽ trở thành tương tự như những lọn khói tỏa ra khắp hướng, hoặc tương tự như những tia lửa nhỏ bắn ra khắp nơi. Đó là một thể dạng hình thành liên tục, thường xuyên có một cái gì đó mới lạ và vượt bực hơn hiện ra với mình. Thể dạng lửa là một thể dạng cảm nhận tâm thần mang tính cách thăng tiến liên tục. Đó là thể dạng tâm thần của những người nghệ sĩ đích thật hay những bậc tu hành cao thâm. Thể dạng đó không phải là thể dạng bình dị trong cuộc sống thường nhật của họ, thể dạng đó chỉ hiện ra với họ trong những lúc cảm hứng và ngọn lửa dâng cao, chẳng hạn như trong lúc sáng tác, hoặc hòa nhập với một thế giới siêu phàm.

Nếu lửa là năng lực hướng lên trên, thì không khí là năng lực tỏa ra khắp hướng. Đó là một thứ năng lực phát tán từ một điểm trung tâm và bung ra khắp hướng trong cùng một lúc. Không khí là năng lực tuôn trào không ngưng nghỉ, phát sinh từ một nguồn suối trung tâm, tương tự như ánh sáng và hơi nóng tỏa ra từ mặt trời trong thái dương hệ. Sự tỏa rộng đó không có một giới hạn nào cả. Thể loại năng lực đó tuôn trào bất tận và khắp nơi trong cùng một lúc.

Tiếp theo là năng lực không gian. Đó là một thể loại năng lực gần như vượt lên trên mọi ngôn từ và tư duy (không thể hình dung hay mô tả được). Người ta có thể bảo rằng thể loại năng lực đó thuộc vào một lãnh vực khác mang những kích thước khác – có thể là kích thước thứ tư, thứ năm hay thứ sáu (không gian thường được hiểu là có ba chiều, một số các nhà vật lý và toán học trên lý thuyết cho rằng không gian có nhiều chiều hơn. Nhà sư Sangharakshita không phải là một khoa học gia nhưng có “cảm giác” là năng lực ở thể dạng cao nhất dường như vượt thoát ra khỏi không gian ba chiều để tiếp cận với một thế giới với các kích thước mới lạ và to rộng hơn). Người ta có thể bảo rằng không gian là một thể dạng trong đó năng lực tự nó có thể tỏa rộng đến vô tận và lưu lại vĩnh viễn trong bầu không gian đó.

Trên đây là năm thành phần mang ý nghĩa tâm lý và tâm linh (psychospiritual). Năm thành phấn này được biểu trưng bởi các kiến trúc stupa theo quan điểm Tantra, nói lên một sự thăng tiến tuần tự đối với sự biến cải năng lực trong lãnh vực tâm lý và tâm linh.

Dưới đây tôi sẽ nêu lên các thể loại người tương quan với mỗi thể dạng trên đây, tức là tâm thần của những người ở thể dạng đất, thể dạng nước, thể dạng lửa, v.v…

Một người ở thể dạng đất sẽ không khác gì với một tù nhân, chân tay bị trói chặt. Theo tôi hầu hết mọi người đều ở trong tình trạng này, nếu không phải là đang trong lúc này thì cũng là lúc khác. Đã là một người tù thì không cử động được, không cựa quậy được. Đôi mắt cũng có thể bị bịt kín, muốn chớp mắt cũng không được. Người tù không làm được việc gì cả, hoàn toàn không phát động được một cử chỉ nào, năng lực hoàn toàn bị tắc nghẽn. Đó là một người ở thể dạng đất.

Trong khi đó một người tù khác biết cởi trói cho mình, tháo khăn bịt mắt. Người này thấy mình đang ở trong một gian ngục bé xíu, mỗi bên hai thước. Người này có thể cử động được: đưa tay hay duỗi chân được, đi đứng được, có thể đi tới đi lui suốt ngày (có nghĩa là tri thức tha hồ hướng vào hai đối tượng ngược chiều nhau: thương yêu – hận thù, thèm khát – ghét bỏ, v.v., nhưng không thể vượt xa hơn hay cao hơn các tư duy và xúc cảm đó, chẳng hạn như nhiều người rất lanh lợi, nhưng thật ra cũng chỉ loanh quanh với các tư duy và xúc cảm đại loại như trên đây), thế nhưng cũng chỉ bên trong phòng giam chật hẹp của mình mà thôi – hai thước theo chiều này, hai thước theo chiều kia. Nói một cách khác là chỉ có một phần rất nhỏ năng lực chuyển động trong một không gian giới hạn: năng lực đó có thể tiến đến một bức tường theo hướng này hay một bức tường khác theo hướng khác, tóm lại chỉ có vậy. Đấy là thể dạng nước, chòng chành đôi chút giữa các cặp đối nghịch – thể dạng đó đôi khi cũng có thể tạm gọi là “tự do”.

Trong thể dạng lửa thì người tù khoét được một lỗ hổng trên nóc nhà giam, giúp mình chui qua lỗ hổng để bay bổng lên bầu trời cao, tương tự như một người Du-gịà Tây Tạng [đang hành thiền], và cảm thấy bầu trời đó càng lúc càng cao.

Trong thể dạng không khí, người tù sẽ khám phá ra là mình không những có thể bay lên cao mà còn có thể tỏa ra khắp hướng, lan ra chung quanh, hoặc hướng xuống phía dưới hay bay lên cao. Nó có thể tỏa rộng theo mọi chiều hướng Đến đây cách so sánh bằng hình ảnh tương đồng sẽ không còn đủ khả năng để diễn tả nữa, bởi vì thể dạng không khí có thể du hành cùng một lúc trong tất cả mọi phương hướng (người tù được giải thoát “ở thể dạng không khí” không thể nào trong cùng một lúc chính mình du hành trong tất cả mọi phương hứng được, do đó hình ảnh này không thể dùng để diễn tả thể dạng năng lực ở thể dạng không khí). Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hình dung một ảo thuật gia hay một người Du-già Tây Tạng có một khả năng siêu việt biến mình trở thành vô số các nhân dạng khác giống như mình, có nghĩa là chính mình hóa thành hàng triệu người khác, giúp mình phát xuất từ một điểm duy nhất để có thể cùng một lúc du hành khắp mọi hướng trong vũ trụ, vĩnh viễn và vô biên.

Không gian là thể dạng cao hơn tất cả các thể dạng trên đây Thật ra tôi không có ý định mở rộng cách so sánh bằng hình ảnh hay ngôn từ đối với không gian, chẳng qua vì trong lãnh vực này ngôn từ và hình ảnh sẽ không còn đủ khả năng để diễn tả, vì vậy chỉ còn cách phải tưởng tượng mà thôi (chỉ có thể trực tiếp cảm nhận được bằng phép thiền định).

Trên đây là các giai đoạn thăng tiến tuần tự trong việc biến cải năng lực tâm lý và tâm linh: từ đất chuyển sang nước, từ nước chuyển sang lửa, từ lửa chuyển sang không khí, từ không khí chuyển sang không gian. Đó là các giai đoạn trên con đường tu tập Tantra mang lại sự Giác Ngộ. Các giai đoạn này được biểu trưng bởi năm thành phần (đất, nước, lửa, không khí và không gian) dưới hình thức các biểu tượng Tantra (các hình thể hình học) trong kiến trúc của các stupa./.

——= HẾT =——

Bures-Sur-Yvette, 30.11.2019
HOANG PHONG chuyển ngữ

Xem lại từ đầu

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.