Sau ngọn lửa Vị Pháp Thiêu Thân của Hòa Thượng Quảng Đức ngày 11.6.1963 ngay giữa lòng thủ đô Sài Gòn để lại Trái Tim Bất Diệt trong lịch sử; một thời gian không lâu lại liên tiếp bùng lên thêm 4 ngọn lửa tự thiêu vì đạo nữa chỉ trong vòng hơn 10 ngày của tháng 8 năm 1963: Đại Đức Nguyên Hương ngày 4 tháng 8 tại Bình Thuận; Đại Đức Thanh Tuệ ngày 13 tháng 8 tại Huế; Ni Cô Diệu Quang ngày 15 tháng 8 tại Ninh Hòa; Thượng Tọa Tiêu Diêu ngày 16 tháng 8, cũng tại Huế.
Ngay sau cuộc tự thiêu của Đại Đức Thích Thanh Tuệ, trong ngày 14.8.1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã ngay lập tức gởi đi một thông tư mang đượm tinh thần nhân bản và từ bi kêu gọi Tăng Ni Phật Giáo xin hãy hạn chế việc tự thiêu thân cúng dường Phật pháp.
Cùng ngày đó (14-8-1963) và các ngày sau, Chư tôn đức Tăng Ni, Gia Đình Phật Tử và các Đạo hữu Phật Tử tập trung cầu nguyện trong và ngoài các chùa ở Huế, trước Tỉnh đường tỉnh Thừa Thiên, đông hơn cả là tại chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên, yêu cầu nhà cầm quyền trao trả di thể Cố Đại Đức Thích Thanh Tuệ bị cướp đi trong đêm 13-8-1963 để Phật Giáo tổ chức tang lễ.
Sự kiện tự thiêu của Đại Đức Thích Thanh Tuệ và nhất là vụ cướp di thể của Đại Đức – cũng như tại Bình Thuận đã cướp di thể Cố Đại Đức Thích Nguyên Hương – đã đánh động tới đồng bào các giới khác ngoài Phật Giáo. Ngày 15/8/1963 (tức 2 ngày sau Đại Đức Thanh Tuệ tự thiêu và bị cướp mất xác), chừng 1.000 sinh viên, học sinh đã cùng nhau xuống đường biểu tình trong thành phố Huế, đòi hỏi chính quyền phải trả lại di thể Cố Đại Đức Thích Thanh Tuệ về chùa và mạnh mẽ phản đối vụ đàn áp, tấn công cướp nhục thân Đại Đức 2 hôm trước ở chùa Phước Duyên và chùa Thiên Mụ, nhưng tất cả mọi nổ lực đòi lại di thể Đại Đức Thanh Tuệ của Phật Giáo và Sinh viên Học sinh đều vô hiệu trước nhà đương cuộc cố tình phớt lờ sự đòi hỏi.
Tuy nhiên từ sự vụ này, không khí tranh đấu ở Huế trở nên hết sức căng thẳng. Sinh viên các Khoa, Trường đại học bắt đầu bất mãn, chuyển mình dấn thân vào cuộc. Nhà cầm quyền phong tỏa khu vực từ cầu Bạch Hổ lên hướng chùa Phước Duyên. Sinh viên tổ chức tuyệt thực ngay vòng rào kẽm gai chắn cầu Bạch Hổ.
Chính trong ngày này (15-8-1963), trong thời gian các cuộc cầu nguyện, biểu tình phản đối việc cướp di thể Đại Đức Thanh Tuệ ở Huế chưa ngã ngũ thì ngọn lửa tự thiêu của Ni Cô Diệu Quang, một Thức-xoa-ma-ni 27 tuổi, sanh quán gốc Thừa Thiên – Huế bừng lên ở gần ga xe lửa Ninh Hòa, cách thị xã Nha Trang 35 cây số. Thi hài Sư Cô Diệu Quang cũng bị các nhân viên công lực mang đi; dân chúng thị xã Nha Trang cũng biểu tình để phản đối!
Liên tiếp ngày hôm sau (16-8-1963) trong khi cả thành phố Huế nhất loạt “tổng đình công – bải thị”, thì tại sân chùa Từ Đàm, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu lại tiếp nối tự châm ngọn lửa thiêu đốt thân mình để soi sáng vô minh. Sợ rằng sẽ lại tái diễn hành động cướp nhục thể, gần 5.000 người gồm cả Phật Giáo Đồ, Sinh viên, Học sinh và Phật Tử các giới túc trực ngày đêm tại chùa để bảo vệ và ngăn chặn lực lượng võ trang tấn công cướp xác.
(Các sự kiện tự thiêu của Sư Cô Diệu Quang, vụ cướp xác và đòi xác, cũng như cuộc tự thiêu của Thượng Tọa Tiêu Diêu sẽ đăng tải tiếp theo đúng vào ngày tưởng niệm Chư tôn túc đã vị pháp thiêu thân).
Tại Sài Gòn, vào ngày 18-8-1963 đã có đến trên 30.000 Phật Giáo Đồ vân tập về chùa Xá Lợi tham dự đại lễ cầu siêu cho Chư Tăng Ni đã tự thiêu. Sau lễ cầu siêu, khoảng chừng 10.000 Tăng Ni, Tín đồ tiếp tục tham gia tuyệt thực tại chỗ.
Trước đó và trong thời gian liên tiếp nổi lên các cuộc tự thiêu, trong tháng 8-1963 có những sự kiện diễn tiến khác trong cuộc vận động của Phật Giáo:
– Ngày 6-8-1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được mật báo từ các giới chức thẩm quyền của Chính phủ có cảm tình với Phật Giáo cho biết về kế hoạch chính quyền sẽ đẩy mạnh hoạt động phân hóa và cô lập Phật Giáo, bao vây kinh tế, ngụy tạo chứng cớ để bắt bớ, giam cầm, truy tố các Giáo phẩm lãnh đạo nhằm tiêu diệt phong trào Phật Giáo trong một kế hoạch gọi là “Kế hoạch Nước Lũ”.
– Ngày 7-8-1963, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết gởi thư báo cho Tổng thống Ngô Đình Diệm về kế hoạch trên, đồng thời lưu ý Tổng thống về những âm mưu của những thuộc cấp trong Chính phủ.
– Ngày 12-8-1963, Nữ sinh Mai Tuyết An đến tại chùa Xá Lợi đảnh lễ Phật rồi bất ngờ chặt bàn tay trái để phản đối việc đàn áp Phật Giáo. Rất may là bàn tay đã không bị đứt lìa.
– Ngày 13-8-1963, Ủy Ban Liên Bộ của Chính phủ tổ chức họp báo đổ lỗi cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo không cộng tác để thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp nhằm thi hành bản Thông Cáo Chung.
– Ngày 14-8-1963, Ủy Ban Liên Phái mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, giải thích những lý do không tham gia thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp, đồng thời tố cáo Chính phủ không hề có ý định thi hành Thông Cáo Chung mà chỉ dùng văn kiện này như là một “biện pháp” trì hoãn các yêu cầu của Phật Giáo và để hạn chế, ngăn cản, thậm chí dẹp bỏ tang lễ cũng như ngày di quan Hòa Thượng Thích Quảng Đức mà thôi. Ủy Ban Liên Phái cũng đưa ra kêu gọi của Phật Giáo yêu cầu chính quyền ngừng phong tỏa các chùa chiền, phóng thích tất cả những người bị bắt giữ trong cuộc vận động của Phật Giáo, và chấm dứt mọi hành động đàn áp, khủng bố, phỉ báng, xuyên tạc Phật Giáo.
Kỷ niệm 60 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2023)
QUANG MAI sưu lục & biên tập.