Ngọn lửa uy dũng thứ 3 bừng lên trong Pháp Nạn từ phàm thân Sa-di Tăng sinh Thích Thanh Tuệ ngày 13.8.1963 ở Huế

0

Trong Pháp Nạn Phật Giáo năm 1963, noi gương Vị Pháp Thiêu Thân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, vào giai đoạn 2 của cuộc vận động tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo, các cuộc tự thiêu của Chư Tăng, Ni liên tục xảy ra nhiều nơi với mong muốn giải trừ Pháp Nạn và để cứu nguy Phật Giáo khiến Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Lãnh đạo Tối cao Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo phải khẩn cấp lên tiếng kêu gọi, xin Chư Tăng Ni ngưng lại các hành động tự thiêu hiến thân cho Đạo pháp.

Chỉ 9 ngày sau ngọn lửa thiêu thân vì đạo của Đại Đức Thích Nguyên Hương 23 tuổi rực lên giữa trưa trước Đài Chiến Sĩ cạnh Tòa hành chánh tỉnh tại thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; thì vào hồi 2 giờ khuya 13.8.1963 (nhằm ngày 24 tháng 6 năm Quý Mão), ngọn lửa hùng thiêng của Đại Đức Thích Thanh Tuệ, một Sa-di Học tăng mới 17 tuổi bất ngờ bừng lên trước cửa tam quan ngôi chùa Phước Duyên hẻo lánh xứ Huế làm tỏa rạng cả một bầu trời đen thẳm trong màn đêm!

Tăng Ni, Phật Tử và đồng bào Cố đô Huế giữa đêm khuya chợt bừng tỉnh dậy khi hay tin lại thêm một Tăng đồ Phật Giáo hiến thân mình làm ngọn đuốc Vị Pháp Thiêu Thân. Đồng bào Phật Tử các nơi tấp nập kéo về chùa Phước Duyên như những giòng thác đổ trước khi nhân viên công lực hay tin. Họ đến để đảnh lễ, cầu nguyện, đồng thời để bảo vệ và cung thỉnh di thể của Thầy đến Tổ đình Từ Đàm tổ chức tang lễ trang trọng, xứng đáng với vị Thánh Tăng tử đạo trẻ tuổi vừa phát nguyện hy sinh cho sự tồn vong của nền Phật Giáo nước nhà trong cơn Pháp Nạn.

Ngọn lửa hùng uy của Tăng sinh Thích Thanh Tuệ bừng cháy khuya hôm nay nơi một ngôi chùa u tịch tọa lạc ngay trong thành phố Huế, là ngọn đuốc thiêng thứ ba thắp lên trong đêm dài u tối mùa Pháp Nạn, tiếp nối hai ngọn lửa hùng thiêng của Hòa Thượng Quảng Đức giữa lòng thủ đô Sài Gòn và của Đại Đức Nguyên Hương trước Đài Chiến Sĩ ở Phan Thiết.

Vụ tự thiêu thứ 3 liên tiếp trong vòng hơn 2 tháng khiến nhà cầm quyền đương cục dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm lại thêm một phen bối rối, hốt hoảng nên phản ứng cũng lặp lại y như sự kiện tự thiêu của Đại Đức Thích Nguyên Hương: giới chức chính quyền đã không để cho Phật Giáo Đồ thực hiện ý nguyện và bổn phận người Phật Tử của mình. Công an, cảnh sát đã hung hãn cản trở Tăng Ni, Phật Tử đưa di thể người Tăng sinh trẻ tuổi về chùa Từ Đàm. Chính quyền bấy giờ đã ra lệnh cho các tùy viên mật vụ, công an, cảnh sát… tấn công một cách tàn nhẫn vào đoàn người hiền lành đang chắp tay niệm Phật, cung rước nhục thân của Đại Đức đến nơi cử hành tang lễ.

Việc xô xát diễn ra trong cuộc đàn áp đã khiến 25 người dân trong làng bị thương, trong số đó có 5 người phải khẩn cấp chở đi bệnh viện. Rồi sau đó, khi đoàn rước di thể chỉ mới đi ngang qua khu vực chùa Linh Mụ, thì bất ngờ trong bóng đêm, lực lượng nhân viên công lực vũ trang đã bao vây tứ phía, ào ạt tấn công cướp thi hài của Đại Đức chở đi mất tích hòng che giấu tin tức Đại Đức đã tự thiêu vì Pháp Nạn, không để cho Tăng Ni, Phật Tử tổ chức pháp lễ và an táng hay trà tỳ di thể theo nghi thức Phật Giáo cho người Tăng sĩ tự thiêu tân viên tịch!

oOo

Đại Đức Thích Thanh Tuệ thế danh là Bùi Huy Chương, sinh năm 1946, nguyên quán tại làng Ba Khê thuộc quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thầy được sinh trưởng trong một gia đình trung nông thuần thiện, có truyền thống Phật Giáo và rất thâm tín Tam Bảo. Song thân Thầy là Cụ ông Bùi Dư và Cụ bà Hoàng Thị Phục. Thầy là con áp út trong gia đình gồm có 5 anh chị em.

Thuở thiếu thời, Thầy được nuôi dưỡng ở nông thôn, học hành tại trường làng như bao đứa trẻ con nhà nông tang đồng trang lứa, nhưng từ năm 13 tuổi, Thầy thường xuyên được theo thân phụ đi chùa lễ Phật, nghe Kinh, giảng Pháp, được sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử, nên kể từ đó Thầy cảm hoài đạo Phật, chí nguyện xuất gia bắt đầu nhen nhúm trong lòng. Lúc bấy giờ Thầy là Đoàn Sinh của Gia Đình Phật Tử Ba Khê thuộc quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Năm 14 tuổi, Thầy xin song thân cho xuất gia học đạo và được thân sinh tán thành. Từ biệt thân quyến, Thầy lên đường vào chùa Phước Duyên thuộc xã Hưng Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên bái yết Hòa Thượng Tâm Ưng – Đảnh Lễ xin được xuất gia hành điệu. Nhận thấy Thầy mặc dù tuổi nhỏ nhưng có chí khí và nguyện lực mạnh mẽ nên Hòa Thượng chấp thuận cho xuất gia. Thời kỳ hành điệu, Thầy tỏ ra rất siêng năng, cần mẫn tu tập, tư cách, tác phong đĩnh đạc, chí khí cao khiết, nên được Bổn sư chăm sóc, giáo dưỡng kỹ lưỡng ngay từ buổi ban đầu.

Năm 15 tuổi, Thầy được Hòa Thượng ân sư cho theo học các lớp Sơ, Trung đẳng Phật học tại Phật Học Viện Báo Quốc (Huế) và tiếp tục học các lớp phổ thông trung học tại trường Bồ Đề Thành Nội ở thành phố Huế.

Năm 16 tuổi, Thầy được Hòa Thượng Thích Đảnh Lễ cho bái sư làm đệ tử với đệ tử trưởng tử của Ngài là Thượng Tọa Thích Tánh Hải; và cùng trong năm, Thầy được truyền thọ Sa-di giới với pháp danh là Quảng Trí, pháp tự là Thanh Tuệ.

Năm 17 tuổi (1963), Thầy thi đậu Trung học đệ nhất cấp, nhưng cũng chính trong năm Pháp Nạn này, Đại Đức đã chứng kiến sự bất công, cảnh đàn áp Phật Giáo Đồ của Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phật Giáo Việt Nam bắt đầu dấn thân vào một khúc quanh lịch sử hết sức bi thảm và cũng vô cùng hùng tráng…

Thực trạng khổ đau của Tăng-Tín đồ trong cơn Pháp Nạn đã dấy lên niềm bức thiết ngày đêm cho người Tăng sinh tuổi đạo, tuổi đời đều còn rất trẻ. Trong nhiều tuần liền, Đại Đức âm thầm suy tư, tự vấn về những tấm gương sáng của Bồ-tát Quảng Đức, của Đại Đức Nguyên Hương đã thể hiện lý tưởng Nhất thừa, noi gương Ngài Dược Vương Bồ-tát đốt lên ngọn lửa đại hùng soi đường cho Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam và thức tỉnh các thế lực bạo cường. Thầy cũng muốn kế tục những ngọn lửa đại hùng vệ quốc, vệ đạo ấy của các bậc anh hùng tiền bối, muốn phát nguyện lấy thân mình làm ngọn đuốc từ bi, trí dũng để cúng dường Phật pháp và xua tan màn u tối bao trùm lên Phật Giáo Đồ trong cơn đại nạn đang bế tắc chưa tìm ra lối thoát.

Chánh tín đã xác lập, đại nguyện đã phát khởi, Đại Đức quyết tâm tự nguyện hy sinh thân mình cho đồng bào được sống trong tự do, bình đẳng, nguyện tự mình chết đi để cảnh tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và Chính phủ của ông đáp ứng 5 nguyện vọng tối thiểu và chân chính của Phật Giáo Đồ.

Ngày Rằm tháng Sáu âm lịch – 4.8.1963 (tức 9 hôm trước ngày tự thiêu) là ngày giỗ mẫu thân, Đại Đức cung thỉnh Hòa Thượng trụ trì Thích Đảnh Lễ về quê nhà. Đại Đức tụng niệm suốt đêm ngày để cầu siêu cho mẹ. Ngài Đảnh Lễ cũng không ngờ rằng đây là lần cuối Đại Đức về từ giã gia đình trước khi thực hiện chí nguyện hy sinh.

Thế rồi nửa khuya 24 tháng 6 năm Quý Mão, trong lúc thầy Bổn Sư đi vắng, không để một ai hay biết, Đại Đức một mình lặng lẽ đi ra trước cổng tam quan chùa Phước Duyên ngồi tĩnh tọa, tẩm xăng vào lớp áo nhật bình rồi châm lửa tự thiêu.

Di ảnh Đại Đức Thích Thanh Tuệ.

Trước khi thực hiện đại nguyện thiêu thân, Đại Đức Thích Thanh Tuệ đã chuẩn bị sẵn mấy bức di thư nội dung vắn tắt, dung dị để lại cho Gia đình, Bổn sư cùng Đạo hữu, gởi đến Tăng Ni – Tín đồ Phật Giáo Việt Nam, và gởi cho Tổng thống đương quyền Ngô Đình Diệm.

Tiên liệu trước gia đình sẽ gặp nhiều khó dễ với chính quyền, thân sinh Đại Đức sẽ bị nhà đương cuộc mua chuộc hoặc khủng bố sau khi Thầy tự thiêu nên trong di thư gởi lại gia đình, có đoạn Thầy viết:

“Con chết đi, Cậu phải đương đầu với mọi đe dọa, nhưng Cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng khi họ dùng những mánh lới khác; mà Cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật Giáo dù cho bản thân tứ đại của Cậu phải bị diệt vong.

Lần cuối cùng, con kính lời đến gia đình con, quý bác, chú, thím, cô, dì, cậu, mợ và quý anh chị em, họ hàng thúc bá nội ngoại xa gần lời chúc vĩnh biệt trước khi con về cõi Phật”.

Trong bức di thư gởi đến toàn thể Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo, Đại Đức thiết tha bày tỏ:

“Trước khi về cõi Phật, tôi trân trọng gởi đến quý Ngài lời chào tối hậu và tôi xin thành kính cầu nguyện hồng ân Tam Bảo, Bồ-tát Quảng Đức, Liệt vị Thánh Tử Đạo gia hộ quý Ngài pháp thể khinh an để đoàn kết chặt chẽ sau lưng Hòa Thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tranh đấu cho nền tín ngưỡng của dân tộc, và yêu cầu Chính phủ thực thi những nguyện vọng tối thiểu mà quý Ngài đã ghi trong các biểu ngữ, trong các báo chí Phật Giáo.”

Trong bức thư đề gởi “2 Thầy và Đạo hữu chùa Phước Duyên”, Đại Đức chỉ viết có mấy dòng ngắn gọn nhưng chứa chan tình cốt nhục Linh Sơn, đồng thời gởi gắm sâu sắc sứ mệnh của những người con Phật giữa cơn Pháp Nạn đầy nguy biến:

“Trước khi về cõi Phật, tôi kính cẩn chào Quý Thầy và Đạo Hữu ở lại được mạnh giỏi để phụng sự Đạo Pháp, noi gương vô úy của Cố Hòa Thượng Quảng Đức.”

Riêng bức thư gởi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu Chính phủ đương thời, Đại Đức nêu lên những “nguyện vọng” nhưng đó cũng chính là những đòi hỏi mạnh mẽ, cứng rắn của mình trước khi tự nguyện thiêu thân:

“Tôi, Tăng sinh Thích Thanh Tuệ, 17 tuổi, kính gởi đến Ông những nguyện vọng độc nhất trước khi tôi về cõi Phật:

1) Hãy chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật Giáo Đồ, và thả gấp tất cả những Phật Tử bị bắt giam kể từ ngày mồng 8 tháng 5 năm 1963 đến nay.
2) Hãy giải quyết thỏa đáng gấp những nguyện vọng của Phật Giáo Đồ đã nêu trong các biểu ngữ.
3) Triệt để không cho bà Ngô Đình Nhu lên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam Cộng Hòa để nhục mạ Phật Giáo, báng bổ Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức, vì việc làm ấy không những làm giảm giá trị của Phật Giáo, mà trái lại gây sự căm phẫn trong quần chúng.”

Trong cơn gieo neo của Phật Giáo Đồ giữa trận cuồng phong Pháp Nạn, Đại Đức chọn con đường tự hoại diệt nhục thân chính mình làm ngọn đuốc thiêng khiến Tăng chúng và Đạo hữu Phật Tử chùa Phước Duyên nói riêng, Tăng Ni – Tín đồ Thừa Thiên và toàn miền Nam Việt Nam nói chung thiệt thòi mất một thanh niên Tăng trung kiên, nhiệt thành hộ đạo, khi mà tiền đồ tu học của người Sa-di Học tăng trên con đường Chánh pháp chỉ mới vừa khai mở… Nhưng Đại Đức chết mà để đi vào huyền sử! Chết mà để trở thành bất tử trong lòng tầng tầng lớp lớp Phật Giáo Đồ đang oằn mình trong đại nạn hiện tại và sẽ mãi ghi nhớ đến ngàn sau! Đại Đức chết để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh thế nhân: Kẻ yêu chuộng và tôn thờ chân lý không bao giờ khuất phục trước bạo cường! Họ chấp nhận cái chết, tức là chấp nhận sự tranh đấu để bảo vệ chân lý đến cùng trước kẻ đang ở thế mạnh hơn. Tự chết để đấu tranh là sự tranh đấu cao nhất của kẻ bị áp bức đã mất hết mọi quyền tự do, nên Đại Đức tự nguyện chết để khai mở cho tình người sớm được hồi sinh nơi những tâm hồn đã trơ lì bởi tham vọng và tự ngã. Ngọn lửa oai linh thiêu đốt phàm thân của Đại Đức cũng đồng thời để thức tỉnh lương tri nhân loại đối với những ai chưa được tỏ tường về thực trạng bất công đang ngày đêm xảy ra trên đất Việt, hay với những ai vẫn còn vô cảm, dững dưng trước khổ đau cùng cực của đồng loại, của Phật Giáo Đồ.

Nhận được hung tin thêm một ngọn đuốc người được đốt lên để cứu nguy Đạo pháp của người Học tăng trẻ tuổi Thanh Tuệ tại đất Cố đô – chính nơi khởi phát cuộc Pháp Nạn bởi 8 cái chết bi thương đầu tiên ngay trong đêm lễ Phật Đản vừa qua chưa lâu – Thiền sư Nhất Hạnh bật ra tiếng kêu thương (hay là lời truy tán!) người Học tăng giờ đây đã trở thành vị Thánh Tăng tử đạo:

Lửa cháy Em tôi!
Lửa đốt cháy lòng tôi!
Đau thế gian ngã gục
Người học Tăng bé nhỏ.
Em đốt tuổi xanh thành lửa đỏ
Cháy ngất trời cao
Ngọn đuốc rực về sông núi âm u.
Ôi, thịt xương Em!
Cho tôi quỳ ngàn năm, trên đống tro yêu quý
Luyện phép linh thiêng
Biến Em thành hoa hồng trở lại.
Những đóa sen búp đầu mùa
Chưa kịp hái, chưa từng nở thấy ánh thiều quang.
Tôi nghe rồi Em mưa gió phũ phàng!
Tôi nghe rồi Em từng tế bào rưng rưng trong cơ thể!
Tôi nghe rồi tiếng gọi Em vang!
Không ai quên đâu, địa ngục hay thiên đàng
Đều ngó về Em, tim thế gian ngừng đập
Trời đất nhìn nhau – Trời cao hay thấp?
Tên Em viết bằng chữ trăng sao.
Lửa cháy Em tôi, ôi là xương là thịt!
Em có đau không?
Nước mắt tôi không đủ
Để rưới lên mát dịu hồn Em bé nhỏ thương đau.
Tôi còn đây thương tích nặng nề
Mang nguyện lớn chuyển trao về thế hệ
Tôi còn đây, chúng tôi hứa không bao giờ phản bội.
Em nghe không? Không bao giờ phản bội
Vì trái tim Em đã hóa trái tim tôi!

“LỬA ĐỐT EM TÔI” – Tâm Quán (một bút danh của Thiền sư Nhất Hạnh).

Trước những cái chết uy dũng như thế của hàng đệ tử Phật, tờ báo Le Monde của Pháp trong số ra ngày 12.6.1963, sau khi Hòa Thượng Quảng Đức vị pháp thiêu thân, đã nhận định về sự tự thiêu của các Thánh Tử Đạo Phật Giáo Việt Nam: “Tự sát để đấu tranh, kẻ táo bạo nhất cũng phải lùi bước”.

Ngọn lửa tự thiêu thứ ba của Đại Đức Thích Thanh Tuệ trong Pháp Nạn Phật Giáo lúc bấy là một sự kiện rất đặc biệt. “Thầy Thanh Tuệ tự thiêu đã làm rúng động lương tâm nước Mỹ và thế giới, nhất là những người trẻ; và đặc biệt là Chính phủ Kennedy…, …đánh động đến cả tổ chức Liên Hiệp Quốc. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc thời bấy giờ là ông U Thant đã bắt đầu chú ý đến công cuộc tranh đấu của Phật Giáo Đồ Việt Nam đối với Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm” (lời HT. Trí Quang).

Hai hôm sau ngày Đại Đức Thanh Tuệ tự thiêu, vào ngày 15/8/1963, bấy giờ thì không còn là chỉ Tăng Ni, Cư sĩ, Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật Giáo… nữa, mà có tới khoảng 1.000 Sinh viên và Học sinh đã tập hợp cùng nhau biểu tình ở thành phố Huế đòi hỏi chính quyền phải trả lại di thể của Cố Đại Đức Thích Thanh Tuệ về chùa, đồng thời phản đối vụ đàn áp hai hôm rồi trước chùa Phước Duyên cũng như vụ tấn công đoàn rước di thể khi đi qua đoạn chùa Linh Mụ nhằm cướp nhục thân Đại Đức.

Một bức ảnh được đăng tải rộng rãi trên các báo chí Mỹ ngày 16-8-1963 với chú thích: “Thanh niên Hướng đạo Phật tử ngồi cầu nguyện trước trụ sở Tỉnh Hội ngày 14-8. Họ phản đối chính quyền di dời thi thể tu sĩ Thich Thanh Thuc tự thiêu hôm 13-8…”
Ở đây có sự nhầm lẫn của Biên tập viên Thông Tấn Xã UPI trong chú thích ảnh: Đúng ra là Thich Thanh Tue (Thích Thanh Tuệ) thay vì “Thich Thanh Thuc”, và Gia Đình Phật Tử thay vì “Thanh Niên Hướng Đạo Phật Tử” (Young Buddhist Boy Scouts).

Tuy nhiên, vẫn bất chấp những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của Phật Giáo Đồ và quảng đại quần chúng suốt mấy ngày và ở nhiều nơi, di thể Cố Đại Đức Thanh Tuệ vẫn không được nhà đương cuộc Huế giao trả lại cho Phật Giáo để tổ chức tang sự theo pháp lễ.

Những kẻ bạo ngược không hiểu rằng, đối với quan niệm của Phật Giáo, đến mạng sống quý giá để tu học và hành đạo, giúp đời mà đến khi cần hy sinh để cúng dường Phật pháp và bảo vệ giống nòi dân tộc, bảo vệ giá trị tín ngưỡng, người Phật Tử còn dám hy sinh, há còn sá gì tấm phàm thân xác thịt tứ đại vô thường? Tuy họ có thể cướp mất đi di thể của Đại Đức Thanh Tuệ – hay của bất kỳ vị Tăng Ni tử đạo nào khác như đã làm hay sẽ làm – nhưng họ không đời nào cướp được chí nguyện cao cả “Vị pháp thiêu thân – Vị quốc vong thân” của Đại Đức! Họ không đời nào cướp mất được lòng tôn kính, ngưỡng mộ của Tăng Ni, Tín đồ Phật Tử và của cả những người không chung cùng tín ngưỡng trong cộng đồng nhân loại! Họ không đời nào xóa nhòa được ý chí, nguyện lực hy sinh vì nhân loại và cho đại cuộc một cách trí dũng, kiêu hùng của Chư Tăng Ni, Cư sĩ THÁNH TỬ VÌ ĐẠO trong dòng Phật sử và Việt sử!

(Về sau đã biết là nhà chức trách lúc bấy giờ đã cấp tốc bí mật đưa nhục thân Đại Đức Thanh Tuệ về chôn giấu nơi quê nhà của Thầy. Mãi đến năm 1990, khi nhân duyên thuận hợp, Chư Tăng và Phật Tử chùa Phước Duyên cùng thân quyến của Thầy mới cải táng mộ phần, cung nghinh di cốt của Thánh Tử Đạo Thích Thanh Tuệ về an trí vào bảo tháp Thanh Tuệ được xây dựng phía trước Tăng già lam Phước Duyên, thành phố Huế).

Bảo tháp Thanh Tuệ tại chùa Phước Duyên hiện nay.

Tấm bia tưởng niệm được đặt dưới chân tháp Thanh Tuệ.

Nam Mô Việt Nam Phật Giáo Vị Pháp Thiêu Thân Húy Thượng Quảng Hạ Trí Tự Thanh Tuệ Thánh Tử Đạo Giác Linh.

oOo

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo – Sa-môn Thích Thiện Hoa.
– Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang (Thiền sư Nhất Hạnh).
– Tiểu sử Thánh Tử Đạo: Đại Đức Thích Thanh Tuệ – Thư Viện GĐPT.

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.