Pháp Nạn 1963: Thành lập Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo

0

CÁC SỰ KIỆN GẦN – TRƯỚC NGÀY HÌNH THÀNH UỶ BAN LIÊN PHÁI

– Ngày 17.5.1963, tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn, Phật Giáo tổ chức một cuộc trưng bày các hình ảnh “biến cố Đài phát thanh Huế” trong đêm Phật Đản PL. 2507 khiến 8 thiếu niên Phật Tử bị thảm sát.

– Ngày 20.5.1963, Phật Giáo gửi đến Chính phủ một tài liệu 45 trang trong đó liệt kê những vụ đàn áp, bắt bớ và thủ tiêu Phật Tử trong cả nước.

– Ngày 21.5.1963, khắp nơi trên toàn quốc tổ chức Lễ Cầu Siêu cho các nạn nhân Phật Tử tại Huế. Tại Sài Gòn, khoảng 1.000 Tăng Ni tập trung tại chùa Ấn Quang để hành lễ, sau đó tuần hành rước Linh vị các nạn nhân về chùa Xá Lợi. Cùng lúc đó, một đoàn tuần hành khác gồm 350 Tăng Ni diễn hành từ chùa Xá Lợi đến trụ sở Quốc Hội.

– Ngày 25.5.1963, một bản Phụ Trương của bản Phụ Đính bản Tuyên Ngôn ngày 10/5/1963 được công bố. Mục đích của văn kiện Phụ Trương này là nhắc lại vai trò lập quốc và xây dựng nền văn hóa quốc gia trong quá trình lịch sử dân tộc của Phật Giáo và minh định lập trường tranh đấu của Phật Giáo cho công bằng xã hội.

(Tóm tắt lại nội dung Bản Tuyên Ngôn – công bố ngày 10.5.1963):

1. Yêu cầu Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật Giáo.
2. Yêu cầu Phật Giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo Dụ số 10.
3. Yêu cầu Chính Phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật Giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng, Tín Đồ Phật Giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5.- Yêu cầu Chính Phủ bồi thường một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.

(Tóm tắt lại nội dung Phụ Đính bản Tuyên Ngôn – công bố ngày 23.5.1963):

1. Phật Giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ Chính Phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự thay đổi chính sách của Chính Phủ.
2. Phật Giáo Việt Nam không có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù. Đối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không phải là Thiên Chúa Giáo mà là chính sách bất công tôn giáo.
3. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo Đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội.
4. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo Đồ được thực hiện theo đường lối Bất Bạo Động.
5. Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội.

oOo

THÀNH LẬP UỶ BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO

Cùng trong ngày 25.5.1963, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam – triệu tập một cuộc họp mặt giữa các Tập đoàn thuộc Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và đại diện các Giáo phái, Hội đoàn Bắc, Nam Tông, gồm cả Phật Giáo Hoa, Miên như Phật Giáo Nguyên Thủy, Thiền Tịnh Đạo Tràng, Theravada… để thảo luận về kế hoạch vận động, tranh đấu đòi hỏi thực thi 5 Nguyện Vọng của Phật Giáo. Trong cuộc họp này, một Ủy Ban được thành lập có tên là “Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo” để lãnh đạo công cuộc vận động của Phật Giáo Đồ. Thành phần của Ủy Ban gồm:

1. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.
2. Hòa Thượng Thích Minh Trực, Pháp chủ Giáo Hội Thiền Tịnh Đạo Tràng.
3. Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Việt Nam.
4. Hòa Thượng Thích Thanh Thái, Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt (tại Miền Nam).
5. Hòa Thượng Bửu Chơn, Tăng thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
6. Lục Cả Lâm Em, Tăng trưởng Giáo Hội Théravada.
7. Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Phó hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
8. Cư sỹ Nguyễn Văn Hiếu, Hội trưởng Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
9. Cư sỹ Vũ Bảo Vinh, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật Giáo (Hội Phật Giáo Bắc Việt tại Miền Nam).
10. Cư sỹ Sơn Thái Nguyên, Đại diện Phật Tử Théravada (Phật Tử người Việt gốc Miên).
11. Cư sỹ Mai ThọTruyền, Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt.

Chủ tịch Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo do Thượng Toạ Thích Tâm Châu đảm nhiệm và trực thuộc quyền lãnh đạo tối cao của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết.

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo hình thành, tiếng nói của Uỷ Ban từ đây là tiếng nói thống nhất của Phật Giáo Việt Nam, tiếng nói chính thức của Tăng Ni – Tín Đồ Phật Giáo toàn quốc trong suốt mùa Pháp Nạn. Sự thống nhất ý chí và lực lượng của Phật Giáo Đồ Việt Nam mà lâu nay tất cả mọi người mong mỏi đã được thực hiện với một cuộc hội họp của 10 Giáo phái và chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, tại một hoàn cảnh cực kỳ nguy biến của Phật Giáo giữa cơn Pháp Nạn.

Ngay sau khi thành lập, đại diện các Giáo phái có mặt tại chùa Xá Lợi ngày 25.5.1963 công bố một bản tuyên ngôn ngắn gọn tỏ bày quyết tâm đoàn kết, triệt để ủng hộ 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ toàn quốc, nguyện cùng với Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tranh đấu bất bạo động cho 5 nguyện vọng đạt kết quả viên mãn. Bản Tuyên Ngôn viết:

  • Sau khi thông cảm những khó khăn, chướng ngại mà Phật Giáo Việt Nam phải gặp, nhất là ở miền Trung, trong mấy năm sau này.
  • Sau khi nhận chân tinh thần và ý chí “BẢN TUYÊN NGÔN” của Tăng, Tín Đồ Phật Giáo đã đọc trong cuộc meeting tại chùa Từ Đàm – Huế ngày 10-5-1963.

ĐỒNG LÒNG:

– Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật Giáo Việt Nam đã ghi trong bản TUYÊN NGÔN nói trên.

– Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy.

Bản Tuyên Ngôn mang đầy đủ 11 ấn ký của các vị lãnh đạo cao cấp nhất các Giáo phái, Tông môn đã ký tên thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

Sáng ngày hôm sau, 26.5.1963, một phái đoàn Phật Giáo đến Tổng Thống Phủ đệ trình Bản Phụ Đính của Tuyên Ngôn 10.5.1963 và thông báo cho Chính phủ biết rằng: Theo lệnh của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, các cấp Tăng, Ni trên toàn quốc sẽ bắt đầu tuyệt thực trong 48 tiếng đồng hồ kể từ 14 giờ ngày 30.5.1963 để đòi hỏi chính quyền thỏa mãn 5 Nguyện Vọng của Phật Giáo.

oOo

CHÍNH PHỦ THÀNH LẬP UỶ BAN LIÊN BỘ

Ngày 4.6.1963, Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập một Ủy Ban Liên Bộ “để nghiên cứu giải quyết những nguyện vọng của Phật Giáo” do Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu. Thành phần Ủy Ban Liên Bộ gồm:

– Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó tổng thống.
– Ông Trần Văn Lương, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ.
– Ông Nguyển Đình Thuần, Bộ trưởng Phủ Tổng Thống.

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã chấp nhận cộng tác với Ủy Ban Liên Bộ của Chính phủ. Một phái đoàn hỗn hợp của hai bên được gởi ra Huế để giải tỏa các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Báo Quốc, Diệu Đế… đang bị chính quyền phong tỏa; đồng thời kêu gọi Phật Tử trở về sinh hoạt bình thường, kiên nhẫn chờ đợi hành động của chính quyền.

Tuy nhiên, sự lắng dịu tình hình chỉ kéo dài chưa được một tuần lễ. Nhận thấy rằng việc đối thoại với Ủy Ban Liên Bộ không đưa đến kết quả cụ thể, trong khi chính quyền vẫn âm thầm xiết chặt những biện pháp kiểm soát Phật Giáo, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra lệnh tiếp tục cuộc đấu tranh cho 5 Nguyện Vọng…

oOo

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI
(Tài liệu sưu tập chủ yếu từ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” của tác giả Nguyễn Lang và các hồ sơ Pháp Nạn liên quan khác).

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.