Các nhà khảo cổ đang khảo sát tại nơi Đức Phật đản sinh (hình trên) đã phát hiện những di vật cổ xưa nhất của Phật Giáo từ trước đến nay.
Họ đã tìm thấy một công trình bằng gỗ có niên đại vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên nằm dưới nền ngôi đền thờ Hoàng Hậu Maya Devi ở Lâm Tỳ Ni thuộc Nepal.
Công trinh gỗ này dường như để che cho một cái cây. Chi tiết này gợi nhớ đến câu chuyện đản sinh của Đức Phật – thân mẫu Ngài, Hoàng Hậu Maya, đã hạ sinh Ngài khi với tay lên một nhánh cây Vô Ưu.
“Chấm dứt tranh cãi“
Phát hiện này có thể giúp chấm dứt các tranh cãi về nơi đản sinh của Đức Phật – các nhà khảo cổ cho biết trong tạp chí Antiquity.
Hàng năm hàng ngàn Phật Tử hành hương về Lâm Tỳ Ni vốn lâu nay vẫn được xem là nơi Thái Tử Siddhartha Gautama – người sau này trở thành Phật Thích Ca – chào đời.
Mặc dù có rất nhiều kinh văn để lại kể về cuộc đời cũng như ghi lại những bài thuyết pháp của Ngài, mọi người vẫn không biết chắc nơi Ngài đã từng sống.
Năm sinh của Ngài được cho là đến tận năm 623 trước công nguyên, nhưng nhiều học giả tin rằng năm chào đời của Ngài hợp lý nhất là trong khoảng 390 cho đến 340 trước công nguyên.
Cho đến nay, bằng chứng sớm nhất về các công trình Phật Giáo ở Lâm Tỳ Ni có niên đại không sớm hơn thế kỷ thứ III trước công nguyên, tức thời kỳ trị vì của Hoàng Đế Ashoka mà các Phật Tử Việt Nam gọi là Vua A Dục.
Để tìm hiểu về điều này, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật ở trung tâm đền Maya Devi trong khi Chư Tăng Ni và các Phật Tử đang hành thiền xung quanh. Họ tìm thấy một công trình bằng gỗ rỗng ở chính giữa và không có mái. Các ngôi đền bằng gạch được xây dựng sau này cũng đều được xây bao quanh không gian trung tâm này.
Dấu vết rễ cây
“Giờ đây, lần đầu tiên chúng ta đã có được một chuỗi kiến trúc ở Lâm Tỳ Ni cho thấy có một công trình ở đây vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên”, nhà khảo cổ Robin Coningham ở Đại Học Durham, người đồng chỉ đạo nhóm khảo cổ quốc tế do Hội Địa Lý Quốc Gia Hỗ Trợ, cho biết.
“Đây là thánh tích Phật Giáo cổ xưa nhất trên thế giới”, ông nói.
“Nó soi rọi cuộc tranh luận kéo dài rất lâu vốn đưa đến những khác biệt trong các pháp môn Phật Giáo”, ông nói thêm. “Câu chuyện rằng Lâm Tỳ Ni đã trở thành thánh tích dưới thời của Hoàng Đế Ashoka cần được chỉnh lại bởi vì chúng ta đã biết rõ rằng trước đó nơi này đã được trùng tu trong suốt hàng trăm năm.”
Cuộc khảo cổ cũng phát hiện dấu vết của rễ cây từ xa xưa nằm ở vị trí khoảng trống trung tâm trong ngôi nhà gỗ – điều này cho thấy đây là công trình tôn thờ chiếc cây này.
Các điển tích Phật Giáo ghi lại rằng Hoàng Hậu Maya Devi đã hạ sinh Đức Phật khi với tay lên một nhánh cây Vô Ưu trong Vườn Lâm Tỳ Ni.
Phát hiện này sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn ở Lâm Tỳ Ni vốn lâu nay không được lưu tâm mặc dù đã được UNESCO công nhận là “Di sản thế giới”.
“Những phát hiện này rất quan trọng để giúp hiểu thêm về nơi đản sinh của Đức Phật”, Bộ Trưởng Văn Hóa – Du Lịch Và Hàng Không Dân Dụng Nepal, ông Ram Kumar Shrestha nói. “Chính phủ Nepal sẽ tập trung mọi nỗ lực để bảo tồn thánh tích quan trọng này.”
Nguồn: B.B.C – 26/11/2013