Cơ cấu tổ chức Hướng Đạo Thế Giới & Hướng Đạo Việt Nam

TVGĐPTCác quy định trong tài liệu dưới đây áp dụng từ năm 1967 và vài tu chính năm 1970, được thông qua trong các Đại Hội Đồng thường niên Hướng Đạo Việt Nam; và do chúng tôi lược trích trong tập “Hướng Đạo hạng Nhất” của Trưởng Trương Trọng Trác – Tên rừng: Hươu Nhanh – phát hành năm 1970. Đến nay (2024), qua những Hội Nghị của Hướng Đạo Thế Giới và sau khi tổ chức Hướng Đạo mới được khôi phục tại Việt Nam thời gian gần đây, cơ cấu tổ chức và một số quy định, ước định có thể đã được tu chỉnh, nhật tu (ví dụ như cấp Châu trong cơ cấu hệ thống tổ chức của Hướng Đạo Việt Nam, …, v.v…), Quý bạn đọc cần nghiên cứu về Hướng Đạo hãy cập nhật các thay đổi theo từng thời điểm.

oOo

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI

Tổ chức của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới gồm ‘Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới’, ‘Hội Đồng Hướng Đạo Thế Giới’ và ‘Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới’, giống như những tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới (World Scout Conference) mỗi 2 năm họp một lần như phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Hội Đồng Hướng Đạo Thế Giới (World Scout Committee) – Tiểu ban chấp hành của Hội Nghị trên – giống như Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng này mỗi năm họp một lần.

Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới (World Scout Bureau) giống như Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Những nhân viên của Văn Phòng đều ăn lương để có đủ thời giờ lo điều hành hoạt động của Phong trào trên khắp nơi. Văn phòng gồm 1 Giám đốc và nhiều Ủy viên.

– Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới qua sự cộng tác chung nhắm mục đích khuyến khich, tăng tiến sự thống nhất ý tưởng và thông cảm trong những nguyên tắc căn bản của phong trào Hướng Đạo trên toàn thế giới. Mặt khác, Hội Nghị còn nhằm giúp đỡ sự phát triển của Phong trào trên mọi vùng của thế giới. Cho đến nay hơn 100 quốc gia là Hội viên của Phong trào có Đại điện tại Hội Nghị. Một điều cần lưu ý là ở những nước Cộng sản không có Phong trào Hướng Đạo.[*]

– Hội Đồng Hướng Đạo Thế Giới gồm 12 nhân viên thuộc 12 quốc gia khác nhau. 1/3 nhân viên của Hội Đồng sẽ từ chức sau mỗi 5 năm. Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới có nhiệm vụ bầu những nhân viên mới cho Hội Đồng Hướng Đạo Thế Giới.

– Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới khi mới thành lập đặt trụ sở ở Luân Đôn. Sau rời sang Gia Nã Đại và tọa lạc ở tòa nhà của Liên Hiệp Anh ở Trung tâm Ottawa (thủ đô của Gia Nã Đại); nhưng Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới họp tại Seattle (Hoa Kỳ) năm 1967 đã quyết định dời Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới về thủ đô Genève của Thụy Sĩ. Các địa chỉ và chỉ dẫn sau đây liên quan tới việc liên lạc với Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới:

– Văn phòng: 72 Đại lộ St. Georges, 1205 Geneva, Switzerland.
– Điện thoại: (022) 42 91 20.
– Điện tín đề (ghi): WORLDSCOUT – Geneva.
– Thư từ đề (ghi): Case Postale 280, X.2I1 Geneva, Switzerland.

Đại diện Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới khắp nơi trên thế giới là ‘VĂN PHÒNG HƯỚNG ĐẠO VÙNG’ đặt ở Mexico, Syrie, Nigeria và Phi Luật Tân (cho vùng Viễn Đông). Tổng số nhân viên của Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới gồm dưới 20 người, đủ mọi quốc tịch.

CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM

Hội Hướng Đạo Việt Nam thành lập với mục đích giáo dục thanh thiếu nhi trong toàn cõi Việt Nam về ba phương diện ĐỨC, TRÍ, HÀNH theo tôn chỉ và phương pháp Hướng Đạo dẫn giải trong ba cuốn sách căn bản của Cố huân tước Baden Powell xứ Giwell: sách Sói Con, Hướng Đạo Cho Trẻ Em, Đường Thành Công.

Sau kỳ Đại Hội Đồng Thường Niên 1967 sửa đổi Quy Trình của Hội, Hội Hướng Đạo Việt Nam được tổ chức như sau:

A. Hội Đồng Trung Ương

Hội Đồng Trung Ương là cơ quan lãnh đạo Phong trào Hướng Đạo Việt Nam, thi hành các quyết định của Đại Hội Đồng về chương trình hoạt động cũng như về việc xử dụng tài nguyên. Mỗi năm Hội Đồng Trung Ương trình bày ở Đại Hội Đồng hoạt động và các khoản chi thu tài chánh trong năm.

Thành phần Hội Đồng Trung Ương gồm có:

– Ban Thường Vụ.
– 1 hay 2 Phó Hội Trưởng.
– Bộ Tổng Ủy Viên.
– Ban Quản Trị.
– Ban Huấn Luyện.
– Đại Diện của mỗi tôn giáo và đại diện của mỗi văn phòng tôn giáo có trong Hội.
– Trưởng Ban Bảo Trợ Toàn Quốc.
– Và các Cố Vấn do Hội Đồng Trung Ương mời để tham khảo ý kiến.

B. Ban Thường Vụ

Ban Thường Vụ gồm có: Hội trưởng, Tổng ủy viên, Phó tổng ủy viên, Tổng thư ký và Trại trưởng.

Ban Thường Vụ thi hành các quyết nghị của Hội Đồng Trung Ương và báo cáo cho Hội Đồng Trung Ương những công việc đã được giải quyết.

Ban Thường Vụ họp ít nhất hai tháng một lần và các quyết định phải được chấp thuận bởi đa số Hội viên có mặt và chỉ có giá trị khi có ít nhất 3 Hội viên có mặt.

Hội trưởng, Tổng ủy viên, Phó tổng ủy viên, Tổng thư ký do Đại Hội Đồng bầu ra, nhiệm kỳ là 3 năm, nhưng mỗi năm Đại Hội Đồng có thể nêu vấn đề tín nhiệm, và nếu biểu quyết không tín nhiệm, Đại Hội Đồng sẽ bầu người thay thế.

Trại trưởng được cử và bổ nhiệm theo đúng thể lệ quốc tế.

C. Bộ Tổng Ùy Viên

Bộ Tổng Ủy Viên gồm có: Tổng ủy viên, Phó tổng ủy viên, Ủy viên Ngành Ấu, Ủy viên Ngành Thiếu, Ủy viên Ngành Kha, Ủy viên Ngành Tráng và Ủy viên Tu Thư – Báo chí – Cổ Động. Các Ủy viên do Tổng ủy viên chọn mời và phải được Ban Thường Vụ chấp thuận.

Bộ Tổng Ủy Viên tổ chức và phát triển Phong trào theo những quyết nghị của Hội Đồng Trung Ương, đại diện bởi Ban Thường Vụ.

Bộ Tổng Ủy Viên họp ít nhất mỗi tháng một lần và các quyết định có giá trị với tỷ số tối thiểu là phân nửa Ủy viên trong Bộ Tổng Ủy Viên.

Đại Hội Đồng có thể nêu vấn đề tín nhiệm các Ủy viên của Bộ Tổng Ủy Viên. Nếu Đại Hội Đồng biểu quyết không tín nhiệm một Ủy viên nào đó, Tổng ủy viên nào đó, Tổng ủy viên phải tìm người khác thay thế để Đại Hội Đồng chấp thuận. Nếu Tổng ủy viên không tìm người thay thế thì sự biểu quyết bất tín nhiệm của Đại Hộí Đồng đối với Ủy viên ấy sẽ đương nhiên được áp dụng cho Tổng ủy viên.

D. Ban Quản Trị

Ban Quản Trị gồm có: Tổng thư ký, Phó tổng thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên Giao Tế và Ủy viên Liên Lạc Quốc Tế. Nhân viên Ban Quản Trị do Tổng thư ký chọn mời và phải được Ban Thường Vụ chấp thuận.

Ban Quản Trị điều hành các vấn đề thuộc phạm vi hành chánh, tài chánh, giao tế, liên lạc cùng quản thủ tài sản của Hội theo những quyết định của Ban Thường Vụ.

Đại Hội Đồng có thể nêu vấn đề tín nhiệm các nhân viên của Ban Quản Trị. Nếu Đại Hội Đồng biểu quyết không tín nhiệm một nhân viên nào đó, Tổng thư ký phải tìm người thay thế để Đại Hội Đồng chấp thuận. Nếu Tổng thư ký không tìm người thay thế thì sự biểu quyết bất tín nhiệm của Đại Hội Đồng đối với nhân viên ấy sẽ đương nhiên được áp dụng cho Tổng thư ký.

E. Ban Huấn Luyện

Ban Huấn Luyện gồm có: Trại trưởng, Phó trưởng, các DCC và Akêla Leader lo việc huấn luyện Trưởng.

F. Các đơn vị Hướng Đạo

a) Ấu Đoàn, Thiếu Đoàn, Kha Đoàn và Tráng Đoàn.
b) Liên Đoàn.
c) Đạo.

– Ấu Sinh: Cũng gọi là Sói Con, là những tuổi từ 7 đến 11. Sói Con họp thành Đàn, do một Sói Con trong Đàn gọi là Sói Đầu Đàn hướng dẫn. Từ 2 đến 4 Đàn họp thành một Bầy, tức Ấu Đoàn, do Bầy trưởng hay Ấu trưởng điều khiển. Ấu trưởng có một hay nhiều Phó ấu trưởng (Phó bầy trưởng) giúp việc. Bầy trưởng và các Phó trưởng có thể là nam hay nữ.

– Thiếu Sinh: Cũng gọi là Hướng Đạo Sinh, từ 12 đến 15 tuổi. Từ 4 đến 8 Thiếu sinh họp thành một Đội do một Đội trưởng điều khiển. Một Thiếu Đoàn gồm từ 2 đến 4 Đội do một Thiếu trưởng điều khiển. Thiếu trưởng có 1 hay nhiều Phó thiếu trưởng phụ tá.

– Kha Sinh: Từ 16 đến 18 tuổi. Mỗi Tuần Kha gồm có từ 4 đến 6 Kha sinh do một Tuần trưởng điều khiển. Một Kha Đoàn gồm từ 3 đến 5 Tuần và do một Kha trưởng điều khiển với sự phụ tá của các Phó kha trưởng.

– Tráng Sinh: Từ 18 đến 25 tuổi. Tráng Đoàn chia làm nhiều Toán. Mỗi Toán gồm từ 5 tới 10 Tráng sinh do một Toán trưởng đứng đầu và số Tráng sinh tối đa của một Tráng Đoàn là 40. Tráng Đoàn do một Tráng trưởng điều khiển với sự phụ giúp của nhiều Phó tráng trưởng.

Các Trưởng thuộc cả 4 ngành Ấu, Thiếu, Kha, Tráng, trước khi được bổ nhiệm chính phải qua (và được Đạo trưởng đề nghị):

– Một khóa huấn luyện Dự Bị, rồi một khóa Bạch Mã.
– Một khóa huấn luyện Bằng Rừng tổ chức hàng năm tại Trại trường Quốc gia Đà Lạt.

– Liên Đoàn: Một Liên Đoàn có thể gồm có (ít nhất là 2 đơn vị):

– Hoặc là một Ấu Đoàn và một Thiếu Đoàn.
– Hoặc là một Thiếu Đoàn và một Kha Đoàn.
– Hoặc là một Ấu Đoàn, một Thiếu Đoàn và một Kha Đoàn.
– Hoặc là một Ấu Đoàn, một Thiếu Đoàn, một Kha Đoàn và Tráng Đoàn.

Mỗi Liên Đoàn do một Liên đoàn trưởng phụ trách và phối hợp các hoạt động.

– Đạo: Mỗi Đạo gồm ít nhất 2 Liên Đoàn và nhiều nhất 8 Liên Đoàn.

Đạo do Ủy viên Đạo trưởng và 1 hoặc 2 Ủy viên Phó đạo trưởng điều khiển và phối hợp các hoạt động.

oOo

CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM TỪ NĂM 1970
(Tu chính bởi Đại Hội Đồng 1970 tại Đà Nẵng)

Sau Đại Hội Đồng họp tại Đà Nẵng từ ngày 21 đến ngày 24-2-1970, cơ cấu tổ chức tại trung ương của Hội Hướng Đạo Việt Nam có vài thay đổi.

Tổ chức tại trung ương, Hội Hướng Đạo Việt Nam gồm các cơ quan:

  1. Hội Đồng Trung Ương.
  2. Hội Ban Chấp Hành Trung Ương (tức Ban Thường Vụ cũ).
  3. Bộ Tổng Ủy Viên.
  4. Ban Quản Trị.
  5. Ban Huấn Luyện.
  6. Bốn Tiểu Ban Tư Vấn của Đại Hội Đồng và Hội Đồng Trung Ương:
    – Tiểu ban Quy Trình.
    – Tiểu ban Tài Chánh.
    – Tiểu ban Nghiên Cứu Kế Hoạch.
    – Tiểu ban Họp Bạn và Hội Nghị Thế Giới.

Theo quy trình mới ở trên, Đại Hội Đồng sẽ 3 năm họp một lần (trước đây họp hàng năm) và việc phân nhiệm ở trung ương như sau:

  • Hội trưởng lãnh đạo tinh thần và không có quyền hành cũng như trách vụ. Vị Hội trưởng sẽ được mời (do Ban Chấp Hành Trung Ương) chứ không được bầu bởi Đại Hội Đồng như trước đây.
  • Ban Chấp Hành Trung Ương (gồm 8 vị) trực tiếp điều khiển phong trào. Đứng đầu là vị Chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương được bầu lên ở Đại Hội Đồng. Chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương điều hành mọi việc có tính cách chuyên môn và nội bộ Phong trào Hướng Đạo và quản trị mọi việc có tính cách hành chánh và tài chánh.
    (Trích biên bản Đại Hội Đồng 1970, phiên họp ngày 23-2-1970).

Thành phần các cơ quan trung ương:

A. Hội Đồng Trung Ương: Giống thành phần cũ, thêm một Ủy viên Kiểm Toán.

B. Ban Chấp Hành Trung Ương gồm:

– Chủ tịch.
– Phó chủ tịch.
– Tổng ủy viên.
– Tống thư ký.
– Ủy viên Huấn Luyện.
– Ủy viên Kiểm Toán.
– Trưởng ban Bảo Trợ.
– Trại trưởng.

C. Bộ Tổng Ủy VIên gồm:

– Tổng ủy viên
– Ủy viên ngành Tráng.
– Ủy viên ngành Kha.
– Ủy viên ngành Thiếu.
– Ủy viên ngành Ấu.
– Ủy viên Liên Lạc Cựu Hướng Đạo.
– Ủy viên Liên Lạc Quốc Tế.
– Ủy viên Quảng Bá.
– Ủy viên Lưu Động.

D. Ban Quản Trị gồm:

– Tổng thư ký.
– Phó tổng thư ký.
– Ủy viên Giao Tế.
– Ủy viên Thủ Quỷ.

E. Ban Huấn Luyện gồm:

– Ủy viên Huấn Luyện Quốc Gia (phụ trách các công việc hành chánh liên quan tới huấn luyện).
– Trại trưởng, các DCC, Akela Leader (AK.L).
– Các A. DCC và A. AK.L.

Đọc thêm:

CÁC LOẠI HUY HIỆU, CẤP HIỆU ĐIỀU KHIỂN VÀ CHUYÊN HIỆU CỦA HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM

Các Trưởng sau khi nhận được giấy bổ nhiệm của Bộ Tổng Ủy Viên mới được dùng cấp hiệu theo bảng huy hiệu dưới đây.

CẤP & CHỨC VỤ TÚM LÔNG TRÊN MŨ (NÓN) KHĂN QUÀNG TUA VAI

ĐƠN VỊ:

Bầy trưởng Vàng Màu đơn vị Vàng
Phó bầy trưởng Vàng có vạch nâu ở giữa Màu đơn vị Vàng có 1 miếng vải nâu ở trên
Thiếu trưởng Xanh lục Màu đơn vị Xanh lục
Phó thiếu trưởng Xanh lục có vạch nâu ở giữa Màu đơn vị Xanh lục có 1 miếng vải nâu ờ trên
Kha trưởng Chưa ấn định
Phó kha trưởng
Tráng trưởng Đỏ Màu đơn vị Đỏ
Phó tráng trưởng Đỏ có vạch nâu ở giữa Màu đơn vị Đỏ có 1 miếng vải nâu ở trên
Liên đoàn trưởng Cam Màu liên đơn vị Cam
Liên đoàn phó Cam có vạch nâu ở giữa Màu liên đơn vị Cam có 1 miếng vải nâu ở trên

ĐẠO:

Đạo trưởng Tím Mầu xám viền tím Tím
Phó đạo trưởng Tím thêm vạch nâu ở giữa Mầu xám viền tím Tím có 1 miếng vải nâu ở trên

CHÂU:

Ủy viên Châu trưởng Xanh biển Xám viền xanh biển Xanh biển

BỘ TỔNG ỦY VIÊN:

Tổng ủy viên 3 màu Hướng Đạo Xám viền 3 màu HĐ
Nhân viên Bộ Tổng Ủy Viên và Ban Quản Trị Trắng Xám viền 3 màu HĐ

Các “Tráng sinh Lên Đường” đeo tua vai ba màu Hướng Đạo, cầm gậy nạng và trên mũ có gắn 2 chữ RS bằng kim khí.

a) Phân biệt chức vụ trong các đơn vị:

– Đầu đàn Nhất: 3 băng vàng quanh ống tay áo bên trái.
– Đầu đàn: 2 băng vàng quanh ống tay áo bên trái.
– Thứ đàn: 1 băng vàng quanh ống tay áo bên trái.
– Đội trưởng I: 3 băng trắng trên túi áo trái.
– Đội trưởng: 2 băng trắng trên túi áo trái.
– Đội phó: 1 băng trắng trên túi áo trái.
– Toán trưởng: 2 vạch đỏ trên tay áo trái.
– Toán phó: 1 vạch đỏ trên tay áo trái.

b) Huy hiệu thâm niên

Kể từ ngày tuyên lời hứa: Mỗi năm đeo một sao sáu cánh trên nền màu của Ngành, đeo ở trên túi áo bên trái.

c) Huy hiệu chuyên môn:

Một Hướng Đạo Sinh được mang chuyên hiệu khi đã qua xong đẳng thứ Hướng Đạo hạng Nhì. Các huy hiệu chuyên môn hình tròn, đeo ở tay áo bên phải theo thứ tự trước sau, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Đặc biệt chuyên hiệu “Cứu thương” được mang vào cả 2 tay áo và đính trên tất cả các chuyên hiệu khác.

QUANG MAI
Sưu tầm.

[*] Tại thời điểm tác giả Trương Trọng Trác soạn thảo tài liệu “Hướng Đạo hạng Nhất” – (TVGĐPT).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.