Đại cương mục đích & Hệ thống tổ chức của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam

TVGĐPT – Trong chương trình nghị sự các phiên khoáng đại của Hội Nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 6/5/1951 đến ngày 10/5/1951[1] tại chùa Từ Đàm – Cố đô Huế, 51 Đại Biểu (chính thức) đã đồng thanh quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, công bố Bản Tuyên Ngôn thành lập Tổng Hội, thông qua bản Điều Lệ và Nội Quy của Hội, cùng nhiều Phật sự mang tính chất lịch sử khác…

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (1951-2021) – tiền thân của các Giáo Hội Phật Giáo hiện đại – Thư Viện GĐPT xin được cung cấp tóm lược mục đích và hệ thống tổ chức của Tổng Hội lúc bấy giờ để có thêm tư liệu tham khảo cho Chư Tôn Đức, Quý Độc Giả cùng anh chị em Lam Viên GĐPT. Tài liệu dưới đây được lược trích và nhật tu từ nguồn Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại và giữ nguyên cách hành văn trích từ biên bản Hội Nghị.

Danh hiệu chính thức:
TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM.

MỤC ĐÍCH

a) Thống nhất lực lượng, ý chí và hành động của Phật Tử Việt Nam.
b) Hướng dẫn Phật Tử Việt Nam theo đúng tinh thần Phật Pháp.
c) Đào tạo Tăng tài có đủ khả năng để hoằng dương Phật Pháp.
d) Sách lệ và hộ trì Tăng Ni nghiêm trì giới luật.
e) Tu tạo và bảo tồn các tu viện, các cơ quan văn hóa, xã hội, giáo dục của Phật Giáo.
f) Giao thiệp hay liên lạc với tất cả các tổ chức Phật Giáo trên thế giới nếu tổ chức ấy theo đúng chính pháp.

Muốn đạt được những mục đích kể trên, Hội sẽ thực hiện những điều sau:

1) Bỏ dần những bản vị có thể chướng ngại cho công cuộc thống nhất Phật Giáo.
2) Triệt để tôn trọng uy quyền Viện Tăng Thống để giữ quyền tối cao thực hiện quy chế Phật Giáo Việt Nam.
3) Liên kết các hội trí thức để thiết lập những cơ quan nghiên cứu, dịch giải kinh điển ra quốc ngữ, san định lại những bản đã dịch rồi, thanh minh những bản xuyên tạc sai giáo lý.
4) Thiết lập và chỉnh đốn các Đạo tràng theo chương trình tu học sâu rộng và duy nhất.
5) Khuyếch trương các ngành văn hóa Phật Giáo.
6) Thiết lập và bảo tồn các trường học tư thục, các cơ sở cứu tế xã hội của Phật Giáo.
7) Tổ chức các đoàn thể thanh, thiếu niên, đồng niên nam nữ Phật Tử sống theo tinh thần Phật Giáo.
8) Hội hữu hóa những cơ sở hiện hữu để thiết lập các cơ quan truyền bá của Hội.
9) Bài trừ, gạt bỏ tất cả những gì không phải của Phật Giáo mà bên ngoài đã pha trộn vào như mê tín dị đoan, v.v…

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Hệ thống tổ chức của Hội:

I/ Viện Tăng Thống: Giữ quyền tối cao về Đạo Pháp. Viện này gồm có: Đức Tăng Thống, một vị tôn túc làm Viện Phó, vị tôn túc Trị Sự các văn phòng, vị tôn túc Chưởng Lý các văn phòng chuyên môn.

Viện có 7 Văn Phòng như sau:

  1. Trị Sự.
  2. Nghi Lễ.
  3. Duyệt Tạng.
  4. Giáo Thụ.
  5. Đạo Hạnh.
  6. Giám Luật.
  7. Giao Thiệp.

II/ Hội Đồng Quản Trị Trung Ương: Cơ quan liên hiệp cả hai giới xuất gia và tại gia, tập trung nguyện vọng của toàn thể Phật Tử, thảo luận và quyết nghị tất cả các công việc Hội trước khi đem thi hành.

III/ Tổng Trị Sự của hai giới Tăng sỹ và Cư sỹ: Trực tiếp điều khiển các cấp Trị Sự thi hành nghị quyết của Hội Đồng Trung Ương.

Hội Đồng Trung Ương gồm có một Hội Chủ, một Tổng Thư Ký, hai Phó Thư Ký, một Thủ Quỹ, hai Phó Thủ Quỹ, một Kiểm Lý Ngân Sách, cùng các Ủy Viên. Mỗi Ủy Viên đứng đầu một chuyên ban. Ban Tổng Trị Sự cùng các Ủy Viên đều do Ban Trị Sự Đại Hội Đồng bầu ra, làm việc trong một nhiệm kỳ ba năm. Những người có năng lực và tín nhiệm vẫn được tái cử.

Dưới đây là danh sách Ban Trị Sự Trung Ương khóa đầu tiên:

  • Hội Chủ: Hòa Thượng Tịnh Khiết.
  • Phó Hội Chủ:
    • Thượng Tọa Trí Hải.
    • Ông Lê Văn Định.
  • Tổng Thư Ký: Ông Tráng Đinh.
  • Phó Thư Ký:
    • Thầy Định Trí.
    • Ông Tống Hồ Cầm.
  • Thủ Quỹ: Ông Lê Mộng Tùng.
  • Kiểm Lý Ngân Sách: Ông Phạm Văn Phúc.
  • Ủy Viên Hoằng Pháp kiêm Duyệt Giáo Lý: Thầy Trí Quang.
  • Ủy Viên Nghi Lễ: Thượng Tọa Tố Liên.
  • Ủy Viên Giáo Dục: Thầy Thiện Hòa.
  • Ủy Viên Tài Chính: Ông Lê Toại.
  • Ủy Viên Thanh Niên: Ông Võ Đình Cường.
  • Ủy Viên Văn – Mỹ – Nghệ: Ông Nguyễn Hữu Ba.
  • Ủy Viên Cổ Động – Tổ Chức: Ông Nguyễn Đóa.
  • Ủy Viên Cứu Tế Xã Hội: Ông Phạm Văn Vi.
  • Ủy Viên Dự Khuyết:
    • Ông Tôn Thất Tùng.
    • Ông Nguyễn Hữu Huỳnh.
    • Ông Đỗ Đình Oánh.

Danh sách Ban Chứng Minh Đạo Sư (Ban này được Hội thỉnh và suy tôn vĩnh viễn):

  • Hòa Thượng Thích Mật Ứng – Bắc Việt.
  • Hòa Thượng Thích Tuệ Tạng – Bắc Việt.
  • Hòa Thượng Thích Giác Nhiên – Trung Việt.
  • Hòa Thượng Thích Giác Nguyên – Trung Việt.
  • Hòa Thượng Thích Tuệ Chân – Nam Việt.
  • Hòa Thượng Thích Đạt Thanh – Nam Việt.

Các Hội Viên trong Hội gồm có:

  • Sáng Lập Hội Viên: Đại biểu của sáu Tập đoàn đã dự hội nghị này từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 5 năm 1951 tại chùa Từ Đàm – Huế, đã ký tên trong bản Điều Lệ và Nội Quy này.
  • Danh Dự Hội Viên: là những vị của sáu Tập đoàn đã sáng lập thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
  • Tăng Già Hội Viên: là những vị xuất gia chân chính.
  • Ân Nghĩa Hội Viên (Công đức hội viên): là những vị đã cúng bất động sản để làm cơ sở cho Tổng Hội hay một trong sáu Tập đoàn trong Tổng Hội.
  • Tán Trợ Hội Viên: Những vị đã cúng vào Tổng Hội số tiền hay vật gì đáng giá từ 500 đồng trở lên.
  • Thực Hành Hội Viên (Chủ trì): Những người tại gia đã quy y Tam Bảo, đóng tiền nhập Hội và làm việc cho Hội để thực hành Phật sự.
  • Thiện Tín Hội Viên: Những người có tín tâm đối với Phật Pháp mà không đóng góp gì, chỉ đi lại lễ bái, nghe diễn giảng mà thôi.
  • Tùy Hỷ Hội Viên: Những thanh thiếu niên Phật Tử kể cả nam nữ từ 20 tuổi trở xuống, vào Hội để theo học Phật Pháp mà không phải đóng tiền.

———=oOo=———

[1] Rất nhiều tài liệu ghi Hội Nghị khai mạc ngày 6/5/1951, bế mạc ngày 9/5/1951, và cũng có tài liệu ghi rõ Hội Nghị bế mạc vào lúc 18g30′ ngày 9/5/1951; nhưng vì Bản Quyết Nghị công bố khi kết thúc Hội Nghị, trong phần mở đầu đã ghi rằng “…Hội họp tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) ngày 1, 2, 3, 4, 5 tháng 4 Phật lịch 2495, tức là ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng 5 năm 1951…” nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm ghi theo Bản Quyết Nghị của Hội Nghị trong mọi bài viết của Thư Viện GĐPT.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.