Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ nhất – 1950 (lược trích)

Thượng Toạ Thích Tố Liên – Trưởng Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam
diễn thuyết tại Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ nhất – 1950.

TVGĐPT – Sự kiện thống nhất Phật Giáo Việt Nam cũng như thống nhất Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại thời điểm năm 1951 với 2 Đại Hội (đều là lần thứ Nhất) được tổ chức liền kề nhau (và đều tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm ở Cố đô Huế): Hội Nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam khai mạc ngày 6/5/1951; Đại Hội Thống Nhất Gia Đình Phật Tử khai mạc ngày 24/4/1951, là kết quả quý giá sau giai đoạn hình thành các Tập đoàn Phật Giáo tại Việt Nam cũng như các tổ chức tiền thân Gia Đình Phật Tử Việt Nam, khởi nguyên từ Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo do Đại Hư Thái Sư kêu gọi, đã tác động mãnh liệt vào Phật Giáo không chỉ tại Trung Hoa mà còn lan rộng và ảnh hưởng lớn lao tới Việt Nam và các quốc gia theo Phật Giáo khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á và phụ cận châu Á.

Như đã thưa trong những bài trước về việc sưu tập và cung cấp tài liệu cho Quý Độc Giả của Thư Viện GĐPT tham khảo trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, thống nhất Phật Giáo Việt Nam lần đầu tiên, công bố Giáo kỳ, Giáo ca Phật Giáo Việt Nam; và 70 năm danh xưng chính thức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (1951-2021), bài này chúng tôi xin cung cấp vài thông tin liên quan đến một sự kiện cũng liên quan mật thiết đến những điểm mốc lịch sử trình bày trên, đó là những thông tin tóm lược về ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN THỨ NHẤT – NĂM 1950 tại thủ đô Colombo, Sri Lanka (Tích Lan). Tưởng không cần nhắc lại rằng chính Đại Hội quốc tế lần đầu tiên của Phật Giáo thế giới này (do Phật Giáo Tích Lan chiêu tập) cũng là Đại Hội “Thống Nhất” các Giáo Hội Phật Giáo trên thế giới vào một cơ cấu mang tính chất quốc tế, Đại Hội này cũng đã biểu quyết, thông qua và công bố lá Phật Giáo kỳ thế giới vốn có nguồn gốc là cờ Phật Giáo Tích Lan.

Tài liệu dưới đây chúng tôi trích trong tập “Ký Sự Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam Đi Ấn Độ Và Tích Lan” của Cố Hòa Thượng Thích Tố Liên (1903-1977 – hình trên), là Trưởng Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ nhất gồm có 3 Đại Biểu. Do là ký sự nên khá dài, (gồm có 19 phần) chúng tôi chỉ lược trích những nội dung xét thấy cần thiết nhất, chú thích các phần trích trong [ngoặc vuông] và dĩ nhiên vì tôn trọng nguyên bản của tác giả, chúng tôi giữ nguyên văn phạm và chính tả lúc bấy giờ, không dám mạo muội sửa chửa, trừ một vài chỗ có lỗi đánh máy.

Di ảnh Cố Hòa Thượng Thích Tố Liên.

Lược trích

KÝ SỰ PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
ĐI ẤN DỘ VÀ TÍCH LAN

[PHẦN 1] DỰ HỘI NGHỊ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

10 giờ đêm ngày 23 tháng 5 năm 1950, chúng tôi ở chùa Đại Bồ Đề (Calcutta) ra trường bay Calcutta đã gặp một số cả chư Tăng và thiện tín là mấy Phái đoàn Phật giáo các nước đi họp Hội nghị Phật giáo Quốc tế ở Thủ đô Tích Lan. Đi dọc đường máy bay phải đổ hai lần: Một lần đổ ở tỉnh Madras để chờ máy bay khác đến đón, lần này đỗ đã hết già nữa ngày. Lần nữa đổ ở biên giới Ấn – Tích để trình giấy thông hành chỉ độ 30 phút, vì thế mãi 3 giờ chiều hôm 24 mới đến Colombo.

oOo

[Phần 4] LỄ TUYÊN THỆ THÀNH LẬP HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (25-5-1950)

Vì ban chiêu tập Hội nghị Phật giáo Thế giới đã lượng cơ biết số người đến dự hội nghị và chiêm bái buổi lễ khai mạc này rất đông đúc; nhất là buổi lễ tuyên thệ của cả hai mươi sáu Phái đoàn cùng đứng ra sáng lập Hội Phật Giáo Thế Giới. Vì thế nên lễ này trước định cử hành ở tòa khán đài rộng nhất Thủ đô Tích Lan, nhưng vì phần các đại biểu Phật giáo Thế giới không ưng làm lễ tuyên thệ ở nơi không có dấu vết thiêng liêng của Phật Tổ, mà phải làm lễ ở ngôi chùa thờ Răng Đức Phật Tổ, cổ tích của Tích Lan ở tỉnh Kandy bây giờ. Tỉnh này cách Colombo chừng 150 cây số, mà lại ở trên ngọn đảo.

………

Cơm ngọ xong, nghỉ ngơi đến 4 giờ chiều mới lại đi tới chùa thờ Răng Phật dự lễ, bắt đầu đến cửa chùa ai nấy đều phải tháo bỏ giầy dép vào đứng sắp hàng nghiêm trang để theo ban Phật nhạc rước vào nơi hành lễ, vừa đúng 5 giờ bắt đầu cử bài Phật nhạc Tích Lan rồi đến một bài kinh tiếng Phạm độ 25 phút để cầu nguyện Tam bảo gia hộ. Vừa dứt tiếng tụng kinh, thảy tất cả Tăng tục đều đứng dậy nghiêm chỉnh chào một vị Tổ sư ngoại 80 tuổi ra ngồi ghế chủ toạ. Tôi đương nghĩ Ngài già nua thế này thì còn nói làm sao được to tát cho số chợ người này nghe, thì bỗng thấy tiếng Sư Tổ tiếp theo lời giới thiệu, Ngài đọc một bài diễn văn non 20 phút mà không thấy trông vào bài lần nào. Tiếp theo Hòa thượng là một vị Hộ pháp được cử làm chủ tịch cho thiện tín cũng lên diễn đàn. Đại ý hai Ngài đều nói với 26 Phái đoàn Phật giáo Thế giới rằng: “Cần phải có một tổ chức thống nhất lực lượng Phật giáo, đoàn kết Phật tử bằng một phương diện thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới, nếu được toàn thể hội nghị tán thành”. Một vị lão tăng được cử ra đáp: “Muốn phục hưng Phật giáo, muốn cứu vãn nền tín ngưỡng Phật giáo hiện thời cần phải lập Hội Phật Giáo Thế Giới. Tất cả đại biểu Tăng tục chúng tôi xin tán thành”. Để hưởng ứng, một tiếng tán thành theo với những âm vận Phật nhạc vang dội cả không trung, kế đến ai nấy đều vào làm lễ phát thệ. Một Hòa thượng được cử đọc bản tuyên thệ trước Phật điện để thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới.

oOo

[Phần 5] BẢN TUYÊN THỆ

“Chúng tôi đại biểu Phật giáo các nước và đại biểu tất cả các tổ chức Phật giáo trên hoàn cầu, hôm nay (25-5-1950) họp trước cửa Tam bảo tôn nghiêm ở chùa Răng Phật đây, vốn là nơi chùa lịch sử của kinh đô cổ tích này, chúng tôi cùng nhau phát thệ rằng: Chúng tôi và tất cả các Phật tử mà chúng tôi thay mặt đều chí thành phát thệ: Cả xuất gia lẫn tại gia đều sẽ hết sức tuân theo thi hành giáo pháp và giới lụât của Đức Phật Thích Ca. Chúng tôi với các Phật tử sẽ phải cố gắng đem mình làm những tấm gương trong sạch sáng suốt giữ nền tín ngưỡng Phật giáo để làm cho tinh thần Phật giáo chung đúc thành một khối sáng sủa mạnh mẽ khắp hòan cầu.

Muốn đạt được mục đích ấy, chúng tôi cùng nhau thề nguyền sẽ phải thống nhất Phật giáo, đoàn kết Phật tử theo nghĩa “Lục hòa” với lòng thâm tín, để dìu dắt tất cả Phật tử trên khắp hoàn cầu làm cho đạo lý của Phật, tinh thần thanh tịnh của chư Tăng được tất cả mọi người trên thế giới hiểu biết. Mong rằng tinh thần Từ bi, Hỷ xả của Đức Phật có lực lượng mạnh mẽ vô cùng để hướng dẫn các dân tộc và các Chính phủ của dân tộc đó đều tin tưởng cũng như đều hoạt động theo một con đường từ bi bình đẳng để sống chung với cuộc đời sáng suốt, rửa sạch hết những khối óc tham, sân, si, như thế để lòng bác ái, tình hữu nghị giữa dân tộc nọ với dân tộc kia sẽ hòa giải, sẽ thân thiết, ức triệu người như một để cho hòa bình của nhân loại sẽ thực hiện. Muốn đạt tới mục đích vĩ đại đó, phải có một cơ sở vĩ đại, một chương trình hoàn bị, để giao cho một cơ quan lãnh đạo. Vì thế nên chúng tôi quyết định thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới với tất cả các trưởng Phái đoàn Phật giáo có góp mặt góp lời tại buổi lễ tuyên thệ này, đều được đủ thẩm quyền quyết đoán và thi hành quyết nghị này.

Chúng tôi rất mực thành kính cầu xin Đức Phật phù hộ cho tất cả các sự cố gắng của chúng tôi.”

Đọc xong bản quyết nghị này, tất cả 26 vị Trưởng phái đoàn Phật giáo đều lần lượt đọc lời phát nguyện riêng.

Dưới đây là lời tuyên thệ của tôi:

Đệ tử Tỷ Khiêu THANH LAI, biệt hiệu TỐ LIÊN nhân danh Trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam, hân hạnh được cùng 25 vị Trưởng phái đoàn Phật giáo các nước trên thế giới, dự buổi lễ phát nguyện thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới dưới bóng từ bi cao cả. Cầu xin Đức Phật chứng cho lời chân thực tán thành đề nghị lập Hội Phật Giáo Thế Giới giữa lúc này và tuyên thệ với Đức Từ Bi, với Phật tử thế giới rằng: Sẽ cùng nhau áp dụng những lời đã tuyên thệ cho được thực hiện làm cho tinh thần Phật giáo mỗi ngày được thêm sáng sủa ở Việt Nam. Sẽ là công trình gom góp lực lượng với Hội Phật Giáo Thế Giới, sự thành công của đệ tử sau này còn nhờ ở Đức Phật điểm hoá cho có sự ủng hộ của Chính phủ cũng như của dân Việt Nam với các hội, các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, nhất là còn phải hy vọng sự ủng hộ về tinh thần của Hội Phật Giáo Thế Giới nữa.

Trong buổi lễ tuyên thệ còn có mấy bài diễn văn mà ký giả trích dịch những đoạn đặc sắc ở trong các bài của ông Maha Nakaya De Malwate, của ông Diyavadana Nilame (người coi sóc thờ Răng Phật) và bà G. C. Lounsbery (đại diện các đại biểu Âu Châu).

………

oOo

[Phần 6] QUANG CẢNH BUỔI LỄ KHAI MẠC HỘI NGHỊ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

Buổi lễ khai mạc Hội nghị Phật giáo Thế giới này do một vị lão Hòa thượng chủ toạ về bên Tăng già và Thủ tướng Tích Lan nhận chủ tịch do lời mời của ban chiêu tập, cốt để Ngài có dịp hoan nghênh các đại biểu Phật giáo trên thế giới và để tỏ lòng sốt sắng của Ngài đối với tôn chỉ lập Hội Phật Giáo Thế Giới. Hồi 5 giờ chiều lễ mới cử hành, mà mới có 4 giờ chúng tôi đã ra đi, còn một phần ba cây số nữa mới tới, thế mà chúng tôi đã phải xuống ô tô để đi bộ. Phần thì đông quá và chính tôi cũng muốn nhận ở lòng dân tộc Tích Lan hưởng ứng với Hội nghị Phật giáo thế giới này ra sao.

Thực là quang cảnh “xe hơi như nước, bóng người như mây.”

Tôi hỏi ông chủ nhà: “Thành phố đây sao lắm xe ô tô thế nhỉ?”

Ông cho biết: “Thành phố chúng tôi này, nhà có hai ba chiếc bù với nhà không có chiếc nào, tính trung bình thì mỗi nhà có một chiếc.”

Thảo nào mà nhìn quang cảnh của các con đường đi tới khán đài tựa như làn sóng ngũ sắc từ bốn phương tràn lại, vì rằng riêng cờ Phật giáo theo màu ngũ sắc nổi bật lên trên các ô tô. Đấy là mỗi xe ô tô người ta chỉ cắm có một cây hoặc ba cây.

Hai bên vỉa đường thực là quang cảnh chẩy hội, nhưng đám chẩy hội này nó có một đặc điểm là đủ tất cả các màu da của các giống người trên thế giới. Người nào người nấy đều lộ đầy vẻ mặt phong nhã và hoan hỷ với bộ quốc phục của họ, hết thảy đều hăm hở tiến tới nơi hội nghị, thực không khác gì quần tiên tới hội bàn đào.

Tòa nhà dùng để cử hành lễ khai hội nghị này nó chính là tòa khán đài mà người ta bảo rằng nó to tát nhất, rộng rãi nhất của thủ đô Tích Lan. Tòa khán đài này, lối kiến trúc làm rất ít cột mà chạy dài, nếu quy vuông lại có thể hơn mẫu ruộng. Trước khán đài tôn một pho tượng Phật to lắm mà màu sơn son thiếp vàng đã có vẻ cỗ. Chung quanh bệ tượng Phật bày rải hoa sen không biết bao nhiêu mà kể. Dưới chân bệ đều chôn bốn ngọn đèn điện lớn ở dưới đất cho ánh sáng của nó chiếu ngược lên tượng Phật thành ra ánh đèn chiếu với hào quang sắc vàng của tượng Phật lộ ra một vẻ thiêng liêng huyền bí, khiến cho người ta đứng bên ngoài chiêm ngưỡng vào thấy đầy chân tướng uy nghiêm vô hạn.

Còn một đám lớn mây cờ ngũ sắc treo khắp trên nóc khán đài nó chiếu ánh với đèn điện rồi theo luồng gió thổi mà phất múa chào các Phật tử thế giới. Lối để cho các diễn giả đi vào diễn đàn còn bày những chậu lúa vàng để tượng trưng những cảnh thái bình sẽ đưa lại cho nhân loại.

Bên ngoài khán đài là bãi đua, nó có một bề thế rộng rãi thênh thang cho người ta đứng xem. Người ta ước lượng ngoài sân đua có linh vạn người đến xem, đấy là chưa kể số bao nhiêu người có thiếp mời đến dự lễ với hơn một trăm Đại biểu của các Phái đoàn các nước ngồi trong khán đài. Đối với chư Tăng đến dự hội nghị, hình như ban chiêu tập có mật ý để cho thập phương chiêm ngưỡng oai nghi của các nhà đạo đức thì phải. Vì ký giả thấy sắp đặt để chỗ chư Tăng ngồi làm nhiều nơi, mà mỗi nơi chỉ có độ vài ba chục vị, chư Tăng đều mặc áo cà sa sắc vàng cả, thành ra những lớp sóng áo vàng của chư Tăng nổi bật lên giữa những làn sóng y phục ngũ sắc của thiện tín. Cuộc hội nghị này ban chiêu tập sắp cũng lắm công phu và mỹ thuật. Đúng 5 giờ, tiếng chuông trống với vận điệu âm nhạc nổi lên ba hồi vừa dứt thì Bác sỹ Malalasekera nhân danh trưởng ban chiêu tập ra cám ơn Hội nghị, làm lễ khai mạc, Bác sỹ vừa dứt tiếng thì trời bỗng đổ mưa gió, nhưng không vì mưa gió mà trì hoãn lại để nhỡ mất cái giây phút thiêng liêng độc nhất của lịch sử Phật giáo Thế giới, nghĩa là lễ khai mạc cứ việc cử hành.

Chư Tăng Tích Lan đồng thanh tụng bài kinh Phạm tự vào 4 cái loa, tiếng thiêng liêng oai hùng truyền ra vang dội trời đất. Thực là đạo màu thiêng liêng cảm ứng mà lòng người ta không thể nghĩ bàn xiết được. Tất cả Hội nghị đều chứng kiến đạo thiêng liêng thực hiện đó là vì vừa dứt tiếng tụng kinh thì mây quang mưa tạnh. Đương lúc hàng hơn vạn người đều yên lặng chăm chú hướng vào tượng Phật để nghe kinh một cách hoan hỷ cảm động, thì diễn văn bằng tiếng Phạm của Hòa thượng Phirivattaduwe Pallassa Vayasca Thera, diễn văn của Thủ tướng Tích Lan D.S. Sananayaka v.v… đều tiếp tục đọc. Lại đọc đến những bức điện tín của mấy vị Tổng thống và Thủ tướng ở các nước gửi đến cầu chúc Hội nghị Phật giáo Thế giới thành công.

………

oOo

[Phần 19] KẾT QUẢ VÀ TÌNH HÌNH TỔNG QUÁT CỦA HỘI NGHỊ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

Hội nghị Phật giáo Thế giới họp tại Colombo kinh đô xứ Tích Lan từ ngày 25/5/1950 đến ngày mùng 8/6/1950 thì bế mạc.

Hội nghị này có Đại biểu Phật giáo của 26 nước trên toàn cầu dự, do Tổng hội nghị Phật giáo Tích Lan chiêu tập. Ấy là một cuộc họp mặt đầu tiên của Phật tử thế giới trong lịch sử Phật giáo hiện tại.

MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC HỘI NGHỊ:

Theo lời mời của Ủy ban chiêu tập thì cuộc Hội nghị này có mục đích:

a) Các Hội, các tổ chức Phật giáo các nước gặp nhau để trao đổi tin tức về phong trào Phật giáo trên thế giới.

b) Đi đến một tổ chức Phật giáo Thế giới có mục đích thống nhất các lực lượng Phật giáo trên hoàn cầu.

c) Tìm những phương tiện thiết thực để giúp các Phật tử thế giới giải quyết những vấn đề quan hệ đến nhân sinh.

d) Để các Đại biểu Phật giáo có dịp đi chiêm ngưỡng Xá Lợi Đức Phật Thích Ca tại tỉnh Kandy và Gandesepura tại Tích Lan là những nơi đã nổi tiếng trên hoàn cầu. Vì thế trong chương trình do ban tổ chức thảo ra có các cuộc đi chiêm bái Phật tích.

SỰ ĐÓN TIẾP:

Ủy ban chiêu tập Hội nghị, nhận nhịêm vụ xếp đặt chỗ ăn ở cho các Đại biểu thế giới tại Colombo và các nơi khác ở thủ đô Tích Lan, cả đến các nơi cư trú cho các Phái đoàn Phật giáo ngoại quốc đến chiêm bái. Trong suốt thời kỳ hội nghị họp tại Colombo mỗi Phái đoàn được trú ở một gia đình Phật giáo Tích Lan. Các đại biểu Tăng trú ở các chùa riêng. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam vì không hiểu tiếng Anh, cần phải có ông Phạm Chữ là nhân viên Bộ Ngoại Giao đi với tôi về nhiệm vụ thông ngôn, ở chung cho tôi tiện việc giao thiệp. Vì thế ban tổ chức để Phái đoàn Phật giáo Việt Nam cùng trú ở nhà ông Rajahewa là Bộ trưởng Bộ Thương Mại trong chính phủ Tích Lan, lại là Phó Hội Đại Bồ Đề Tích Lan.

May tôi ở nhà này nên đã khảo sát được nhiều công việc Phật của Hội Maha Bồ Đề Tích Lan, nhất là dây liên lạc giữa Hội ta và Hội Maha Bồ Đề Tích Lan đã được thắt chặt.

Có thể nói sự đón tiếp các Đại biểu Phật giáo ngoại quốc của ban chiêu tập thật là chu đáo, lòng quý khách của dân Tích Lan đã nổi tiếng từ xưa, nay chúng tôi đã được trông thấy tận nơi. Từ Thủ tướng Tích Lan cho đến người dân nghèo, ai ai cũng tỏ ra tấm tình nồng hậu đối với các Đại biểu Phật giáo. Những ngày các Phái đoàn đi chiêm bái các nơi ở hai tỉnh, đường xa có tới 600 cây số một lượt thế mà trên dọc đường nhiều nơi căng không biết bao nhiêu biểu ngữ với rợp đường những Quốc kỳ Tích Lan và cờ hiệu Phật giáo mầu ngũ sắc. Tình hình hoan nghênh Hội Phật Giáo Thế Giới này và hết sức giúp đỡ các Đại biểu về mọi phương diện.

BUỔI LỄ TUYÊN THỆ:

Trước ngày khai mạc Hội nghị Phật giáo Thế giới, có một lễ tuyên thệ ở ngôi chùa “Phật Sỉ” tức chùa thờ Răng của Đức Phật Thích Ca. Chùa này cách với Colombo 150 cây số, sáng sớm ngày 25, tất cả các Phái đoàn Phật giáo với hàng vạn giáo hữu đi ô tô từ Colombo đến cùng với chư Tăng, thiện tín toàn tỉnh Kandy cử hành lễ tuyên thệ. Bằng một quyết nghị đọc trước Tam bảo, kế đến các Trưởng phái đoàn ai nấy đều phải có mấy điều phát nguyện riêng, cùng đọc trước Tam bảo và giữa đại chúng.

Buổi khai mạc đầu tiên 5 giờ 26 phút, tại trụ sở cộng cộng to nhất của thủ đô Tích Lan được cử lễ khai mạc, Thủ tướng Tích Lan chủ toạ, Ngài thân đọc diễn văn đón chào các Đại biểu Phật giáo Thế giới.

Tuy rằng thế, Chính phủ Tích Lan hết sức tránh sự can thiệp vào công việc chính của cuộc hội nghị này, không bao giờ thấy có một Đại biểu ở trong các cuộc bàn cãi. Xem thế đủ biết từ Chính phủ cho đến dân Tích Lan đều có cảm tình tốt đẹp đối với các nước có Phật giáo rất sâu xa.

26 đoàn Đại biểu của các nước có Phật giáo cử đến dự Hội nghị này, thêm vào số Đại biểu chính thức, còn có các Đại biểu bán chính thức, phần nhiều là các nhà vì hâm mộ Phật giáo tự xuất tiền đến dự.

Tuy vậy trong các việc tranh lụân, chỉ có các Đại biểu chính thức mới có thẩm quyền. Các Phái đoàn Phật giáo đi dự Hội nghị này, mỗi đoàn trung bình từ 6 đến 8 người. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam ít nhất, vì chỉ có 3 người.

Riêng các nước mà Phật giáo được tôn làm quốc giáo như Xiêm La, Diến Điện, Tích Lan, Bhutan, Tây Tạng, họ rất chú ý đến cuộc Hội nghị Phật giáo Thế giới này, cử nhiều nhân tài đến dự. Cầm đầu Phái đoàn Phật giáo Diến Điện là một nhà luật học trứ danh, đã dự một phần quan trọng về việc thảo hiến pháp Diến Điện. Cầm đầu Phái đoàn Phật giáo Xiêm La là một Bộ trưởng Thương Mại, Hoàng gia Xiêm còn cử thêm một Công chúa đến thay mặt.

Đại biểu Xiêm La, Tích Lan, Diến Điện đoàn kết thành một khối, được coi như có lực lượng hơn hết ở hội nghị. Phái đoàn Phật giáo ở các nước Âu châu hầu như bị yếu thế trong các cuộc bàn cãi.

Một điều nữa cần nhắc đến, sáng 27 bắt đầu khai mạc Hội nghị chính thức tại trụ sở Thanh niên Phật giáo. Ban tổ chức tự cử lấy Chủ tịch, Thư ký buổi họp chứ không do Hội nghị cử, mà Hội nghị cũng yên lặng không ai phản đối. Không những thế, các Đại biểu cứ thi nhau tường trình về tình hình Phật giáo của xứ sở mình cho công chúng biết. Kỳ thực có ai được cử ra để phán đoán các tờ trình ấy đâu? Phái đoàn Phật giáo Việt Nam thấy Hội nghị thiếu tổ chức, đã hai lần sẽ lời yêu cầu ban tổ chức sửa lại chương trình nghị sự, nhưng không công hiệu. Ban tổ chức có cho tôi biết rằng: “Phần nhiều các Phái đoàn muốn nói cả”. Ban tổ chức cũng có vài lần mời Phái đoàn Việt Nam tường trình. Tôi trả lời: Chủ tịch Hội nghị không do chúng tôi công cử ra thì chúng tôi tường trình với ai? Vả lại có một trăm đại biểu đến dự mà mỗi Đại biểu tường trình hết độ một giờ thì còn thời gian đâu mà bàn cãi vào mục đích chính. Chúng tôi đã phải cùng các Đại biểu phát thệ trước Đấng Từ Bi cao cả để phụng sự tôn chỉ, để lập Hội Phật Giáo Thế Giới. Huống hồ còn một vấn đề quan trọng nữa, là những phương tiện thực tế để giúp đỡ cho các Phật tử thế giới và để giải quyết vấn đề quan hệ của nhân sinh, nó là một điều then chốt của các cuộc Hội nghị này. Chúng tôi từ mấy ngàn dậm đến đây để chơi ư? Dân Việt Nam chúng tôi đương lầm than đau khổ, chúng tôi không được phép đi chơi, thật ra lòng vì Phật giáo Thế giới của ban chiêu tập các Ngài quý báu không kể xiết được, chỉ vì thiếu kinh nghiệm nên các Ngài đã vô tình đưa Hội nghị đi vào con đường úng tắc, không có tổ chức. Đáng lẽ ra, trước khi khai mạc Hội nghị lần đầu tiên, ban tổ chức các Ngài sẽ tuyên bố chỉ giữ thường vụ để ứng tiếp các Phái đoàn, các Phật tử, còn phải để Đại hội nghị cử lấy Chủ tịch, Thư ký ra điều khiển, sẽ cùng định chương trình nghị sự. Kế đến bầu các tiểu ban chuyên môn để nghiên cứu các vấn đề rồi mới đến các Phái đoàn tường trình xong thì các tiểu ban nghiên cứu cũng xong, sẽ đem ra Đại hội nghị bàn cãi để duyệt y. Đằng này ban tổ chức các Ngài không thế, các Ngài tự cử người ra điều khiển Hội nghị, để các Trưởng phái đoàn trình bày đã đến hai ngày rồi mà tường trình chưa hết, các tiểu ban chưa bầu. Ngày mai 28/5/1950 chủ nhật nghỉ, lại kế luôn đến bốn ngày đi chiêm bái, khi về còn hai ngày nữa, sao kịp?

Các báo Tích Lan đem câu hỏi tôi nói đó công bố, thành ra dư luận sôi nổi. Lại được thêm các Đại biểu Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ, Anh, Mỹ, Pháp, Tích Lan ủng hộ nhiệt liệt, ban tổ chức và cả hội nghị đều đổi thái độ, về cuối buổi họp chiều là bầu luôn 5 tiểu ban, Đại hội nghị còn vừa đi chiêm bái vừa hiệp nhau từng ban một nghiên cứu sẵn sàng, để đem về Hội nghị bàn cãi và duyệt y. Năm tiểu ban nghiên cứu được thành lập:

1/ Tiểu ban dự thảo Hiến chương và Điều lệ Hội Phật Giáo Thế Giới.

2/ Tiểu ban “Thống nhất” và “Đoàn kết” có nhiệm vụ nghiên cứu những phương pháp để thực hiện sự đoàn kết giữa các Phật tử thế giới.

3/ Tiểu ban báo chí tuyên truyền có nhiệm vụ nghiên cứu những phương pháp tuyên truyền đạo Phật.

4/ Tiểu ban “Xã hội” có nhiệm vụ nghiên cứu về Phật giáo tham dự các công việc xã hội.

5/ Tiểu ban “Truyền giáo” nghiên cứu cách tổ chức các Phật tử thế giới đi truyền bá đạo Phật trên khắp hoàn cầu.

TIỂU BAN THẢO HIẾN CHƯƠNG CHO HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI:

Tiểu ban này do vị Trưởng phái đoàn Phật giáo Miến Điện làm chủ tịch cùng với Phái đoàn Phật giáo Việt Nam, Ông Phạm Chữ được tôi ủy nhiệm với các điều đại cương về “Nguyên tắc” và “Hệ thống” tôi đã thảo sẵn để đem ra cùng ban này khởi thảo Hiến chương. Hiến chương thảo xong, đem ra trình Hội nghị bàn cãi và sửa đổi trong ba buổi họp.

Nhưng những điều chính trong Hiến chương do tiểu ban thảo ra đã được toàn thể Hội nghị duyệt y.

Phái đoàn Phật giáo Việt Nam có thể tự hào rằng: Đã đứng đầu phản đối ban tổ chức lẫn Hội nghị đi sai nguyên tắc, trái lại vẫn được Hội nghị mời vào dự ban thảo Hiến chương và Điều lệ, tức là dự một phần quan trọng trong việc thảo Hiến chương này. Còn các ban dự thảo của bốn tiểu ban kể trên cũng được đưa ra bàn cãi và duyệt y. Khi in xong đều gửi đến các nước có Đại biểu đến họp.

VIỆC BẦU ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO THẾ GIỚI:

Theo như trong Hiến chương, một Đại hội đồng Phật giáo Thế giới trong đó mỗi nước có một Đại biểu, sẽ có quyền tối cao trong các công việc của Hội Phật Giáo Thế Giới ủy nhiệm thi hành trong Phật giáo xứ sở mình và Đại hội đồng bầu ngay một Chủ tịch, một Tổng thư ký, năm Phó thư ký và một Thủ quỹ, để bắt tay vào làm việc Hội Phật Giáo Thế Giới ở ngay nơi thành lập.

Đây là một đề nghị riêng của tôi về việc đặt trụ sở và bầu ban Tổng trị sự với cử Đại biểu.

ĐẶT TRỤ SỞ:

Vì xứ Tích Lan có một bầu không khí quang đãng, êm đềm rất thuận tiện cho Phật giáo Thế giới, vì Phật giáo chính thức làm quốc giáo của Tích Lan. Vậy thì trụ sở của Hội Phật Giáo Thế Giới tạm thời hãy đặt ở Tích Lan.

BẦU BAN TỔNG TRỊ SỰ:

Vì các Phật tử Tích Lan đã có công lớn trong việc chiêu tập Hội nghị Phật giáo Thế giới, vậy thì ba chức quan trọng như Chủ tịch, Tổng thư ký và Thủ quỹ khoá đầu đều phải để người Tích Lan đảm nhận, có thế mới liên lạc mật thiết được với nhau trong mọi công việc.

CỬ ĐẠI BIỂU:

Mỗi Phái đoàn Phật giáo chính thức được cử đến dự Hội nghị, sẽ cử lấy một vị làm Đại biểu trong Đại hội đồng Phật giáo Thế giới. Sau khi cử xong, sẽ đệ trình danh sách lên ban Tổng trị sự.

Đề nghị này của tôi được phần đông các Phái đoàn Phật giáo thế giới tán thành và Hội nghị đã áp dụng thi hành. Cho nên đến khi bầu ba nhân vật của Phật giáo Tích Lan làm Chủ tịch, Tổng thư ký và Thủ quỹ ra đảm nhịêm công việc của Hội Phật Giáo Thế Giới đều được toàn thể Hội nghị hoan hô chuẩn nhận.

Lại còn phải nhắc đến thành phần của Việt, Mên, Lào cử Đại biểu vào dự Đại hội đồng Phật giáo Thế giới.

Theo Hiến chương mỗi nước Phật giáo chỉ được cử một Đại biểu vào Đại hội đồng Phật giáo Thế giới. Vì thế mà Hội nghị Phật giáo Thế giới họp tại Colombo, Ấn Độ có đến 4 Phái đoàn, Trung Hoa cũng có 3 Phái đoàn, cũng được cử có một Đại biểu.

Tiểu ban “Thống nhất” đề nghị Việt, Mên, Lào cũng chỉ được có một Đại biểu, để đại diện cho Phật giáo Liên bang Đông Dương. Đề nghị ấy được Đại hội nghị chuẩn y. Hai Phái đoàn Mên, Lào yên lặng.

Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do tôi ủy ông Phạm Chữ, lên tiếng rằng: Mỗi nước có Phật giáo được cử một Đại biểu là phải. Việt Nam là một nước độc lập, không phải là một nước Liên bang Đông Dương, Phái đoàn Phật giáo Việt Nam theo Hiến chương có quyền cử một Đại biểu đại diện cho Phật giáo Việt Nam vào Đại hội đồng Phật giáo Thế giới.

Lời yêu cầu của Việt Nam cũng đã được một số Trưởng phái đoàn hưởng ứng nhưng vẫn bị thiểu số, những lời bàn đi bàn lại cũng đã sôi nổi, mà vẫn chưa giải quyết xong. Ông Phạm Chữ theo ý tôi ra trả lời quyết liệt rằng: Quốc gia Việt Nam đã được độc lập, vậy thì Phật giáo Việt Nam phải được cử riêng một Đại biểu, nếu không được như lời yêu cầu, Phái đoàn chúng tôi xin rút lui, vì rằng 18 triệu dân Việt Nam theo Phật giáo không bao giờ chịu liệt Việt Nam vào Liên bang Đông Dương.

Mấy câu cương quyết đó, đã chuyển được Đại hội nghị đều tán thành, để Phái đoàn Việt Nam được cử riêng một Đại biểu vào Đại hội đồng Phật giáo Thế giới. Tôi nhân danh Trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam ra đảm nhiệm Đại biểu Phật giáo Việt Nam trong Đại hội đồng Phật giáo Thế giới.

Nhưng tôi còn ngỏ ý nếu sau này Phật giáo Việt Nam cử được Đại biểu xứng đáng hơn tôi, thì tôi xin nhường, Đại hội nghị chuẩn y.

Những nỗi khó khăn mà Phái đoàn Phật giáo của chúng tôi đã vượt qua:

1/ Hội nghị bàn cãi bằng tiếng Anh, mà tôi không biết một tiếng Anh nào.

2/ Phái đoàn ít người quá, ngoài ông Phạm Chữ ra, trong Phái đoàn không còn ai giúp tôi.

3/ Phải thảo Hiến chương và Điều lệ cho tổ chức Phật giáo Thế giới mà qua không có sẵn một tài liệu nào cả.

4/ Phải đối phó với nhiều vấn đề gay go như bị liệt vào Liên bang Đông Dương.

5/ Đưa Hội nghị ra khỏi con đường úng tắc.

Những phương châm giải thoát các nỗi khó khăn:

1/ Tôi đã đặt đường gây thiện cảm sang Tích Lan từ ngót một tháng trước bằng cách nhờ ông Thư ký Hội Đại Bồ Đề Ấn gởi bản đề nghị với Phật giáo Thế giới cho ban tổ chức xem trước và có kèm cả thư của Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ giới thiệu với các cơ quan Phật giáo Tích Lan nữa. Vì thế cho nên khi chúng tôi đến Tích Lan, được ưu đãi đặc biệt, và khi phản đối ban tổ chức mà ban tổ chức vẫn thân mật.

2/ Ý hiệp tâm đầu với nhiều Đại biểu, nhưng mật thiết nhất là Phái đoàn Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ, Hội Đại Bồ Đề Tích Lan, Phái đoàn Pháp và Diến Điện.

3/ Tôi còn nhờ có chút kinh nghiệm, nên giữ vững được lập trường chắc chắn, cũng như thái độ cương quyết.

4/ Ông Phạm Chữ là thông ngôn của Phái đoàn, mặc dầu còn ít tuổi, nhưng ông đã tỏ ra rất thông thạo tiếng Anh, lại linh hoạt về ngoại giao, nên gây được nhiều cảm tình với người ngoại quốc, nhất là ông lại tâm đầu ý hiệp với tôi trong nhiều công việc.

5./ Được ông Rajahewavitarne là Phó Hội Bồ Đề Tích Lan làm cố vấn cho tôi, nhất là lại được bà Rajahewavitarne hết sức săn sóc đến sự ăn uống của tôi để giữ sức khỏe.

Hội nghị đã vượt qua những nổi khó khăn và sau lại đạt được những kết quả là vì:

a) Bên ngoài có báo chí Tích Lan đem các lời phản đối Hội nghị của Phái đoàn Việt Nam và Hawai gây dư luận.

b) Bên trong ban tổ chức cũng như các Phái đoàn đọc báo biết dư lụân không hay, liền thay đổi thái độ. Lại có thêm lực lượng của Phái đoàn Ấn Độ, Tích Lan, Anh, Mỹ, Pháp đề nghị, Phái đoàn Việt Nam lại lên tiếng yêu cầu đổi chương trình hội họp.

c) Trưởng Phái đoàn Diến Điện với tôi, tuy không bàn định gì với nhau trước, nhưng vì đều quan tâm về vấn đề giải cứu Đại hội nghị ra khỏi con đường úng tắc sẽ lại tiến đến kết quả, nên hai chúng tôi đều đã thảo sẵn các điều đại cương về Hiến chương và Điều lệ, cho nên đến khi hai chúng tôi với Đại biểu Ấn Độ được cử vào Tiểu ban dự thảo Hiến chương và Điều lệ chỉ phải họp nhau để trao đổi ý kiến có một vài buổi là đã có Hiến chương với đại cương của Điều lệ mang ra cho Đại hội nghị bàn cãi. Mặc dầu đã có tới ba buổi bàn cãi sửa đổi, nhưng cũng chỉ sửa đổi về chi tiết là được duyệt y; cả đến bốn Tiểu ban khác cũng cố gắng làm việc cả những ngày đi chiêm bái, nên các vấn đề then chốt đều được giải quyết xong cả.

Hội nghị Phật giáo Thế giới họp tại Colombo đã thu được những kết quả tốt đẹp:

1/ Các Trưởng phái đoàn của 26 nước đã cùng nhau làm lễ tuyên thệ với bản quyết nghị đọc trước Tam bảo để cầu Đức Từ Bi chứng minh và biểu dương tinh thần thống nhất với lực lượng đoàn kết.

2/ Đại hội nghị đã duyệt y bản Hiến chương và các đại cương cho Điều lệ, tức là đã đặt nền móng chắc chắn cho Hội Phật Giáo thành lập.

3/ Hội Phật Giáo Thế Giới đã có một ban Tổng Trị Sự với 26 Đại biểu của các nước Phật giáo trên khắp hoàn cầu, đều phải phụng sự chung một tôn chỉ, thực hiện tinh thần Phật giáo trên khắp thế giới, giải quyết vấn đề quan trọng của nhân sinh.

………

MỘT SỐ CHÚ THÍCH THÊM CHO RÕ
CỦA THƯ VIỆN GĐPT:

a) Tư cách pháp nhân Đại Biểu tham dự Đại Hội:

Vào cuối tháng 3 năm 1950, Phủ Thủ Hiến Bắc Việt thuộc chính phủ quốc gia Việt Nam gởi một văn thư đến Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Kỳ về việc cử Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự Đại Hội, nguyên văn như sau:

Phủ Thủ Hiến Bắc Việt
Phòng XH-KT
Số 3806/XHKT

Hà Nội ngày 23-3-1950.

Thủ Hiến Bắc Việt
Kính gởi:
Ông Hội trưởng Hội Việt Nam Phật Giáo Hà Nội.

Thưa ông.

Chính phủ sẽ cử một Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam qua Ấn Độ[*] trước tháng 5 năm 1950 nầy. Trong Phái đoàn sẽ có người thông ngôn Anh ngữ và hiểu biết đạo Phật.

Vậy xin ông lựa chọn cho một vị Sư có học vấn xứng đáng để gia nhập Phái đoàn ấy và trả lời ngay tôi biết. Vị Sư này sẽ khởi hành vào Sài Gòn trong thượng tuần tháng tư dương lịch. Lẽ dĩ nhiên là chính phủ chịu hết mọi khoản chi phí.

Kính thư
Nguyễn Hữu Trí.

Ngày 21/4/1950 Phủ Thủ Hiến Bắc Việt gởi công văn thông báo với Thượng Tọa Tố Liên về việc chính phủ quyết định cử Thượng Tọa làm Trưởng phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự Đại Hội, nguyên văn:

Phủ Thủ Hiến Bắc Việt
Phòng XH-KT
Số 3655/VP/THP

Hà Nội ngày 21-4-1950.

Thủ Hiến Bắc Việt
Kính gởi:
T.T. Tố Liên
Phó Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Giáo
73 Phố Quán Sứ – Hà Nội.

Thưa Thượng Tọa.

Tôi xin trân trọng báo tin để Thượng Tọa biết, Thủ tướng chính phủ đã quyết định cử Thượng Tọa làm Trưởng phái đoàn Phật Giáo Việt Nam qua Ấn Độ[*].

Vậy xin kính mời Thượng Tọa quá bộ lại phủ Thủ Hiến để tôi được tiếp chuyện trước khi Thượng Tọa khởi hành vào Sài Gòn.

T.U.N Thủ Hiến Bắc Việt
Chánh Văn Phòng.

[*] Theo thư chiêu tập của Ban Tổ Chức Đại Hội, các Đại biểu vân tập và chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ trước và sau ngày khai mạc Đại Hội tại Tích Lan. NQM – TVGĐPT chú thích.

b) Danh xưng Hội Phật Giáo Thế Giới:

Hội Phật Giáo Thế Giới cũng tức là Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (Wold Fellowship of Boudhists).

c) Tư cách pháp nhân của Phật Giáo Việt Nam và Hòa Thượng Thích Tố Liên trong và sau Đại Hội:

– Phật Giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới.
– Thượng Tọa Thích Tố Liên được công cử là Phó chủ tịch Liên Hữu Phật Giáo Thế giới.
– Phật Giáo Việt Nam là trung tâm địa phương Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (lúc bấy giờ gọi là Trung Tâm Điểm Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới Tại Việt Nam, trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
– Thượng Tọa Thích Tố Liên là Chủ tịch Trung Tâm Điểm Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới Tại Việt Nam đầu tiên kể từ Đại Hội Phật Giáo Thế Giới kỳ này.

d) Kỳ Đại Hội tiếp theo:

Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ 2 khai mạc ngày 25.9.1952 tại chùa Honganji (Bản Nguyên), Nhật Bản. Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự với danh nghĩa đại diện Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Thượng Tọa Thích Tố Liên cũng là Trưởng phái đoàn, cùng các thành viên Phái đoàn là Chư Tôn Đức: Thích Trí Quang – Ủy viên Hoằng Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam; Thích Quảng Minh – Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt; cùng các Cư sỹ: Viên Quang, Nguyễn Thăng Thái thuộc Hội Phật Học Bắc Việt. Đại Hội lần này, Thượng Tọa Thích Tố Liên cũng được công cử là Phó Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thế Giới.

———oOo———

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.