TVGĐPT – Ngày 6.5.1951, Hội Nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam họp tại chùa Từ Đàm – Cố đô Huế đã đồng thanh quyết nghị thành lập TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và đã công bố BẢN TUYÊN NGÔN thành lập Tổng Hội dưới đây.
Đại Hội khai mạc ngày 6/5/1951 (mùng Một tháng Tư năm Tân Mão, Phật lịch 2495) và bế mạc vào ngày 10/5/1951[1] (mùng Năm tháng Tư năm Tân Mão), gồm 51 Đại biểu của 6 tập đoàn Phật Giáo Bắc, Trung, Nam[2]. Lãnh đạo các tập đoàn Phật Giáo miền Bắc là Thiền Sư Mật Ứng, phát ngôn viên là Thiền Sư Trí Hải; lãnh đạo các tập đoàn Phật Giáo miền Nam là Thiền Sư Đạt Thanh, phát ngôn viên là Thiền Sư Thiện Hòa; lãnh đạo các tập đoàn Phật Giáo miền Trung là Thiền Sư Tịnh Khiết, phát ngôn viên là Thiền Sư Trí Quang. Đại Hội đã tôn thỉnh Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ Tổng Hội, Thượng Toạ Thích Trí Hải làm Phó Hội Chủ; và công cử một Ban Quản Trị Trung Ương với các nhân vật lãnh đạo Phật Giáo 3 miền (3 phần: Bắc Phần, Trung Phần, Nam Phần) gồm có các Ủy Viên: Hoằng Pháp, Nghi Lễ, Giáo Dục, Thanh Niên, Văn – Mỹ Nghệ, Tài Chánh, Cổ Động Tổ Chức, Cứu Tế Xã Hội cùng các phần hành hành chánh, tài chánh, kiểm soát và các uỷ viên dự khuyết.
Việc hình thành được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho việc thống nhất các tập đoàn Tăng sỹ và Cư sỹ Phật Giáo 3 Phần đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của Tăng Ni – Tín Đồ Phật Giáo trong toàn quốc hằng bao nhiêu năm tháng về một nền Phật Giáo Việt Nam thống nhất (tuy sau đại hội lịch sử này sự thống nhất thật sự cũng không hề đơn giản, dễ dàng ngay). Niềm hân hoan của Tăng-Tín Đồ Phật Tử khi hay tin sự thống nhất thành công trong Hội Nghị đã biểu lộ mãnh liệt khắp toàn quốc. Và bài hát “Phật Giáo Việt Nam” của Nhạc sĩ Lê Cao Phan – một Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Phần – trầm hùng vang lên trong lễ bế mạc Hội Nghị càng khiến nức lòng mọi con tim một lòng vì đạo của Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam:
“Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay, một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng. Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương, vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam…”.
(Nhạc phẩm “Phật Giáo Việt Nam” này cũng đã được Hội Nghị biểu quyết làm Giáo ca Phật Giáo Việt Nam, được cử lên khi chào Giáo kỳ; và lá cờ Phật Giáo thế giới được công bố trong Đại Hội Phật Giáo Thế Giới năm 1950 tại Colombo, Sri Lanka cũng được toàn thể Đại biểu quyết nghị thông qua lấy làm Giáo kỳ Phật Giáo Việt Nam chính trong kỳ đại hội lịch sử này).
Kỷ niệm 70 năm danh xưng chính thức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (1951–2021), cũng chính là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam; 70 năm thống nhất Phật Giáo Việt Nam lần đầu tiên; 70 năm công bố Giáo kỳ, Giáo ca Phật Giáo Việt Nam. Thư Viện GĐPT xin sưu lục và tái đăng tải Bản Tuyên Ngôn ngắn ngủi nhưng ấn tượng sâu sắc bởi giá trị lịch sử của thời khắc quan trọng ấy đối với mọi tầng lớp Tăng Ni – Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam hiện nay, bất kể tông phái, hệ phái hay quan điểm, lập trường, hệ thống nào; bất kể đang cư trú trong quốc nội hay đang lưu trú, định cư ở châu lục, quốc gia nào tại hải ngoại…
BẢN TUYÊN NGÔN
THÀNH LẬP TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
của Hội Nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam
tổ chức từ ngày 6/5/1951 đến ngày 10/5/1951 tại chùa Từ Đàm, Huế, Việt Nam.
Bánh xe Phật Pháp xoay vần trên khắp quốc độ Việt Nam đến nay đã gần hai mươi thế kỷ. Nhân tâm, phong tục, văn hóa, chánh trị trong nước đều đã chịu ảnh hưởng rất sâu xa của Phật Giáo. Tăng đồ và Thiện tín từ Bắc vào Nam một lòng quy ngưỡng Đức Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni, sống trong tinh thần từ bi hỷ xả và luôn luôn lo toan xây dựng hòa bình. Nhưng sự đời không hòa nhịp với lòng mong mỏi; hoàn cảnh trước đây đã chia ranh giới ba Phần nên Phật sự cũng phải tùy duyên mặc dầu Phật Pháp vẫn bất biến. Sự tướng mỗi Phần mỗi khác, làm cho mặt bàng quan xem như có điều chia rẽ. Nay cơ duyên thuận tiện, Phật Giáo Việt Nam phải được thống nhất. Hơn nữa, họa chiến tranh đang gieo rắc khắp nơi, nhân loại đương lâm vào cảnh lầm than phiền não; chính là lúc Đạo Từ Bi và Vô Thượng phải đem nước Cam Lộ mà rưới tắt lửa sân si để xây dựng cảnh hòa bình cho nhân loại.
Theo lời hiệu triệu của các vị Trưởng Lão Hòa Thượng, một Hội Nghị Phật Giáo Toàn Quốc gồm 51 vị Đại biểu Phật Giáo ba Phần đã được long trọng khai mạc vào ngày mồng Một tháng Tư năm 2495 Phật lịch, tức là ngày mồng 6 tháng 5 năm 1951 dương lịch, tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm (Thuận Hóa).
Sau bốn ngày thảo luận ráo riết trong bầu không khí thân mật và hiểu biết, toàn thể hội nghị đã quyết định thống nhất Phật Giáo toàn quốc Việt Nam, lấy ngày Phật Đản làm ngày kỷ niệm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, và bầu một Ban Quản Trị Trung Ương đặt trụ sở tại Thuận Hóa (Huế) để thực hiện nhanh chóng chương trình thống nhất mà hội nghị đã dự thảo.
Hỡi toàn thể Phật Tử Việt Nam! Chúng ta hãy san phẳng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mệnh kiến tạo hòa bình, gây mầm an lạc, và nêu cao ngọn đuốc Trí Tuệ của Đức Thế Tôn.
[1] Rất nhiều tài liệu ghi Hội Nghị khai mạc ngày 6/5/1951, bế mạc ngày 9/5/1951, và cũng có tài liệu ghi rõ Hội Nghị bế mạc vào lúc 18g30′ ngày 9/5/1951; nhưng vì Bản Quyết Nghị công bố khi kết thúc Hội Nghị, trong phần mở đầu đã ghi rằng “…Hội họp tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) ngày 1, 2, 3, 4, 5 tháng 4 Phật lịch 2495, tức là ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng 5 năm 1951…” nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm ghi theo Bản Quyết Nghị của Hội Nghị trong mọi bài viết của Thư Viện GĐPT.
[2] 6 Tập đoàn Tăng sĩ và Cư sĩ Phật Giáo 3 miền Trung – Nam – Bắc gồm:
– Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt.
– Giáo Hội Tăng Già Trung Việt.
– Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.
– Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt.
– Hội Việt Nam Phật Học Trung Việt.
– Hội Phật Học Nam Việt.