TVGĐPT – Kỷ niệm 70 năm danh xưng chính thức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (1951-2021), Thư Viện GĐPT tiếp tục sưu lục, đăng tải lại thêm những bài diễn văn, huấn từ, đạo từ các kỳ đại hội, hội nghị liên quan đến Gia Đình Phật Hóa Phổ, Gia Đình Phật Tử từ thời kỳ hình thành đến giai đoạn hoán cải thành danh xưng chính thức GĐPTVN. Dưới đây là bài diễn văn của Huynh Trưởng Nguyên Hùng – Võ Đình Cường đọc ngày 10/5/1952 tại Trường Trung Học Bồ Đề, Huế trong buổi lễ khai mạc Triển Lãm – Văn Nghệ của Gia Đình Phật Tử nhân mùa Phật Đản – Phật lịch 2496.
DIỄN VĂN KHAI MẠC
Triển Lãm – Văn Nghệ Gia Đình Phật Tử
tại Trường Trung Học Bồ Đề, Huế ngày 10/5/1952 trong mùa Khánh Đản Đức Bổn Sư.
oOo
– Thưa quý vị Tăng-già.
– Thưa quý Ngài.
– Thưa quý Đạo Hữu.
Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên có nhã ý dành cho chúng tôi mấy phút để hầu chuyện cùng các Ngài trong buổi khai mạc Triển Lãm hôm nay, thật là một vinh dự lớn. Vinh dự ấy lại càng lớn hơn nữa, khi chúng tôi nhận thấy trước mắt toàn là những thính giả chọn lọc, những vị tri thức, những bậc đàn anh đã từng lo, từng nghĩ, đã từng hoạt động cho các phong trào thanh niên, cho sự giáo dục của nước nhà.
Thưa quý Ngài.
Thỉnh thoảng các Ngài đã từng thấy một đoàn năm bảy em thiếu niên hay thiếu nữ mặc áo lam đang lướt vội trên các đường phố để đến dự một buổi họp; các Ngài cũng đã từng nghe những tiếng hát trong trẻo vọng qua những bức thành của một ngôi chùa cổ hay một trụ sở Phật Học. Màu áo lam ấy, tiếng hát ấy không ai là không biết của Gia Đình Phật Tử, một ngành hoạt động của Hội Phật Học Việt Nam. Danh từ Gia Đình Phật Tử đã quen thuộc với bà con ở cố đô này lắm rồi. Tuy thế, ý nghĩa của nó, còn lờ mờ đối với phần đông đồng bào ở Thuận Hóa. Có một số bà con đã có một thái độ quý hóa là cố theo dõi công việc của chúng tôi để tìm hiểu mặt thật của Gia Đình Phật Tử. Nhưng tiếc thay, thái độ quý hóa ấy lại không phải là thái độ của phần đông!
Phần đông đồng bào đã mang những cặp kính của họ: Thôi thì, đỏ cũng có, mà vàng cũng có; xanh cũng có mà tím cũng có. Lạ nhất là có khi nó biến ra thành ngôi sao vàng trên nền đỏ; có khi nó thành ra ba sọc đỏ; và có khi lại thành là xanh trắng đỏ nữa! Vâng, người ta đã quả quyết rằng đó là một đoàn thể biến tướng của Việt Minh, vì “bọn nó cứng đầu lắm, không ủng hộ ai cả!”. Có người lại bảo: Chúng nó là của Chính Phủ “chúng nó ranh lắm, bây giờ giả đò trung lập để câu thanh niên, nhưng một ngày kia, khi đủ lông đủ cánh, chúng nó sẽ về với chính phủ bù nhìn cho mà xem”. Có người lại bảo: “Chúng nó là của Tây, vì nếu không phải là của Tây thì làm thế nào mà hoạt động được trong vùng chiếm đóng”. Có người lại bảo: Đó là một tổ chức thanh niên bắt chước Hướng Đạo, mà bắt chước không nên, như thế thà theo quách Hướng Đạo mà hơn”. Có người lại bảo: Đó là một tổ chức tôn giáo lạc hậu có mục đích nhồi sọ bắt con em đi hộ niệm, cầu siêu, cầu an cho rậm đám”. Đó là những nguồn dư luận lớn. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng tôi lại còn nghe bay trong gió những lời hăm dọa, chúng tôi chỉ biết mĩm cười, những lời ca tụng mà như phản tuyên truyền, những lời chê bai mà chúng tôi lấy làm sung sướng.
Những dư luận sai lầm chúng tôi vừa kể đó, chúng tôi không trách cứ vào ai cả. Chúng tôi chỉ tự trách mình đã thiếu kinh nghiệm, tưởng rằng cứ im lặng mà làm việc thì rồi người ta sẽ hiểu. Nhưng chúng tôi đã quên rằng: Chúng ta đang ở trong thời kỳ trắng đen lẫn lộn, sáng tối mập mờ, những hạt giống nghi ngờ đã đâm chồi nẩy lá sum sê quá, che khuất tất cả mọi địa hạt, cho đến cả lòng những người thân nhất. Chúng ta như đang đi trong rẫy tranh, phải luôn luôn hô to: Tôi ở đây! Tôi đang làm việc này, việc nọ; phải luôn gạt tranh mà bước, mà nếu cần, đốt hết cả đám tranh nghi ngờ đi để được thấy rõ nhau hơn. Công việc đốt tranh ấy từ trước đến nay chúng tôi chưa hề làm. Trái lại, với một ít tinh nghịch, chúng tôi muốn chơi trò chơi “cút hầm”, để chọc những ông thầy bói. Nhưng trò chơi ấy đã đến lúc nguy hiểm, cần phải chấm dứt và chính hôm nay, lần đầu tiên, trước mặt các Ngài, chúng tôi xin châm lữa vào đám tranh nghi ngờ ấy để các Ngài được thấy mặt thật của đoàn thể chúng tôi hơn. Công việc có lẽ đã chậm. Nhưng thà chậm hơn không!
Thưa các Ngài.
Gia Đình Phật Tử chỉ là một tổ chức giáo dục trong Hội Phật Học. Nó lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản, vì giáo lý ấy có đủ ba điều kiện cần thiết để đào tạo con người theo đúng nghĩa của nó: Phần tình cảm (Bi), phần lý trí (Trí), phần ý chí (Dũng). Thiếu một trong ba phần ấy, con người chưa phải là con người. Ba phần ấy đều phải được phát triển đều nhau và cho đến cùng độ, để xứng đáng với con người luôn luôn tiến bộ. Chúng tôi vì mục đích giáo dục mà lựa Phật Giáo làm nền tảng, chứ không phải vì Phật Giáo mà lôi kéo thanh niên. Đạo là một con đường, một phương tiện, mà con người mới thật là mục đích.
Để đạt được mục đích giáo dục nói trên, Gia Đình Phật Tử có ngành hoạt động, ngành giáo lý để mở mang trí tuệ, thấy rõ mặt thực của đời; ngành văn nghệ để trao dồi tình cảm, di dưỡng tánh tình; ngành chuyên môn về thanh niên để thích ứng với hoàn cảnh, nâng cao mức sống. Ba ngành hoạt động ấy đều quan trọng ngang nhau. Trong chương trình học tập, chúng tôi không thiên về phần giáo lý, vì mục đích của chúng tôi không phải để đào tạo những vị Tăng-già tương lai. Chúng tôi cũng không thiên về văn nghệ, vì chúng tôi không cố đào tạo những nghệ sĩ. Và cuối cùng, chúng tôi không quá chú trọng về chuyên môn, vì chúng tôi không muốn đàn em của chúng tôi chỉ là những thanh niên tháo vát, khéo tay, khéo chân mà thôi. Về những ngành hoạt động này, chúng tôi không muốn nói nhiều. Chúng tôi xin nhường cho cuộc triển lãm tự nói lấy và nó sẽ trình bày với các Ngài một cách hùng hồn hơn.
Cái điều mà các Ngài muốn biết và chúng tôi cũng cần thưa ra ở đây, là lập trường của Gia Đình Phật Tử đối với nước nhà trong giai đoạn hiện tại như thế nào.
Trước khi nói đến thái độ của đoàn thể chúng tôi trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi xin phép nói phớt qua lịch trình tiến triển của nó vì chính cái bài học quá khứ ấy đã vạch cho chúng tôi lập trường hiện tại. Gia Đình Phật Tử được thai nghén và sinh nở cách đây mười năm, trong thời Pháp thuộc. Nó chưa kịp lớn thì Nhật đảo chánh; rồi chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa lên thay; và bây giờ nó bổng nhiên bộc phát dưới chính phủ Quốc Gia. Chỉ mới có 10 tuổi nó đã chứng kiến 4 cuộc thay đổi chính quyền, nó bổng sáng mắt! Nó hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ tang thương, nhận chân được cái thâm thúy của bức tranh vân cẩu. Và do đó, nó đã sớm có một lập trường là không nên dựa vào một lực lượng ngoại lai nào cả, nhất là lực lượng chính trị. Nó không dựa vào lực lượng chính trị, mà nó cũng không nhúng tay vào chính trị.
Như chúng tôi đã trình bày trên, Gia Đình Phật Tử chỉ là một tổ chức hoàn toàn giáo dục. Tất nhiên là trong giáo dục, có cả phần công dân đối với tổ quốc. Và nếu chúng tôi trau dồi cho đàn em chúng tôi tinh thần danh dự của dân tộc, lòng yêu đất nước, ý chí quật cường, thì đó cũng là một việc thường trong mọi thứ giáo dục, chứ không phải đâu vì thế mà nó trở thành một cơ quan chính trị có màu sắc này hay màu sắc khác? Thưa các Ngài! Phần đông là những nhà mô phạm, những nhà trí thức lành mạnh, những thủ lãnh thanh niên, chắc các Ngài không muốn thấy một đoàn thể giáo dục chỉ đào tạo ra những con người máy để cho mọi thế lực giựt dây; không tinh thần, thiếu bản lãnh, thiếu đức hạnh! Vâng, các Ngài không muốn như thế, mà chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi chuyên tâm cố gắng đào tạo cho thanh thiếu nhi Phật Tử một tinh thần vững mạnh. Đó là điều cốt yếu của Gia Đình Phật Tử và cũng là một vấn đề quan trọng về phương diện giáo dục.
Thưa quý vị.
Chúng ta phải thiết thực hơn, những thanh niên gia đình ở một nơi mà mình ở một ngã, những con thiêu thân sắp vào lửa vật chất. Chúng ta làm thế nào để cứu vớt gấp những nạn nhân tội nghiệp ấy. Hiện giờ có những học sinh hễ nghỉ học là đi dạo phố, hết rạp chiếu bóng này, lại tiệm giải khát nọ; những em bé vì quá giàu hay quá nghèo mà hư, những thanh niên đang lăn một cách vô tư vào hố trụy lạc. Chúng ta phải làm thế nào để mở cho họ một con đường sáng, hướng họ về đây, tìm cho họ những công việc thiết thực lợi ích cho đời họ và cho xã hội. Công việc giáo dục lúc nào cũng cần thiết, nhưng lúc này nó cấp bách hơn bao giờ hết! Gia Đình Phật Tử đã và đang làm công việc ấy. Nhưng với tài hèn sức mọn, đoàn thể chúng tôi không làm nổi hết. Bởi vậy chúng tôi thiết tha kêu gọi quý Ngài nâng đỡ chúng tôi với tinh thần xây dựng, với dư luận đứng đắn công minh của quý Ngài. Riêng đối với các đoàn thể thanh niên, chúng tôi cầu mong được hợp tác chặt chẽ trong công việc giáo dục ấy. Với thanh niên Công Giáo mà lòng thương của Chúa đã có sẵn; với thanh niên Hướng Đạo mà thành tích làm việc xã hội đã nổi tiếng, chúng ta chắc rằng: Chúng ta sẽ thâu hoạch được những kết quả đẹp đẽ trong công việc trồng người vĩ đại ấy.
Chúng tôi tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng!
VÕ ĐÌNH CƯỜNG