PHỤ TRƯƠNG BẢN PHỤ ĐÍNH
VỀ “BẢN TUYÊN NGÔN” CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM NGÀY 10.5.1963
Phụ trương này, trước hết, nói thêm về sự đóng góp của Phật Giáo Đồ Việt Nam vào ích lợi quốc gia và lý tưởng tranh đấu của Phật Giáo Đồ liên hệ đến lợi ích quốc gia như thế nào.
Đất nước Việt Nam ta, kể từ thời đại lập quốc tự chủ đến cuối thế kỷ 18, Phật Giáo đã đóng góp duy nhất và nhiều nhất – theo nghĩa vụ tôn giáo – vào ích lợi quốc gia kể cả phương diện văn hóa, học thuật, chính trị, quân sự, kiến thiết, quốc sách và dân sinh. Những vị danh tăng và cư sĩ ghi tên tuổi vào lịch sử của dân tộc là những tên tuổi nổi bật nhất và xứng đáng nhất. Những nét tư tưởng thuần túy và cao cả của dân tộc biểu lộ qua tâm hồn, sinh hoạt và nhất là phong dao tục ngữ, những văn hóa “Thiền khuynh” chiếm đến hơn một phần ba chương trình văn học và văn học sử đại học Việt Nam. Sau hết, những ngôi chùa làng đầy dẫy, những ngôi quốc tự đồ sộ, nhất là những kiến trúc danh tiếng và liên hệ đến công cuộc kháng chiến, kiến quốc của quốc gia suốt thời kỳ độc lập hùng cường còn sờ sờ cả đấy, một mặt chứng tỏ lòng sùng mộ của dân tộc, một mặt chứng tỏ địa vị của Phật Giáo, nhưng một mặt nữa chứng tỏ sự đóng góp sâu rộng của Phật Giáo Đồ vào ích lợi quốc gia không phải chỉ mới một sớm một chiều như kẻ khác.
Gần đây có những kẻ cho rằng Phật Giáo tiêu cực, thiếu đóng góp. Họ nói thế vì họ không thấy bóng dáng Tăng sĩ Phật Giáo trong các bệnh viện, học đường, trong quân đội, trong công sở. Nhưng họ có biết đâu nếu đóng góp cách đó chỉ là khuynh loát và lợi dụng mà thôi! Chúng tôi quan niệm tôn giáo có nghĩa vụ của tôn giáo: Tôn giáo phải đem tư tưởng của mình thấm nhuần cho con người, rồi con người thấm nhuần tư tưởng tôn giáo đó sẽ thực thi ra nơi hành động của họ, nơi đời sống tư và đời sống chung của họ; họ sẽ đóng góp vào ích lợi quốc gia một cách tích cực và chân chính thiện chí, công tâm. Nói tóm lại, thể hiện tư tưởng tôn giáo mà họ thấm nhuần. Như thế mới gọi là đóng góp của Phật Giáo. Còn trái lại, lấy của quốc gia làm của mình, lấy công dân chúng làm công của mình, rồi chỉ cái công của ấy gọi là của tôn giáo mình, gọi là sự đóng góp của tôn giáo mình, thì đó chính là nguyên nhân sâu xa nhất mà nhân dân Việt Nam bất phục và không ích lợi gì cho dân tộc cũng như chính quyền cả.
Chúng tôi cũng cần nói rõ rằng, qua lịch sử, tăng sĩ của Phật Giáo Việt Nam đã từng làm Tăng Thống, đã kinh luân mọi việc quân quốc trọng sự, vậy mà chẳng để lại một dấu vết oán than nào vì họ chẳng lợi dụng và khuynh loát chính quyền để tự phát triển tôn giáo mình và lấn áp ai. Chúng tôi quan niệm đó là truyền thống tốt đẹp, đáng mến, xứng đáng phong độ tôn giáo chân chính. Chúng tôi bất mãn và thấy rõ quần chúng oán ghét thật sự cái lối giáo quyền khuynh loát chính quyền. Cho nên Tăng-già của Phật Giáo Việt Nam chỉ và đã hướng dẫn Phật Giáo Đồ đóng góp gần như vô điều kiện cho ích lợi quốc gia.
Không nói đâu xa, hãy nói tình trạng quốc gia trong mấy năm gần đây. Ai là người đã chết nhiều nhất cho chính nghĩa? Ai đã góp sức, góp công, góp xương máu nhiều nhất cho công cuộc chống ngoại xâm và cách mệnh dân tộc? Ai đã chết ngoài mặt trận nhiều hơn là có quyền hành tại bàn giấy và trong thành phố? Ai đã và đang làm sự đóng góp này nhiều nhất nhưng trái lại, chẳng hề muốn biết đến ngoại viện, chẳng mưu toan gì chính quyền, lại bị lấn áp ra mặt về tín ngưỡng? Ai, nếu không phải Phật Giáo Đồ Việt Nam? Nếu không phải anh em quân nhân Phật Tử Việt Nam? Tuy nhiên, Phật Giáo Việt Nam chẳng hề ấm ức và ganh tỵ về ngoại viện và quyền vị. Phật Giáo Việt Nam chỉ cần “tự lực hành đạo” và “đóng góp theo tư tưởng tôn giáo chân chính”. Nhưng sự đời đã chẳng để cho như ý nguyện! Càng phải chăng càng bị lấn áp! Càng đóng góp càng bị lợi dụng! Trong khi đó tín ngưỡng linh thiêng của Phật Giáo Đồ Việt Nam bị khinh thị ra mặt, thậm chí đã bị cưỡng bức bỏ Phật Giáo, đã không dám đàng hoàng tự xưng là Phật Tử!
Đó là tình trạng nếu không được chính Phật Giáo Đồ đứng lên công khai tranh đấu để cải thiện thì nhân tâm ly tán, quốc gia sụp đổ!
Do đó lý tưởng tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam đã ghi minh bạch là “Tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của lý tưởng công bình xã hội”. Nói như vậy là chúng tôi đã liên hệ lý tưởng của mình đến lý tưởng của dân tộc, đến ích lợi chính của quốc gia.
Một xã hội có thể sống được phải là một xã hội có những công bình tối thiểu, ít nhất là phải có sự tín ngưỡng bình đẳng. Công bình xã hội, cố nhiên là phải kể đủ thứ bình đẳng: Bình đẳng văn hóa, chính trị, kinh tế v.v… và v.v… Thế nhưng nói thế thì đã quá xa phạm vi tín ngưỡng, và nhất là chẳng phải một giới quần chúng tranh đấu thực hiện, dẫu cho giới đó chiếm đến “tám mươi phần trăm dân chúng” như đã được công khai xác nhận. Thế nên “nhân danh Phật Giáo” bây giờ, chúng tôi chỉ mới nói đến cái “Tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của lý tưởng công bình xã hội”.
Tôn giáo bình đẳng là một lý tưởng càng linh thiêng bao nhiêu lại càng chẳng mất mát của ai một chút quyền lợi, sứt mẻ của ai một chút chức vị. Vậy mà lý tưởng ấy không được thực hiện thích đáng, thì xã hội này, danh từ công bình và tiến bộ chỉ nên vĩnh viễn cất vào trong từ điển mà thôi. Cho nên tranh đấu cho lý tưởng tôn giáo bình đẳng chính là khởi điểm cho lý tưởng công bình xã hội. Và do đó, người ta phải thấy trước cuộc tranh đấu này rất quan trọng và đáng quan tâm.
Cũng chính vì ý thức ấy, nhất là ý thức đến ích lợi quốc gia, lý tưởng tôn giáo bình đẳng rất liên hệ đến lý tưởng công bình xã hội, nên Phật Giáo Việt Nam cực kỳ thận trọng công việc của mình; Phật Giáo Việt Nam ý thức mình đang ở trong tình trạng chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp, bao kẻ lợi dụng, xuyên tạc và thủ lợi không phải không có và có không ít. Phương pháp “bất bạo động”, được Phật Giáo Việt Nam chấp nhận là xuất từ ý thức này. Nhưng phương pháp “bất bạo động” chẳng phải chỉ một chiều, nên Phật Giáo Đồ Việt Nam – nhất là Tăng Sĩ Phật Giáo – sẵn sàng hy sinh bản thân để thực hiện nguyện vọng của Phật Giáo, nhất là khi ý thức nguyện vọng ấy đã liên hệ sâu xa với nguyện vọng của dân tộc.
Huế, ngày 25 tháng 5 DL 1963.
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN 5 CẤP TRỊ SỰ PHẬT GIÁO
TOÀN QUỐC – TRUNG PHẦN – THỪA THIÊN
— — — oOo — — —
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013 – Quang Mai đả tự và trình bày theo nguyên văn tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của tác giả Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ – Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.