Di sản Phật Giáo: Đồ sộ và dung dị

 

 

Hơn 2.000 năm có mặt ở nước ta, Phật Giáo đã để lại một di sản lớn. Một phần rất nhỏ trong đó được kết tinh trong cuộc trưng bày “Di sản văn hóa Phật Giáo Việt Nam” của Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia năm 2013.

Trong các tôn giáo lớn của thế giới, thì Phật Giáo vào ta sớm nhất và cũng có sức lan tỏa rộng nhất. Không những hiện diện ở kinh đô Thăng Long – Hà Nội, mà còn trên chùa Đồng ở đỉnh Phù Vân, Yên Tử hay trên các chùa ở quần đảo Trường Sa. Phật Giáo cũng theo chân người Việt xa xứ đến “định cư” ở nhiều chùa tại nước ngoài.

Khó mà hình dung được tầm vóc của di sản Phật Giáo khi mà mỗi ngôi chùa đã là một di sản lớn, mà dường như mỗi làng quê đều ẩn dưới một gốc cây cổ thụ có một mái “chùa làng” nào đó. Vì thế mà cuộc trưng bày chỉ mới dẫn dắt chúng ta đến khoảng 200 hiện vật khiêm tốn, nhưng tiêu biểu cho kho di sản lớn này.

Tượng thần Kinnari bằng đá cát – Chùa Phật Tích. Năm 1066.

Sách nhà Phật có tên là “Thiền Uyển Tập Anh” đã ghi lại cuộc trò chuyện giữa Thái hậu Ỷ Lan và nhà sư Thông Biện thời Lý cách đây ngàn năm, có đoạn kể về Pháp Sư Đàm Thiên đối thoại với vua Tùy Cao Đế bên Trung Quốc: “Một phương Giao Châu (vùng Bắc Bộ nước ta thời Bắc thuộc), đường sang Thiên Trúc, Phật Pháp lúc mới tới, thì Giang Đông (tức Trung Quốc) chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ Tăng hơn 40 người, dịch kinh được 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy thì đã có Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó”. Qua câu chuyện cũng thấy đạo Phật vào nước ta sớm hơn Trung Quốc, ít ra cũng vào thời nhà Tùy, thế kỷ thứ 6, thứ 7.

Còn nếu căn cứ vào thư tịch cổ như “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” thì đạo Phật còn vào sớm hơn thế. Năm 207, mô tả vị quan Giao Châu đi đến đâu thì kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ (tức người Ấn Độ), đi sát bánh xe để đốt hương, thường có đến mấy mươi người. Mà người Ấn Độ có mặt sớm ở Luy Lâu, Bắc Ninh là để truyền đạo Phật, như nhiều sách nói đến. Có thư tịch lại nói đến nhà sư Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka) đến truyền giáo ở ta sớm nhất, vào khoảng năm 188 trước công nguyên.

Các thư tịch cổ đều nói đến vùng tiếp nhận Phật Giáo sớm nhất ở miền Bắc nước ta là Luy Lâu và người Ấn Độ trực tiếp vào truyền đạo. Con đường Phật Giáo sớm vào ta không từ Trung Quốc mà từ phía Tây, theo con đường biển. Khảo cổ học đã chứng minh có một con đường ven biển Đông-Tây giao lưu trống đồng, gia vị, đồ trang sức từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, mà biển Đông nước ta nằm ở giữa con đường biển nhộn nhịp này. Con đường truyền bá đạo Phật cũng đến nước ta bằng chính con đường này và sớm hơn Trung Quốc cũng là vậy.

Khi đến Luy Lâu, Phật Giáo dễ dàng dung dị với các tín ngưỡng dân gian bản địa. Điều này còn phản ánh qua sự tích Man Nương được chép trong “Lĩnh Nam Chích Quái”. Man Nương nằm ngủ, nhà sư Già La đi qua mà có thai. Về sau, Man Nương có công giúp dân làng và được gọi là Phật Mẫu. Hệ thống Phật và chùa mà sư Già La đặt tên là tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi ra đời ở đất này và lan tỏa khắp vùng Bắc bộ. Theo các nhà khoa học, đạo Phật bén rễ ở vùng Bắc bộ là có sự hòa đồng với tín ngưỡng thờ Mẹ (qua hình tượng Man Nương) và thờ các vị nhiên thần (mây, mưa, sấm, chớp) qua tên gọi các chùa sớm như vừa kể.

Từ trung tâm Phật Giáo Luy Lâu, Phật Giáo lan tỏa khắp nơi, vào cố đô Hoa Lư, nơi còn các di tích và cột đá khắc kinh Phật. Người xem còn thấy hình tượng cột kinh đá, hình tượng Phật và tháp trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên trong cuộc trưng bày.

Đến thời Lý – Trần, Phật Giáo ở ta phát triển mạnh mẽ, như thư tịch chép lại, bấy giờ thiên hạ thái bình, Thái hậu Ỷ Lan du ngoạn các nơi xây khá nhiều chùa. Các chùa lớn, cảnh đẹp được xếp vào loại đại danh lam được xây trong thời này như chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Một Cột, chùa Long Đọi Sơn. Vua Lý cũng ham dạo cảnh chùa và làm thơ như bài thơ ca ngợi buổi dạ yến ở chùa Dạm.

Có một số di vật độc đáo mà người xem có thể chiêm ngưỡng trong đợt trưng bày này: Một sưu tập điêu khắc đá đẹp của chùa Phật Tích như bệ đá làm năm 1057 chạm khắc hình cánh sen, rồng, vũ nữ múa hát đẹp nhất trong số các bệ đá được phát hiện; tượng thiên thần Kinari có đầu người mình chim, tay đánh trống, chân chim có móng nhọn, đây là sản phẩm giao lưu văn hóa Đại Việt – Chăm được tạc năm 1066; phù điêu hình sư tử bằng đá cát. Ngoài ra còn có quả chuông thời Trần ở chùa Vân Bản; cánh cửa chạm rồng ở chùa Phổ Minh; ảnh tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang, Yên Tử; bệ đá thờ chùa Thầy; các dạng tháp đất nung…

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá núi – Yên Tử.

Đến thời Lê-Mạc, chùa chiền cũng được xây nhiều, mặc dù đạo Phật không còn là quốc giáo như thời trước. Chúng ta cũng còn thấy di sản Phật Giáo mang tính chất nghệ thuật ở các đồ thờ như chân đèn gốm, lư hương mà nhiều chiếc còn ghi niên đại; tượng Phật, thậm chí tượng vua chúa cũng được thờ trong chùa như tượng vua Mạc Đăng Dung ở chùa Phúc Linh Tự, tượng Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ở chùa Thiên Phúc Tự. Người xem còn thấy được một loại di sản đặc biệt là ván in kinh Phật bằng gỗ. Đáng lưu ý có nhiều tượng Phật khá đẹp như tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ở chùa Chèm…

Muộn hơn là các di sản thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Đáng chú ý là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh (đúc năm 1800) thời Tây Sơn, vừa được phong tặng là Bảo Vật Quốc Gia, được trang trí hình tượng tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) và nhiều hàng chữ vốn được dân làng Ninh Hiệp đúc và để trong chùa làng; các dòng tranh thờ Phật thời Nguyễn; các dạng tượng Phật; các ván in kinh Phật; chuông đồng, mõ gỗ, đồ thờ bằng gốm sứ…

Bên cạnh di sản Phật Giáo ở vùng Bắc bộ, cuộc trưng bày còn đưa người xem đến với các tượng Phật có niên đại sớm trong nền văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Đó là tượng Phật bằng gỗ có niên đại thế kỷ 4-6 hay tượng Phật bằng đá ở thế kỷ 6-7 ở tỉnh Trà Vinh… Với những cuộc đào khảo cổ mới đây ở các địa điểm thuộc văn hóa Óc Eo, chúng ta đã tìm được khá nhiều hiện vật có niên đại đầu công nguyên cho thấy con đường giao lưu văn hóa giữa đồng bằng sông Cửu Long và vùng đất Ấn Độ, Châu Âu khá mạnh mẽ như đồ trang sức bằng mã não; tiền La Mã; vàng, bạc. Trong bối cảnh đó, việc Phật Giáo vào vùng đất này khá sớm và tìm thấy nhiều tượng Phật là điều dễ hiểu.

Miền Trung nước ta, nổi tiếng ở các đền tháp bằng đất nung mang phong cách Ấn Độ Giáo như ở Mỹ Sơn, Bình Định, Khánh Hòa. Di tích Phật Giáo ở miền Trung cũng vẫn là điểm đáng chú ý mà điển hình là khu di tích Phật Giáo Đồng Dương, vốn được coi là Phật viện, nơi đào tạo các Tăng lữ. Nơi đây cũng tìm được tượng Phật bằng đồng thế kỷ 8-9 khá độc đáo với những nếp áo cà sa mềm mại và cũng mới được xếp vào Bảo Vật Quốc Gia.

Phật Giáo vốn được Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) truyền giảng ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 6 trước công nguyên. Từ đó, Phật Giáo lan truyền đi khắp thế giới. Đến nước ta khá sớm và đã để lại một kho tàng di sản đồ sộ. Đạo Phật có những nét dung dị, nhanh chóng hòa hợp với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp thời xưa ở ta. Bén rễ ở ta, đạo Phật cũng mang nhiều dấu ấn bản địa rõ rệt như Thiền Phái Trúc Lâm độc đáo do vua Trần Nhân Tông nhường ngôi rồi đi tu sau khi lãnh đạo dân tộc đánh tan giặc Nguyên-Mông, đã sáng lập ra. Tại phòng trưng bày, người xem còn được chiêm ngưỡng dung nhan Ngài qua bức ảnh tượng trong ngôi tháp ở Yên Tử.

Cái độc đáo của sắc thái Đại Việt thể hiện ở mái chùa, tượng Phật và cả một kho di sản đồ thờ trong chùa. Cái dung dị ở đạo Phật còn thể hiện ở đôi nét hòa đồng cùng tôn giáo, tín ngưỡng khác. Khi vào chùa thờ Phật, đôi khi người ta còn thấy thờ cả Thánh nữa (dạng chùa “tiền Phật, hậu Thánh”) hay thờ cả đạo Mẫu (phía sau một số chùa thường có bàn thờ Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Thiên) mà ngay cuộc trưng bày này cũng có hình mẫu các ngôi chùa như vậy. Thế mới thấy, đạo Phật vào ta đã 2.000 năm và đã hình thành một bản sắc riêng, góp phần vào đời sống tinh thần của một dân tộc yêu chuộng sự yên bình như triết lý của đạo Phật vậy.

PGS.TS. TRỊNH SINH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.