Trên homepage chúng tôi đã giới thiệu với quý độc giả bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du. Hơn ai hết, Nguyễn Du đã ý thức rõ luật vô thường của nhà Phật. Có lẽ chứng kiến bao bi kịch thời Lê mạt, tác giả đã đem từng khúc ruột quặn đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết nên một tình tự nồng nàn da diết; nỗi lòng Tố Như hay tiếng ngậm hờn thiên cổ kiếp sống phù du? Ai đó trong cõi mang mang trường dạ hẳn đã nghe ra niềm cảm thông buốt lạnh tồn sinh, rưng rưng kiếp số và thổn thức nhân tình. Chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam lại có những áng văn ngậm ngùi đến thế.
Tuy nói rằng có thập loại chúng sinh nhưng thực tế trong bài Văn Chiêu Hồn (một tên gọi khác của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh) này Nguyễn Du đã đưa vào đến 13 loại chúng sinh, như trong khoa nghi của đạo Phật có đến 13 loại. Xin chân thành cảm ơn Học giả Nguyễn Minh Tiến và thân phụ của anh đã giúp đỡ cho chúng tôi trong quá trình chú giải những từ Hán, Nôm và truy tìm nguồn gốc một số Kinh tạng để thực hiện bài viết này.
— oOo —
Nghi thức ‘Chẩn Tế Cô Hồn’ ở Việt Nam hiện tại gồm có 3 loại: Đại khoa, Trung khoa và Tiểu khoa nghi. Bản Đại khoa mà chúng tôi đối chiếu là “Diệm Khẩu Du-già Tập Yếu Thí Thực Khoa Nghi”, gọi là “Thiên Hòa Tự Tàng Bản” do Tỳ-kheo Tánh Tình phụng khắc vào mùa Phật Đản năm Minh Mạng thứ 2 (tức năm Tân Tỵ, 1821). Nếu so với thời điểm Nguyễn Du viết Văn Chiêu Hồn (khoảng 1808-1812 hoặc sau nữa) thì bản văn này khắc sau không lâu, điều đó chứng tỏ nghi quỹ này đã có ở Việt Nam cùng hoặc trước thời Nguyễn Du. Trong bản này có khắc lại lời tựa của chính Ngài Vân Thê Châu Hoằng viết vào niên hiệu Vạn Lịch thứ 34 (1607). Đối chiếu toàn văn tác phẩm này với tác phẩm của Ngài Châu Hoằng trong Tục Tạng Kinh quyển 59 thì đúng là một bản. Chúng tôi còn có trong tay 2 bản Trung khoa, một là “Sắc Tứ Báo Quốc Tự Tàng Bản”, do Công chúa An Thường cùng một số hoàng thân triều Nguyễn mộ khắc vào năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh, có sự chứng minh của Hòa Thượng Hải Thuận Lương Duyên; bản thứ hai là Giác Viên Tự Mộng Sơn Tàng Bản, được Giáo thọ Minh Khiêm Hoằng Ân (1856-1914) chứng minh khắc tại chùa Giác Viên (trong khuôn viên Đầm Sen, Tp.HCM hiện nay). Trung khoa chỉ là phần lược của Đại khoa. Nội dung khoa nghi này đều có hai phần: Đàn thượng và Đàn hạ. Đàn thượng là các nghi thức nhập đàn, ấn chú, chân ngôn; Đàn hạ chính là phần thỉnh thập loại Cô hồn. Nói là thập loại, kỳ thực thỉnh đến 13 loại và một số loại Cô hồn được thỉnh chung. Nội dung Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du thì đại đồng tiểu dị với phần Đàn hạ này. Chúng ta thử đối chiếu sơ lược hai phần này để xem chúng giống và khác nhau như thế nào.
Về điểm giống nhau, khoa nghi thỉnh 13 loại Cô hồn, tác phẩm của Nguyễn Du tuy nói “Văn tế Thập loại Cô hồn”, kỳ thực cũng kể đến 13 loại. Ngoài 13 loại được thỉnh riêng, cả hai tác phẩm còn thỉnh chung nhiều loại khác nữa. Khó mà có thể tin được sự sáng tác của Nguyễn Du lại ngẫu nhiên trùng hợp một cách khít khao với một tác phẩm khoa nghi đương thời đã lưu hành như thế. Còn sự khác nhau của hai tác phẩm, có thể nói nằm ở thứ tự của các loại. Ta thử so sánh:
Mười ba loại của khoa nghi là:
- Hoàng vương đế bá.
- Anh hùng tướng soái.
- Quan văn.
- Văn nhân.
- Người xuất gia.
- Đạo sĩ.
- Thương nhân.
- Chiến sĩ.
- Sản phụ.
- Di địch.
- Cung phi.
- Cái bang.
- Thập loại Cô hồn.
Mười ba loại của văn tế là:
- Vương giả.
- Công nương.
- Quan văn.
- Quan võ.
- Thương nhân.
- Trí thức.
- Ngư phủ.
- Nông dân.
- Chiến sĩ.
- Kỷ nữ.
- Hành khất.
- Tù nhân.
- Tiểu nhi.
So sánh hai tác phẩm thì chúng ta thấy rõ ràng 13 loại Cô hồn có phần tương đồng, khác chăng là ở quan niệm sắp xếp trước sau. Đặc biệt là ở tác phẩm của Nguyễn Du, tác giả không kể đến người xuất gia (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni) như ở trong khoa nghi, phải chăng Nguyễn Du cho rằng những người xuất trần thượng sĩ thì sau khi chết sẽ được tiêu dao thoát tục, không còn bị đọa làm Cô hồn? Đây cũng là một điều đặc biệt nói lên thái độ của Nguyễn Du dành cho hàng xuất gia. Theo chú giải của Ngài Vân Thê Châu Hoằng thì hàng xuất gia nếu hiện đời không liễu sanh thoát tử vẫn có thể bị đọa làm Cô hồn, nên vẫn được thỉnh trong khoa nghi. Còn Nguyễn Du, có lẽ tâm hồn ông dành cho những người đau khổ, quằn quại, cô đơn, kể cả hạng hoàng vương đế bá, còn hàng xuất gia thì không. Có người cho rằng có thể khi Nguyễn Du đọc khoa nghi, ông không hiểu các thành ngữ dành cho hạng xuất gia như: “Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chơn thuyên; Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu đạo”… nên đã bỏ qua không kể hạng này. Tôi e rằng như thế có phần võ đoán, bởi lẽ kiến thức uyên thâm về Phật học của Nguyễn Du mà không hiểu mấy câu trên là vô lý.
Điểm thứ hai, mà cũng là điều dễ hiểu, ngôn ngữ trong khoa nghi là ngôn ngữ cung đình, các tầng lớp được kể trong khoa nghi rất đặc trưng và ước lệ, còn trong tác phẩm của Nguyễn Du thì rất cụ thể và gần gũi, sát với thực tế, hiện trạng người Việt đương thời. Nguyễn Du đã Việt hóa khoa nghi bằng thái độ và tâm hồn của mình. Đây là điểm sáng tạo độc đáo.
Bằng sự so sánh và dẫn chứng ở trên, chúng tôi kết luận rằng Nguyễn Du đã diễn Nôm khoa nghi thí thực của Phật Giáo thành Văn Chiêu Hồn chứ không phải là một sáng tác.
Trong khoa nghi như đã nói ở trên, hạng thứ 13 là Thập loại Cô hồn, phải chăng thập loại Cô hồn này xuất xứ từ một tác phẩm tương truyền là của vua Lê Thánh Tông? Chúng tôi xin cung cấp cho quý độc giả những bài viết, khảo cứu về vấn đề này trích từ nhiều nguồn mà chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm như trang quangduc.com, blog của Sơn Trung…
Có người cho rằng tác phẩm Nôm Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn, nói là của Lê Thánh Tông, được giữ lại trong bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập, chính là do Lương Thế Vinh sáng tác. Vũ Phương Ðề, một người đồng thời với Trần Tiến và cùng đậu Tiến sĩ như Trần Tiến đã nói rằng: Lương Thế Vinh “từng sáng tác Phật Kinh Thập Giới” có thể là Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn. Nhưng nhận xét nội dung Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn, thì thấy tác phẩm không thể là của Lương Thế Vinh. Trần Văn Giáp cho rằng bài Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn, không phải là của Lê Thánh Tông: “Theo lời của Vũ Phương Ðề… Lương Thế Vinh là một vị trong Tao Đàn đời Lê Thánh Tông, chỉ vì làm bài Phật Kinh Thập Giới mà đã bị các nhà nho là bạn đồng nghiệp chê cười mãi, đến khi đã lên Thiên cung, đang giảng dạy học trò mà vẫn còn áy náy mãi. Huống chi là Lê Thánh Tông tự gọi là Tao Đàn Nguyên Soái, khi nào lại có thể cho phép đưa một bài văn Nôm vào trong bộ sách lớn của triều đình. Sách này lại là sách ghi chép lại toàn điển lệ, cáo sắc v.v…”. Vậy đối với Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn chưa nghiên cứu được sâu rộng, tôi chưa dám khẳng định là của ai, và làm vào thời nào. Chỉ biết nó không ở đúng chỗ của nó. Nó là một bài văn ở đâu đó, người ta đưa giả mạo vào sách Thiên Nam Dư Hạ Tập để lừa dối độc giả.
Không chắc quan điểm của Trần Văn Giáp là đúng. Trong Thiên Nam Dư Hạ Tập ta thấy có chép thơ văn của Hội Tao Ðàn, trong đó có Quỳnh Uyển Cửu Ca. Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ là một tác phẩm Nôm quan trọng, sao lại không thể đưa vào Thiên Nam Dư Hạ Tập, nhất là khi tác phẩm này do Tao Ðàn Nguyên Soái sáng tác?
Chưa có lý do gì để ta nói rằng bài này không phải là của Lê Thánh Tông. Bài văn tuy lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thâp loại Cô hồn trong Du Già Khoa Nghi, nhưng không phải là một bài văn do một người có cảm tình nhiều với đạo Phật như Lương Thế Vinh làm. Ðó cũng không phải là một bài văn có thể thực sự dùng vằo việc cúng cô hồn hay răn dạy Cô hồn. Nó có ảnh hưởng cảnh cáo người sống hơn là “răn dạy” người chết. Ðó là tác phẩm của một thi sĩ Nho gia mượn đề tài Phật Giáo. Bài thơ nói về cô hồn của các Tăng sĩ có những câu sau đây:
Thân tâm rửa sạch quê hà hữu
Giới hạnh vâng đòi giáo Thích Già
Nói những thiên đường cùng địa ngục
Pháp sao chẳng độ được mình ta?
Ta thấy hai câu thơ cuối cùng có tính cách đùa bởn và trêu chọc, không phải là văn nghi lễ, cũng không phải là văn”răn dạy” người chết. Trong khi chưa có dữ kiện nào khác, ta hãy tạm cho tác phẩm này là của vua Lê Thánh Tông, bởi khí vị văn chương phảng phất có hương vị một tác phẩm của “Tao Ðàn Nguyên Soái”. Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn là một tác phẩm Nôm cổ gồm có một đoạn mở đầu và mười đoạn nói về mười giới cô hồn: 1) Thiền tăng; 2) Đạo sĩ; 3) Quan liêu; 4) Nho sĩ; 5) Thiên văn địa lý; 6) Lương y; 7) Tướng quân; 8) Hoa nương; 9) Thương cổ; 10) Đãng tử.
Đoạn mở đầu:
“Riêng xét vậy: ngựa cửa sổ, kiến đầu cành, xem ngày tháng dễ qua thoan thoát; bọt ghềnh sóng, vờ mặt nước, tựa thân thời kíp biến mờ mờ. Cổ thời nhẫn kim; sinh thời có hóa. Ấy vậy, hồn là thần, phách là quỷ; no nên bụt, đói nên ma. Khó miễn sang mặt há khác nhau; đói cũng rách lòng thời cũng vậy. Kìa Khổng Tử ách nơi Trần, Thái, mặt đã rầu rầu; nọ Lương Vũ khốn thủa Ðài Thành, dạ đà lép lép. Tín có thủa lượm tay Phiếu mẫu; bá nhiều phen hổ mặt đồ lê. Tô Lang nằm lỗ gia ăn sương, ruột sầu rười rượi; Chu Dị thấy hạt cơm bám mà lòng tiếc bùi ngùi. Ấy thánh hiền những đấng anh hùng; phải cơ khát đoái chi liêm sỉ. Huống chi Cô hồn bay: thác sinh trần thế, chịu âm dương. Có quân tử, có tiểu nhân, chẳng cùng một đấng; trong phong quang, trong nghệ nghiệp, tới ngót mười loài. Ai ai cải lấy lòng phàm; khăn khăn cùng thời nghe giới”.
Đoạn nói về giới Thiền tăng:
“Chịu giáo Thích Già, thìn lòng trì giới. Nhuộm sa vàng màu tươi bông cải; sơn thác đỏ thức chuốc lệch bầu. Mũ tỳ lư rập tăm tắp vỏ dừa, đội khi hầu nắng; gậy tích trượng chỉn lô nhô đốt trúc, chống thủa còn sương. Lần sổ châu chuốt hạt kim cương; quét đôi guốc dạo non Linh Thứu. Kinh Pháp Hoa giảng đã mưa nhộc nhộc, đượm áo nạp đầm đầm; Phiến bối diệp tung gió thổi hiu hiu, quét lòng trần thây thẩy. Già lẫn chiền là nơi ăn ở; khói cùng mây ấy chốn láng giềng. Hái củi quế tiển trà, khủng khinh một bình một bát; nằm am mây tắm suối, nửa bụt nửa tiên. Náu từ bi kín nước tưới hoa; ngồi thiền định thiêu hương chúc thánh… Ngỡ là ba ngàn cung Ðâu Suất được thoát thân phàm; chẳng cộc mười hai cửa Phong Ðô gây nên mông họa. Hỡi ôi! Sống bởi chưng chưa sạch mọi lòng nhẫn nhục; thác co phải chịu khó diệt tân toan”.
Kệ than rằng:
Một bình bát một cà sa
Náu chốn chiền già làm cửa nhà
Kinh giã ngọc lâu hương lọn triệu
Ðịnh lui thiền viện bóng xoay hoa
Thân tâm rửa sạch quê Hà hữu
Giới hạnh vâng đòi giáo Thích Già
Nói những thiên đường cùng địa ngục
Pháp sao chẳng độ được mình ta?
Những danh từ Linh Thứu, Pháp Hoa, Bối Diệp, Ðâu Suất… là những từ phổ thông thường hay nói đến, được tác giả đem dùng cho có vẻ như một đoạn văn thực sự nói về giới Thiền tăng.
Chúng ta hãy đọc một đoạn văn nói về giới Nho sĩ sau đây để so sánh, nhất là về phương diện điển tích:
“Ham nói nho phong, toàn nghề cử tử. Cơm áo nhờ ơn cha mẹ; Ðêm ngày đọc sách thánh hiền. Củi quế gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc; song huỳnh án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư. Giấy làm ruộng, bút làm cày; hôm xem kinh, mai xem sử. Trướng Mã Dung, màn Ðổng Trọng, lạnh lùng nào quản tuyết sương; đèn Hàn Tử, gối Ôn Công, thức nhắp chẳng lìa nhật dạ. Lặn lội rừng Nho bể học; ngâm nga ý Khổng lòng Chu. Công đăng hỏa đã dày; tài văn chương càng nhọn. Lẽ lưỡi nuốt chằm Vân Mộng, cách nương long dư ngàn đội giáp binh; chép miệng luận sư Tôn Ngô, rủ tay áo năm bảy thiên thao lược. Ðứng Tao Đàn gióng cờ nghe trống; đến tự tường ngang tích cầm thương. Tuyết Bá Ngạn hoa Ðỗ Lăng, chẳng câu chẳng lạ; thiếp Lan Ðinh tập Liên Xã mọi khúc mọi mầu. Thơ ngâm quỷ khốc thần sầu; khúc ngợi non cao nước chảy. Buộc miệng nuốt châu là ngọc; day tay giở cức bắn dương. Sách đối đan trì, văn chói chói gấm trên bà ngựa; tên bay kim bảng, tiếng sầm sầm sấm dưới đất bằng. Ruổi dặm dài quyết chí côn bằng; giúp đời trị mừng điềm lân phượng. Ngỡ là bể Doanh Châu, non Bồng Ðảo, mình được hóa tiên; chẳng cốc quê hoàng nhưỡng, núi bắc mang, thân đà nên quỷ. Hỡi ơi! Sống bởi chưng bàn bạc sự người; thác cho phải phiêu lưu đôi chốn”.
Kệ than rằng:
Kềnh kềnh áo bả lẽn khăn sa
Trường ốc hôm mai để lệ nhà
Lạnh lẽo đường thu như án tuyết
Nắng sương mấy phút lọn hài hoa.
Tài cao hơn nữa Công Tôn sách
Sự thịnh còn truyền Nịnh Thích ca
Bút mực chẳng quên bề chí lũ
Lộc cao sao khéo lỡ người ta”.
Các bài thơ kệ đều lấy vần Sa, chứng tỏ có sự họa vần ngâm vịnh; điều này khiến ta nghĩ đến hội Tao Ðàn. Ta cũng lại nhận thấy rằng đoạn nói về nho sĩ đầy dẫy điển cổ: Mã Dung, Ðổng Trọng, Hàn Tử, Ôn Công, Bá Ngạn, Ðỗ Long, Lan Ðình, Liên Xã v.v… So sánh, ta thấy ngay một sự mất thăng bằng lớn về điển tích. Về giới Nho sĩ nói đến đến Hàn Tử, gối Ôn Công, thì về giới Thiền sư đáng lý phải nói “trà Triệu Châu, bánh Vân Môn” hay “củi Tuyết Phong, đá Thạch Ðầu” chẳng hạn. Ðiều này càng cho ta thấy như đã nói một lần, tác giả là một nhà Nho lấy đề tài Phật học để ngâm vịnh vậy.
Nguyên văn
THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN
Nguyễn Thiên Thụ
Sưu tập & chú giải.
Riêng xét vầy(1):
Ngựa cửa sổ,(2) kiến đầu cành,(3) xem ngày tháng dễ qua thoăn thoắt,
Bọt ghềnh sóng,(4) vờ(5) mặt nước, tựa thân người kiếp biến mờ mờ.(6)
Cổ tới nhẫn(7) kim,
Sinh thì có hóa.
Ấy vậy:
Hồn là thần, phách là quỷ;
No nên bụt, đói nên ma.
Khó lẫn(8) sang, mặt cả(9) khác nhau,
Đói cùng rách, lòng thì cũng vậy.
Kìa Khổng tử ách nơi Trần Thái,(10) mặt đã rầu rầu.
Nọ Lương Vũ khốn thuở Đài Thành,(11) dạ đà ngằm ngặp.
Tín có thuở lượm tay Phiếu mẫu,(12)
Bá từng phen hổ mặt Đồ lê.(13)
Tô lang nằm lỗ giá ăn sương,(14) ruột sầu rười rượi;
Châu Dị thấy hột cơm bám má,(15) lòng tiếc ngùi ngùi.
Ấy hay những đấng anh hùng
Phải cơ khát đoái chi liêm sỉ.
Huống chi cô hồn bay
Thác sinh(16) trần thế
Chịu khí âm dương,
Có quân tử, có tiểu nhân, chẳng cùng một đấng;
Trọng phong quang, trọng nghề nghiệp, tới phút mười loài.
Ai ai đổi lấy lòng phàm,
Khăn khắn(17) cùng thì nghe giới.
THỨ NHẤT, GIỚI THIỀN TĂNG RẰNG:
Chịu giáo Thích Ca,
Thìn lòng trì giới.
Nhuộm sa vàng màu tươi bóng cải,(18)
Sơn thác(19) đỏ thức chuốt trái bầu.
Mũ tỳ lư(20) rập tăm tắp vỏ dừa, đội khi hầu nắng,
Gậy tích trượng(21) chỉn lô nhô đốt trúc, chống thuở còn sương.
Lần sổ châu(22) chuốt hạt kim cương,
Quét đôi guốc dạo non Linh Thứu.
Kinh Pháp Hoa giảng đã mưa sùng sục, đượm áo nạp đùng đùng;
Phiến bối diệp(23) tụng thổi gió hiu hiu, quạt lòng trần thẩy thẩy.
Già lẫn chiền(24) là nơi ăn ở,
Khói cùng mây, ấy chốn láng giềng.
Hái củi quế tiên trà,(25) khủng khỉnh một bình, một bát,
Nằm am mây tắm suối, nghêu ngao nửa Bụt nửa Tiên,
Nâu từ bi kín nước(26) tưới hoa,
Ngồi thiền định thiêu hương chúc thánh.
(Ngỡ) là ba ngàn cung Đâu Suất, được thoát thai phàm,
Chẳng cốc(27) mười hai cửa Phong Đô,(28) gây nên mộng họa.
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng chưa sạch mọi lòng nhẫn nhục,
Thách cho phải chịu khó diệt đoạn tân toan.
Kệ than rằng:
Một bình, một bát, một cà sa,
Náu ở chiền già làm cửa nhà.
Kinh đã ngọc lâu hương lọn triện,(29)
Định lui thiền viện bụng say hoa.
Tấm thân rửa sạch quê hà hữu,(30)
Giới hạnh vâng đời giáo Thích Ca,
Nói những thiên đường cùng địa ngục,
Pháp sao chẳng độ được mình ta?
THỨ HAI, GIỚI ĐẠO SĨ RẰNG:
Vốn con bách tính
Vâng phép tam thanh.(31)
Xem đạo phái(32) lau sáng bằng gương
Đọc chân kinh(33) dẻo dang tựa lạt.
Cặp thêu xưởng vẽ, chòi tinh đẩu choáng con sâu,
Chuông động, khánh thôi, điệu cung thương vang cái dế.
Há những sẵn bề khoa níp,(34)
Lại hay ngõ thuở tri hành.
Chân bộ Thiên cương,(35) dường chín phượng xưa bay cợt gió,
Miệng phun tĩnh thủy,(36) tựa năm rồng mới xuống làm mưa.
Đội hoàng quan,(37) cài nhặt nhặt trâm ngà,
Tuyên thanh từ,(38) cúi lom khom cửa ngọc.
Có thuở mượn oai Chân Vũ,(39) lên Huyền Đàn,(40) cỡi được hùm đen,
Có khi học phép Sơ Bình,(41) quát bạch thạch biến thành dê bạc.
Chăm chắm chức Thần tiêu,(42) Lôi phủ,(43)
Lân la áng Ngọc Nữ, Kim Đồng(44)
Ngỡ là lò đan dược thuốc màu, xương phàm thoảng nhẹ.
Chẳng cốc quê hắc tham(45) đêm vắng, hồn bướm thoắt bay.
Hỡi ơi,
Kệ than rằng:
Tổn công ngày tháng luyện đan sa,
Phương sĩ tìm chơi để lễ(46) nhà.
Triều đẩu hùng hùng chân bước nguyệt,
Bộ hư(47) văng vẳng tiếng tan hoa.
Ngọc thanh mê tỉnh chưa đi đến,
Giới lộ(48) hoàn hồn xảy lại ca.
Đội lốt Thiên tôn(49) đi độ thế,
Độ người ai kẻ độ mình ta?
THỨ BA, GIỚI QUAN LIÊU RẰNG:
Mừng hội công danh,
Đua tài văn võ.
Chễm chện áo dài, đai rộng
Nghênh ngàng đòng cả, mác dài.(50)
Xe kin kít, ngựa nhanh nhanh, dạo cáng tía bội bội đỏ
Áo phê phê, khăn đội đội, che dù đen ngăn ngắt xanh.
Chen vai ngõ mận tường đào,
Nối gót đài loan các phụng.
Có kẻ đội điêu thuyền(51) nhẵn mặt,
Có người vận giải trãi(52) ngang ngang.
Trông trời Nghiêu năm thức hồng vân, xem thể thiên nhai lồ lộ,
Rợp sân Hán đôi hàng ngọc duẫn(53) đứng bày triều sĩ đùn đùn.
Có kẻ vâng chén ngọc đền rồng
Có kẻ giắt trâm ngà tóc phượng.
Vào thì làm rường làm cột, khoẻ chống miếu đường.
Ra thì nên ải nên thành, bền che phiên trấn.
Vinh hoa lợp thế,
Công nghiệp hơn người.
Ngỡ là lý sương dẫm thuở giá bền,(54) bể triều quan vượt khỏi,
Chẳng cốc trường phú quý tan khi mây nổi, thân ảo hóa khôn cầm.
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng béo nghĩ gầy người
Thác cho phải đói ăn khát uống.
Kệ than rằng:
Điêu đang ngan ngát áo hồng sa,
Mừng chịu ơn phong xuống tới nhà.
Tán rợp bóng hòe che mặt ngọc,
Hương ngừng dặm liễu đượm hài hoa.
Tiệc vầy la ỷ(55) ngồi sum họp,
Nhạc vỗ cầm tranh(56) tiếng dõi ca.
Phú quý nhìn xa yêu hết tấc,
Máy nghèo(57) sao khéo hãm người ta!
THỨ BỐN, GIỚI NHO SĨ RẰNG:
Ham thói nho phong
Mến nghề cử tử.
Cơm áo nhờ ơn cha mẹ,
Đêm ngày đọc sách thánh hiền.
Củi quế gạo châu,(58) kham khổ nằm chưng trường ốc,
Song huỳnh án tuyết,(59) dùi mài mến nghiệp thi thư.
Giấy làm ruộng, bút làm cày,
Hôm xem Kinh, mai xem Sử.
Trướng Mã Dung,(60) màn Đổng Trọng,(61) lạnh lùng nào quản tuyết sương.
Đèn Hàn Tử,(62) gối Ôn Công,(63) thức nhắp(64) chẳng lìa nhật dạ.
Lặn lội rừng Nho biển học,
Ngâm nga ý Khổng, lòng Châu,(65)
Công đăng hỏa(66) đã dày,
Tài văn chương càng nhọn.
Lè lưỡi nuốt chằm Vân Mộng,(67) cách nương long(68) dư ngàn đội giáp binh,
Chép miệng luận sự Tôn Ngô,(69) rủ tay áo năm bảy phen thao lược.
Đứng Tao Đàn(70) gióng cờ nghe trống.
Đến từ tường(71) ngang thiết cầm thương.
Tuyết Bá Ngạn(72), hoa Đỗ Lăng,(73) chẳng câu chẳng lạ.
Thiếp Lan Đình,(74) tập Liên Xã,(75) mọi nét mọi màu.
Thơ ngâm quỷ khốc thần sầu,
Khúc ngợi(76) non cao, nước chảy.(77)
Buột miệng nuốt châu nhả ngọc,
Dang tay dơ cức(78) bắn dương.(79)
Sách đối đan trì(80) văn choi chói trên bà ngựa.
Tên bày kim bảng(81) tiếng ầm ầm dưới đất bằng.
Ruổi dặm dài quyết chí côn bằng(82)
Giúp đời trị mừng điềm lân phượng(83)
Ngỡ là bể Doanh Châu, non Bồng Đảo,(84) mình được hóa tiên.
Chẳng cốc quê hoàng nhưỡng,(85) núi bắc mang(86) thân đà nên quỷ.
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng bàn bạc sự người(87)
Thác cho phải phiêu lưu đòi chốn.
Kệ than rằng:
Kềnh kềnh áo bả,(88) lẫn khăn sa,
Trường ốc hôm mai để lẫy(89) nhà.
Lạnh lẽo dường thu(90) như án tuyết,
Nắng sương mấy phát rộn hài hoa.
Tài cao hơn nữa Công Tôn sách,(91)
Sự thịnh còn truyền Nịnh Thích ca(92)
Bút mực chẳng quên bền chí cũ,
Lộc cao sao khéo lỡ người ta?
THỨ NĂM, GIỚI THIÊN VĂN ĐỊA LÝ RẰNG:
Biết sự thiên văn,
Thông đường địa lý.
Bày đặt tháng ngày làm cục,
Vẽ vời non nước nên đồ.
Suy vần ngọc khuyển, kim kê,(93) bằng tên bắn đụn,
Làu sạch thanh long, bạch hổ,(94) tựa gỏi rửa bè.
Đã tính phép ngươi Tăng,(95) ngươi Dương,(96)
Lại ngỏ số ông Chu, ông Thiệu.(97)
Dồn cửu cung, bát quái,(98) vào một nắm tay,
Làu vạn thủy thiên sơn, trước đôi con mắt.
Lừa lọc lục nhâm tẩu mã,(99)
Tỏ tường tứ thú giao cầm.(100)
Đặt địa bàn(101) kim dõi nam châm, biết phương chỉ Nhâm, chỉ Bính.
Xem thiên tượng chuôi vần Bắc Đẩu, hay tháng kiến Tý, kiến Dần,(102)
Khen huyệt lành: long đái ấn hổ phụ tinh.(103)
Chê đất xấu: quy tàng hình,(104) phượng chiết dực.(105)
Chống gậy lụi bịt sắt, dầu đã lép thau,
Đo thước trúc, mò gang tay phân làm tấc.
Lựa đồng hồ, khắc hay dài vắn,
Xoay trắc ảnh,(106) bóng biết thấp cao.
Những mong Quách Phác(107) tầm long, hàm rồng hẳn được,
Chẳng cốc Trang Chu(108) hóa điệp, hồn bướm thoát bay.
Hỡi ôi,
Sống bởi chưng tiết lộ thiên cơ,
Thác cho phải trầm luân địa ngục.
Kệ than rằng:
Từng luân thiên đệ lẫn long sa,
Điểm huyệt tầm long khắp mọi nhà.
Dạo đòi phương, chân đạp tuyết,
Trông tầm khí, mặt xẩy hoa.
Long bàn hổ cứ xem nhiều thế,
Vận thịnh thời suy đọc mọi ca.
Những nói dữ lành rằng bởi đất,
Đất nào hay cãi ngược người ta?
THỨ SÁU, GIỚI LƯƠNG Y RẰNG:
Nghiền nghĩ Y thư
Nỏ nang phương dược.
Khắp tiên phố(109) mọi cây, mọi cỏ,
Lảu Tụ trân(110) nhiều nẻo nhiều phương.
Vị phụ tử, đinh, hồi, thơm nữa hương ngừng ngoài mũi.
Tay quân thần, tá, sứ thuộc bằng cháo chín trong lòng.
Chẩn mạch biết tử sinh,
Nghiệm chứng hay thọ yểu.
Cối đâm thuốc, chày còn đốp đốp, lèn dỡn bóng trăng soi,(111)
Bếp tiên trà, bọt mới xèo xèo, hầu lên tăm sắt.(112)
Phương liệu hay gia, hay giảm,
Mặt điêu hoặc tán, hoặc tiên.(113)
Rây bắc dược bột đầy sàng,
Thái nam đan dao tựa nước.
Hai mớ xà sàng, một nắm ké, cứu kẻ trúng phong,
Nửa bó phượng vì, ba lát gừng, giúp người hạ lị.
Mạch chín hậu(114) xem chẳng có sai.
Ngải ba năm chỉn là cực hiệu.
Có ngày giăng túi An Kỳ Sinh,(115) hỏi sự thần tiên bao nả?
Có thuở giắt tay Xích Tùng Tử,(116) tìm phương tịch cốc dường nào!
Ngỡ là được mỗ chén tràng sinh
Chẳng cốc một mai đoản mạnh.
Hỡi ơi!
Sống bởi chưng gia giảm lỗi phương,
Thác cho phải cơ hàn đòi chốn.
Kệ than rằng:
Ngưu hoàng, long não lẫn thần sa,
Mật kín, phương mầu tích để nhà.
Châm chính ngỏ hay nơi mạch lạc,
Thuốc dùng nghiệm biết chốn tinh hoa.
Tụ trân học lảu thông nhiều chứng,
Hoà thúc(117) phương mầu thuộc mọi ca.
Cao thấp ai ai đều giúp được,
Giúp người sao chẳng giúp mình ta?
THỨ BẢY, GIỚI TƯỚNG QUÂN RẰNG:
Lảu hay ba kế(118)
Gồm lọn năm tài.(119)
Miệng thèm thuồng giương (trương) dạ nuốt trâu,(120)
Chí hăm hở dang tay bắn vượn.
Hay mưu hay địch,
Có dũng có oai.
Ngọn cờ xanh mở gió cuốn mây, phất qua doanh Liễu,(121)
Mũi thương bạc tôi sương mài gió, chỏ (trỏ) tới ải Du,(122)
Có kẻ vây cánh tựa ngạc, tựa bằng,
Có kẻ nanh vuốt bằng hùng, bằng hổ.
Cật những dầm sương dãi nắng, nổi phỏng tựa bánh cong.(123)
Mình hằng lặn suối trèo non, xem trời bằng lá má.(124)
Hiểm nghèo trải thấy,
Khó nhọc từng quen.
Hoặc có kẻ đánh nội, đánh thành,
Hoặc có kẻ đem binh đem sĩ,
Vào hàng trận xông pha mấy phát, mình ngại chi cầm thuẫn(125) cầm đòng.
Nằm sa trường lạnh lẽo nhiều thu, tai hằng mãi tiếng kèn, tiếng giốc.(126)
Mải chực thành bền ải kín,
Nào hay tháng trọn ngày qua.
Thề lòng trả nợ quân vương, trỏ trời vạch đất,
Hết sức say nghề chiến phạt, vì nước quên nhà.
Non Thiên Sơn(127) mong thuở treo cung,
Sóng Giang Hán(128) chờ ngày rửa mác.
Những dốc tạc danh kim quỹ,(129) truyền để ngàn thu,
Nào ngờ tỉnh giấc hoàng lương,(130) xảy ra mỗ(131) phút.
Hỡi ơi!
Sống bởi chưng cậy sức anh hùng,
Thác cho phải nên thân cơ(132) khát.
Kệ than rằng:
Chiến trường ngần ngật khí phong sa,
Đứt ruột đòi phen thuở nhớ nhà.
Tin tuyệt ngày chầy nhàn(133) tử tái,
Sầu tuôn đêm vắng giốc (dốc) mai hoa.
Trông sông Ngân Hán ba canh nguyệt,
Gõ mái lâu thuyền một tiếng ca.
Ngoài ải Hung Nô mừng dẹp hết,
Công nên nào bõ thác người ta.(134)
THỨ TÁM, GIỚI HOA NƯƠNG RẰNG:
Biếng việc nữ công,
Muốn bề nhan sắc.
Dồi dẽ mi quang mặt phấn,
Sắm lo bên(135) lục má hồng.
Răng đen cười hé nguyệt nga, lác ngờ hột đỗ,
Trán rộng vạch ngang vân trận,(136) mẽ tựa hoa mai.
Nụ vàng(137) giắt “pha ngữ”(138) hạt trai,
Quạt ngọc điểm đồi mồi xương vích(139)
Biếc búp dong, tía rọc dáy, yếm chéo cánh, cạnh thêu,
Lục cổ vẹt, đỏ tiết dê, xống(140) giang chân, thắt đáy,
Tiếng thót ẻo à, ẽo ợt,
Nết làm chuộng quý, chuộng thanh.
Say mây mưa bàn tán mấy cơn, đón nhân tình bằng mèo thấy mỡ,
Đắm trăng gió lân la đòi đoạn, mệt thế sự tựa kiến sa dầu.
Chốc mòng(141) quán Sở lầu Tần,(142)
Chấp chới ả Diêu, nàng Ngụy.(143)
Quấn quít sự anh, sự ả
Dập dìu tin bướm, tin ong.
Làm bạn gửi, lấy chồng quyền,(144) xụt xịt rằng tôi thương, tôi thảm,
Đưa người lâu,(145) rước khách mới, bẻo lẻo chào anh ngược anh xuôi.
Ấy đấng thanh tân,
Này loài thô tục.
Đầu quấn tóc rễ, tấp tểnh phố đắm nguyệt say hoa;
Gót dỉ chân chì, đủng đỉnh muốn mua hài chác(146) hán.
Đi ngoay ngoảy dường đầu rối hát,
Dồi nhếch nhác tựa mặt ma trơi.
Song viết(147) liền tay, gương lờ(148) non ánh,
Hôm mai họp mặt, nội(149) cỏ vườn lau.
Khoe nết thế xem đã dị kỳ,
Ăn lận(150) tính người quen bôi bác.
Ân ái vờ, nhân nghĩa cây vối,(151) châu đã đầm đầm,
Nước mắt gừng, tâm sự xôi chiêm,(152) suối đà lã chã.
Miệng thốt cười cợt nhợt,
Dạ biến đổi tơi bời.
Ngỡ là hoa khoe tốt, nguyệt khoe thanh, sự lẫn lòng nhiều khi đún đởn,(153)
Chẳng cốc châu dễ chìm, ngọc dễ nát, hồn cùng vía một phút rụng rời.
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng dỗ bạc, dỗ tiền,
Thác cho phải xin ăn, xin uống.
Kệ than rằng:
Nức khí thiên hương áo nhẹ sa,
Làng nam, ngõ bắc thiếu nơi nhà.
Đành màu lụa mặc hòng mua phấn,
Ngắt đống tiền ăn để chác hoa.
Lẩn thẩn chẳng thương thân ảo hóa,
Chốc mòng những mải sự giao ca.
Tiếc xuân khôn tiếc, tiếc chăng được,
Ngày tháng ai hầu kẻ đợi ta?
THỨ CHÍN, GIỚI THƯƠNG CỔ RẰNG:
Họp bạn khách thương,
Làm hàng thị tứ.
Dạo khắp sơn xuyên dã huyện,
Thông thâu hồ hải giang khê,
Chác được cá tươi, họp chúng ăn đòi chiều chợ,
Chờ khi nước cả, gác chèo nằm hóng cửa kênh.
Xuôi giòng ngang, thổi địch ca trăng,
Vượt biển cả kéo buồm xem gió.
Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bị hồ tiêu,
Thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vơi then;
Lụa ngũ sắc, vải tam lăng, vóc tố lĩnh, bả cẩm chiên,
Quyến Thục, giấy Ngô, phố năm gian chất hầu đẫy nóc.
Toàn những vật yêu, vật lạ,
Ít nhiều của quý của thanh.
Qua ải buôn cấm vật đem về, ngọc hột trai, châu cửu khúc,(154)
Tới chợ lẻ thăng bằng hòa rặc, bạc chân rết, vàng thập thành.(155)
Đặt điều nói thuận nhân tình,
Mắt rẻ bán đòi thời giá.
Tính thua được có anh, có ả;
Ước rẻ rúng, một cái một con.
Được thì hớn hở vui cười, mạnh bà cầm rỗ;(156)
Thua thì âm thầm than tiếc, trách kẻ thầy dùi.(157)
Mạt bán cầm, ế bán buôn;
Lấy món hơn, bù món thiệt,
Những ước bền nghề thương cổ, nước tuôn cửa lợi chẳng cùng;
Nào ngờ kíp gối Hàm Đan,(158) mơ giải giấc xuân nồng xảy tĩnh.
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng ăn lãi, ăn lời,
Thác cho phải xin ăn, xin uống.
Kệ than rằng:
Đêm ngày đau đáu nỗi tràng sa,
Của cải đem về để chật nhà.
Lòng mối(159) tính toan đưòng vặt vãnh.
Lưỡi lằn(160) khéo léo thốt văn hoa.
Của phi nghĩa làm nên lợp(161) nước,
Lòng bất nhân truyền để làm ca.
Lừa đảo so xem nào có khác,
Người ta lại bán được người ta.
THỨ MƯỜI, GIỚI ĐÃNG TỬ RẰNG:
Mặt mũi vẻ vang,
Chân tay dun dẫy.
Sắm của ăn, lo của mặc.
Săn mớ thuốc, sắp mớ cau.
Khoét móng chân, vẹn mẽ đồng tiền,
Nhổ lông mũi, bương đầu cái nhíp.
Tính ở xem đà khác thế,
Nếp đà chỉn thế khéo khoe tràn.
Mũ láng xanh cắt dáng quả cam, mịn bằng như chuốt;
Túi đại hồng đựng xâu trái táo, tròn tựa như vò.
Áo kẽ phải dáng Đông Kinh,(162)
Tóc búi học ngưòi Bắc quốc,(163)
Khăn cuốn bông cúc,
Quần nhuộm cải hoa
Quạt Đông Phiến,(164) phất hồng thanh giang,tay cầm thênh thểnh;
Lược Thu Cầu,(165) vòng in bán nguyệt, lưng uốn khom khom.
Đã nên mỗ đấng thanh tân,
Lại trọng thuở bề tương thức.
Nghĩ thơ, nghĩ vãn, bẻ bai cách Bắc phong tùng,(166)
Đàn sắt, đàn hồ, bỗng thấy xướng “Tây hà liễu”.(167)
Dưới khóm trúc mím môi thổi ống,
Trên đường hoè ngảnh cổ bắn cung.
Vây(168) làm đám gà chọi, chó săn.
Đua đòi xóm chim buông, khiếu(169) hót,
Ấy con cắp chợ,
Này chú xứ quê
Để trễ việc cửa việc nhà
Lo lắng đánh đàn, đánh đúm.
Thăm tìm quán khách, chơi bời dại nguyệt, dại hoa,
Đủng đỉnh cầu đình, lơ lửng đứng đường, đứng sá.
Bãi đám hè, sang đám hội;
Chạy cửa Đà, la cửa Mai.
Con kẻ khó, đánh đọ công thần, tâng nhau những ông triều, ông hiển,
Nhà dột bét muốn cho lịch sự, làm tướng pha cái quyển, cái tiêu.
Ăn cà cuống lầm phải bọ hung,
Uống rựơu thiêu (170) nhạt bằng nước lã.
Đánh cờ mo bàn chiếu, đi nước vịt nằm,(171)
Đá cầu chuối màng rơm, gảnh chân chó đái.
Lo lắng nước Tần, nước Ngụy,
Lang thang làng Bắc, làng Nam.
Ngỡ là dặm liễu xuân chầy, bịn rịn vui lòng niên thiếu,
Chẳng cốc cửa cao thu quạnh, bơ vơ lạc núi Bắc Mang.
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng ở nết ỡm ờ,
Thác cho phải nên thân đói khát,
Kệ than rằng:
Kềnh khểnh áo bả, mũ lương sa,
Lẩn thẩn hay đâu việc cửa nhà.
Chạy bởi đêm hè sang đám hội,
Dạo chưng làng liễu tới làng hoa.
Say đòi đám bạn chè, bạn rượu,
Vui làm đàn, tiếng xướng, tiếng ca.
Chép miệng cùng nhau rằng lịch sự,
Thế gian ai kẻ dễ hơn ta?
CHÚ THÍCH:
(1) Riêng xét vầy: vầy: thế này. Ý kiến của riêng ta là như thế này.
(2) Ngựa cửa sổ: Bạch câu quá khích: ngựa qua cửa sổ. Ý nói ngày tháng qua mau.
(3) Kiến đầu cành: Tích Nam kha ký của Lý Công Tá đời Đường kể chuyện Thuần Vu Phần ở Quảng Lăng, phía nam nhà có cây hoè. Một hôm, Thuần mang rượu uống dưới cây hòe, thiếp ngủ thấy đi làm quan ở quân Nam Kha, 20 năm sung sướng, sau bị thải hồi, tỉnh dậy thấy mặt trời chưa lặn, nhìn lên cây hoè thấy phía nam có đàn kiến.
(4) Bọt ghềnh sóng: bọt nước trên sóng ở ngoài ghềnh. Ghềnh là sông nhỏ.
(5) Vờ mặt nước: một loại sinh vật nhỏ, bay trên mặt nước, sáng sinh ra, trưa chết.
(6) Tựa thân người kiếp biến mờ mờ: giống như một kiếp người biến đổi rất nhanh.
(7) Cổ tới nhẫn kim: nhẫn: đến, hết, tận, Xưa đến tận nay.
(8) Khó lẫn sang: khó: nghèo khổ; sang:có tiền của, địa vị (giàu sang) ; lẫn: cùng, với.
(9) Cả: tất cả.
(10) Khổng Tử: Khổng Tử sau khi từ quan đi chu du thiên hạ để truyền đạo. Năm 60 tuổi, Ngài tới đất Trần, đất Thái, biên giới nước Sở thì bị quân bao vây, hết lương thực, học trò bị đói, Khổng Tử lo buồn.
(11) Lương Vũ: Lương Vũ Đế, tên là Tiêu Diễn, làm vua 48 năm, cuối cùng bị Hầu Cảnh, một hàng tướng đem quân bao vây ở Đài thành 5 tháng, vua lo sợ mà chết.
(12) Tín: Hàn Tín hàn vi được Phiếu mẫu cho bát cơm.
(13) Bá: Bá: Vương Bá; Đồ Lê: cao tăng. Đường thư kỷ yếu chép Vương Bá lúc hàn vi đến ở chùa Huệ Chiếu ở Dương Châu ăn chực, các sư ghét lắm. Sau 20 năm, Vương Bá làm quan ở Dương Châu, thăm chùa, thấy những bài thơ của ông lúc trước viết trên tường được che bằng sa xanh.
(14). Tô lang: Tô Vũ đi sứ Hung Nô, vua Hung Nô bắt chăn dê cho tới già.
(15) Châu Dị: hiệu Ngạn Hòa quê Tiền Đường, Ngô quận, nhà nghèo làm nghề viết thuê, sau làm quan chức Thị trung triều Lương Vũ Đế.
(16) Thác: giả, tạm bợ (giả thác). Thác sinh là sống tạm bợ, sống gửi, sống nhờ.
(17) Khăn khắn: luôn gắn bó, không thay đổi, luôn chân thành, kính cẩn.
(18) Sa vàng: áo nhà sư màu vàng hoa cải.
(19) Sơn thác đỏ: dụng cụ của nhà sư.
(20) Mũ tỳ lư: mũ nhà sư. Mũ tròn như quả dừa, trên có tượng phật Tỳ Lư, các sư trưởng thường đội.
(21) Gậy tích trượng: gậy của nhà sư, còn gọi là thiền trượng có gắn chuông nhỏ để khi khất thực đến trước nhà rung chuông cho gia chủ biết.
(22) Châu: chuỗi tràng hạt.
(23) Phiến bối diệp: kinh Phật bên Ấn Độ xưa chép bằng lá bối.
(24) Già, chiền: già lam, chùa chiền là nơi thờ Phật.
(25) Tiên trà: nấu trà.
(26) Kín nước: gánh nước.
(27) Cốc: biết.
(28) Phong Đô: nơi âm phủ, địa ngục.
(29) Lọn: trọn; triện: cửa sổ tròn hình cái triện, có chấn song. Cái bàn nhỏ. Cũng có nghĩa là cái lư hương vì có khắc chữ triện.
(30) Quê hà hữu: Sách Trang tử : “vô hà hữu chi hương” nghĩa là quê hương ở chỗ không có đâu cả.
(31) Tam Thanh: nơi thờ phụng của Lão giáo, là Ngọc Thanh, Thái Thanh và Thượng Thanh.
(32) Đạo phái: giấy triều đình chứng nhận là đạo sĩ.
(33) Chân kinh: Thần chú.
(34) Khoa níp: kinh điển Lão giáo.
(35) Thiên cương: sao Bắc Đẩu. Khi làm phép, thầy phù thủy phải bước chân theo sao Bắc Đẩu.
(36) Miệng phun tĩnh thủy: thầy phù thủy thường phun nước lạnh làm phép.
(37) Đội hoàng quan: mũ màu vàng đội khi làm lễ.
(38) Thanh từ: sớ điệp, thường dùng giấy xanh viết son.
(39) Chân Vũ: Huyền Vũ đại đế của Lão giáo.
(40) Huyền Đàn: tên một vị thần tướng của Lão giáo. Đạo sĩ khi cầu Huyền Đàn để hỏi han các việc thường dùng hình rơm làm phép.
(41) Sơ Bình: Hoàng Sơ Bình. Truyện Thần Tiên chép Hoàng Sơ Bình người Đan Khê đi chăn dê, được một đạo sĩ đerm đi 40 năm. Anh là Sơ Khởi vào núi tìm thì Bình nói dê ở phía đông núi, thấy toàn là đá. Bình quát một tiếng đá trắng (bạch thạch) biến thành dê bạc.
(42) Thần tiêu: vị thần tối cao ở tầng thứ nhất trên Thiên Đình.
(43) Lôi phủ: là phủ đệ của đạo sĩ Lôi Tựu, ở chùa Tích Từ, huyện Tiền Đường.
(44) Ngọc nữ, Kim Đồng: đồng nam, đồng nữ.
(45) Hắc tham: giấc ngủ say (giấc ngủ ngàn năm).
(46) Lễ: là lễ nghĩa của gia đình. Cũng có bản chép là lệ . Lệ là tục lệ, thói quen. Người Nghệ Tĩnh Bình đọc dấu ngã thành nặng.
(47) Bộ hư: tiếng đọc kinh.
(48) Giới lộ: sương trên ngọn cỏ, cũng là bài ca phúng người chết.
(49) Thiên tôn: thiên thần (thần linh trên trời).
(50) Đòng, mác: hai thứ vũ khí ngày xưa. Đòng giống như cái giáo, có cán dài, mũi nhọn; mác là dao có mũi nhọn.
(51) Điêu: loài chồn cáo có đuôi dài đẹp. Điêu cũng là tên một loài chim. Thiền (thuyền) là con ve (ve ve). Chỉ đại thần trong triều vì các đại thần đôi mũ có lông điêu , và phía trước mũ cài hoa bạc, trên hoa lại khảm hình con ve bằng đồi mồi.
(52) Giãi trãi: tên một giống thú có sừng. Các quan ngự sử thường đội mũ hình con thú này vì nó có linh tính phân biệt kẻ gian người ngay.
(53) Ngọc duẫn: măng ngọc. Đường Thư chép Lý Tông Mẫn làm chủ khảo trường thi, lấy nhiều người tài giỏi thi đỗ nên những người này được gọi là ngọc duẫn.
(54) Lấy ý từ Chu Dịch: Lý sương kiên băng chí (dẫm chân xuống đất thấy có sương thì biết băng tuyết sắp đến). Ý nói kẻ trí phải biết đề phòng tai họa sẽ đến.
(55) La ỷ: lụa là.
(56) Cầm tranh: các loại đàn. Tranh là đàn cũng có nghĩa là ngọc.
(57) Nghèo: nguy hiểm (hiểm nghèo).
(58) Củi quế gạo châu: củi đắt như quế, gạo hiếm như châu báu, tức là vật giá đắt đỏ, kinh tế khó khăn.
(59) Song huỳnh, án tuyết: Trác Dận và Tôn Khang đời Tấn nhà nghèo phải bắt đom đóm (huỳnh) làm đèn mà học. Mùa Đông, Khang nhờ ánh sáng của tuyết mà học.
(60) Mã Dung: tự là Quý Trường, người đất Phù Phong nhà Đông Hán, giữ chức Hiệu Thư Lang, có hàng ngàn học trò, hàng ngày buông trướng bằng sa đỏ ngồi dạy học. (Hán Thư)
(61) Đổng Trọng: Đổng Trọng Thư người Quảng Xuyên nhà Tây Hán, đỗ đầu khoa Hiền Lương phương chính, giữ chức Bác Sĩ, thường buông màn dạy học, ba năm không ra đến vườn (Hán Thư)
(62) Hàn tử: Hàn Dũ, tự Thoái Chi, làm chức Bác sĩ triều Đức Tông, trong bài Tiến học giải khuyên chăm học.
(63) Ôn công: Tư Mã Quang, tể tướng triều Tống, tác phẩm nổi tiếng là Tư Trị Thông Giám và Độc Lạc Viên tập. Ông rất chăm học, thường gối đầu bằng khúc gỗ tròn, mục đích là khỏi ngủ quên.
(64) Nhắp: ngủ.
(65) Khổng, Châu: Khổng Tử, Chu Đôn Di (đời Tống).
(66) Đăng hỏa: Đèn sách (công phu học hành).
(67) Vân Mộng: một cái đầm ở Kinh Châu, rộng tám chín trăm dặm.
(68) Nương long: cái vú, nghĩa rộng là lòng, mình, bụng. Cách nương long là ở bên mình, trong lòng. Bên mình có quân sĩ nhiều.
(69) Tôn Ngô: tức Tôn Vũ đời Xuân Thu và Ngô Khởi đời Chiến quốc có sách về binh pháp.
(70) Tao đàn: nơi văn nhân thi sĩ hội họp.
(71) Từ tường: tướng giỏi về văn chương. Hàn Lâm Viện là nơi tụ hội các văn tài.
(72) Tuyết Bá Ngạn: bài Hiệp khách hành của Ôn Đình Quân” Bạch mã dạ tần tê / Tam canh Bá Ngạn tuyết” (Ngựa trắng đêm thường hí,Tuyết Bá Ngạn suốt ba canh).
(73) Hoa Đỗ Lăng: bài thơ Nhân nhật đăng cao có câu: “Kính thủy kiều nam liễu dục hoàng/Đỗ lăng thành bắc hoa ưng mãn” (Phía nam Kinh Thủy liễu gần vàng/Phía bắc Đỗ lăng hoa nở rộ).
(74) Lan Đình: Vương Hy Chi đời Tấn dùng bút lông chuột viết tựa Lan Đình Tập gồm 324 chữ. Kiểu chữ của ông thành một lối riêng.
(75) Liên Xã: Sư Tề Dĩ đời Đường biên soạn tập Bạch Liên cũng được gọi là Bạch Liên xã, thành một trường phái đặc biệt về thư họa.
(76) Ngợi: khen ngơi.
(77) Non cao nước chảy: (cao sơn lưu thủy), tích Bá Nha Tử Kỳ.
(78) Cức: cây gai, gai góc. Dùng chỉ mũi tên nhọn.
(79) Dương là cây liễu. Lấy tích Dưỡng Do Cơ có tài bách bộ xuyên dương. Nghĩa là đứng xa trăm bước bắn trúng lá dương.
(80) Sách đối: sau khi đỗ thi Hội, các tiến sĩ vào cung vua thi đối sách (trả lời các câu hỏi của vua ra đề). Thềm cung vua màu đỏ nên gọi là đan trì.
(81) Kim bảng: bảng vàng đề tên tiến sĩ thi đỗ.
(82) Côn, bằng: Côn là thứ cá lớn, bằng là chim lớn. Tích lấy ở Tiêu diêu ký của Trang Tử.
(83) Lân phượng: kỳ lân và phượng hoàng xuất hiện là điềm vua thánh tôi hiền, đất nước thái bình thịnh trị.
(84) Doanh Châu, Bồng Đảo: nơi tiên cảnh. Điển ở Đường Thư
(85) Hoàng nhưỡng: hoàng tuyền.
(86) Bắc mang: nơi có nhiều mộ.
(87) Bàn bạc sự người: Các nho sĩ cứ lo luận bàn các nhân vật kim cổ trong kinh sử.
(88) Bả: sợi tơ, sợi gai.
(89) Lẫy: lừng lẫy, làm cho gia đình lừng lẫy.
(90) Dường thu: nhiều thu.
(91) Công Tôn: Công Tôn Hoằng, tự Quý Tề, đỗ đầu đối sách đời Hán Vũ đế, sau làm thừa tướng nhà Hán.
(92) Nịnh Thích: người nước Vệ, thời Xuân Thu, nhà nghèo sang Tề chăn trâu. Một hôm, Nịnh Thích gõ sừng trâ hát, Tề Hoàn Công nghe cảm động, mời về làm thượng khanh.Những bài hát của Ninh Thích tỏ ý ca tụng cảnh nhàn, lánh trần tục.
(93, 94) Tên các hình thể cuộc đất do khoa phong thủy đặt ra.
(95, 96) Ngươi Tăng: (chưa rõ), ngươi Dương là Dương Quân Tùng, một nhà phong thủy đời Đường các sách Nghi Long kinh, Hoàng Long kinh, lập Duy phú và mặc Nang kinh về thuật phong thủy.
(97) Chu, Thiệu: Chu Đôn Di, và Thiệu Ung là hai nhà lý học đời Tống.
(98) Cửu cung, bát quái: Kinh Dịch chia ra bát quái tức tám quẻ. Hậu Hán thư nói rằng sao Bắc Đẩu di chuyển 8 cung, rồi lại về trung ương là 9 cung.
(99) Lục nhâm: sách nói về phép bói toán (nhâm, độn). Lục nhâm tẩu mã: cách tính toán để xem bói.
(100) Tứ thú giao cầm: cách tính toán để xem bói.
(101) Điạ bàn: tức la bàn, một dụng cụ để dùng trong thuật phong thủy.
(102) Kiến tý, kiến dần: Năm tý thì tháng tý là nguyệt kiến, ngày tý là nhật kiến tức là trực kiến. Năm dần thì tháng dần là nguyệt kiến, ngày dần là nhật kiến.
(103) Long đái ấn, hổ phụ tinh: kiểu đất rồng mang ấn, cọp phụ tá.
(104) Quy tàng hình: rùa ẩn hình.
(105) Phượng chiết dực: phượng gẫy cánh.
(106) Trắc ảnh: cách đo bóng mặt trời.
(107) Quách Phác: tự là Cảnh Thuần, người đất Văn hỉ, nước Tấn, tinh về bói toán, có sách Động Lâm về bói toán.
(108) Trang Chu: tự là Tử Hưu, người ấp Mông, nước Tống thời Chiến Quốc, học trò Lão Tử, có sách Nam Hoa kinh, thường nằm mơ thấy mình hóa bướm.
(109) Tiên phố: Vườn trồng thuốc của tiên.
(110) Tụ trân: Cuốn sách bỏ túi.
(111) Thành ngữ “Nguyệt trung đan quế” trong sách “Dậu Dương Tạp Trở” (trong cung trăng có cây quế).
(112) Tăm sắt: Nước chưa sôi, mới sủi bọt lăn tăn.
(113) Tán: thuốc bột; tiên: thuốc nước.
(114) Chín hậu: (Cửu hậu), nói về cách xem mạch trong đông y. Có 9 giai đoạn khi bắt mạch.
(115) An kỳ sinh: hiệu Bảo Phác Tử, người đất Lang Da đời Tần, là một người bán thuốc ngoài bãi biển, được gọi là Thiên Tuế Công.
(116) Xich Tòng Tử: là một vị tiên. Trương Lương, tôi của Hán Cao tổ theo Xích Tùng Tử mà đi tu.
(117) Hoà Thúc: Vương Hòa Thúc tên thật là Vương Thúc Hòa, người Cao Bình nhà Tây Hán, chức Thái Y lệnh. Ông học rộng Kinh, Sử và Y. Ông theo các Y thư của Kỳ Bá và Hoa Đà soạn sách Mạch Kinh và Mạch Quyết.
(118) Đường Thư trong truyện Lý Mật cho biết làm tưóng phải có ba kế sách là thượng kế, trung kế và hạ kế để thắng giặc.
(119) Năm tài: Theo sách Lục Thao Luận Tướng, kẻ làm tướng phải có 5 điều kiện: khỏe, khôn, nhân, pháp lệnh đúng và lòng trung thành.
(120) Nuốt trâu: Xí Tử nói: “Hổ báo chi tử tuy vị thành văn dĩ dĩ hữu thôn ngưu chi khí” nghĩa là giống hổ báo tuy chưa đủ văn thái cũng đã có khí phách nuốt trâu. Nuốt trâu nghĩa bóng là chí khí hào hùng.
(121) Doanh Liễu: nơi đóng quân của tướng Chu Á Phu đời Hán Văn Đế, gần Mông Cổ.
(122) Ải Du: đất Du, nơi biên trấn, thuộc tỉnh Sơn Tây.
(123) Bánh cong: một loại bánh.
(124) Lá má: rau má, một loại rau mọc hoang, lá tròn nhỏ bằng đồng tiền.
(125) Thuẫn: dụng cụ cầm tay che chắn gươm giáo tên.
(126) Dốc: sừng. Ngày xưa dùng sừng trâu bò làm tù và để thổi làm hiệu lệnh.
(127) Thiên Sơn: Địa danh. Núi này ở tây bắc Trung Quốc gần Tân Cương. Đời Đường Cao Tông, Tiết Nhân Quý bắn ba phát tên, giết ba địch quân, làm quân địch hoảng sợ.
(128) Giang Hán: sông Ngân hà. Đỗ Phủ trong bài Tẩy Binh Mã có câu: “Yên đắc tráng sĩ vãn thiên hà/ Tĩnh tẩy giáp binh trường bất dụng”. Mong sao người tráng sĩ dùng nước Thiên hà để rửa giáp binh, nghĩa là cất binh khí không dùng nữa.
(129) Kim quỹ: Cái hòm bằng kim loại. Vua Hán Cao đế dùng hòm này ghi tên các tướng có công trạng.
(130) Hoàng lương: còn gọi là mộng kê vàng. Tich Lư sinh nghèo gặp đạo sĩ cho mượn cái gối, bèn nằm mộng thấy thi đỗ, làm quan, tỉnh giấc thì thấy nồi kê chưa chín. Kê là một loại thực phẩm, hạt nhỏ nhu hạt cải, màu vàng đậm, dùng cho chim ăn. Nông dân xưa cũng dùng để nấu ăn: “Con tôi buồn ngủ, buồn nghê / Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà”.
(131) Mỗ: nhiều nghĩa. Mỗ ông: ông nào đó; mỗ đây: ta đây; mỗ phút: từng ấy phút, phút ấy.
(132) Cơ: đói.
(133) Nhàn tử tái: nhàn là chim nhạn, mỗi năm theo thời mà di chuyển nam bắc.
(134) Câu này lấy ý thơ Tào Tùng: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Một tướng lập nên chiến công thì làm cho vạn người chết).
(135) Bên hoặc biên: mái tóc.
(136) Vân trận: mái tóc rẽ ngang giống như làn mây.
(137) Nụ: bông tai. Nụ vàng là bông tai bằng vàng.
(138) Nguyên văn viết “pha ngữ” phải là danh từ để đối với đồi mồi, nhưng chưa rõ là chữ gì.
(139) Vích: một loại rùa.
(140) Xống dang chân: mang váy (váy rộng có thể dang chân, hoặc quần có hai ống chân?), phía dưới thắt lại (thắt đáy).
(141) Chốc mòng: mơ tưởng, ước mong.
(142) Quán Sở lầu Tần: Nơi trai gái hẹn hò.
(143) Nàng Diêu, ả Ngụy: Ngụy tử, Diêu hoàng là tên hoa Mẫu đơn. Trong bài Mẫu Đơn ký của Âu Dương Tu, mẫu đơn nhiều cánh màu đỏ là mẫu đơn tướng nước Ngụy, mẫu đơn nhiều cánh màu vàng là của nhà họ Diêu. Theo bài Mẫu đơn vinh nhục của Khâu Toàn, mẫu đơn vàng là của nhà họ Diêu, chỉ vua, con màu đỏ là của nhà họ Ngụy, chỉ hậu phi. Đáng lẽ ả Ngụy, chàng Diêu mới đúng. Nói chung, tich này nói nam nữ nên duyên.
(144) Bạn gửi, lấy chồng quyền: bạn bè, vợ chồng tạm thời.
(145) Người lâu: người cũ.
(145) Tóc rễ: tóc nhiều, cứng như rễ (tóc rễ tre).
(146) Chác: bán. Hài hán: chiếc hài.
(147) Song viết: chữ này có nhiều cách giải thích. Có thể là song nhặt, là cửa sổ có nhiều chấn song chặt chẽ.
(148) Gương lờ: lờ là mờ, tối, không rõ. Gương lờ là gương mờ, hay trăng lờ mờ (gương nga) non ánh là núi phương tây lúc chiều có ánh mặt trời lóe lên..
(149) Nội: ruộng vường, đồng quê.
(150) Lận: làm gian, ăn gian, dối trá.
(151) Cây vối: cây vối lá vị đắng. thường dùng làm nước uống như lá chè.
(152) Xôi chiêm: không rõ là nếp vụ chiêm hay nếp Chiêm Thành? Vụ chiêm thì chỉ trồng lúa ngắn hạn, và khoai, bắp, đậu, it khi trồng nếp vì nếp khó trồng, phải đất tốt, có đủ nước. Nếu có nơi trồng nếp chiêm thì nếp này khô khan, cứng, không dẽo thơm như nếp trồng vụ mùa. Đây có lẽ là nếp vụ chiêm, trồng tháng hạ. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn có nhắc đến sách Trung Hoa khen ngợi thóc nếp Chiêm Thành.
(153) Đún đỡn: đú đỡn. Đùa vui quá đáng, có tính dâm dục.
(154) Ngọc cửu khúc: một thứ ngọc quý, ruột khuất khúc chín vòng.
(155) Vàng thập thành: vàng tốt. Có lẽ là vàng mười. (Đĩ thập thành: đĩ thạo nghề, chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm)
(156) Bà cầm rỗ: Người mua bán, tức thương gia. Ngày xưa, người ta thường dùng thúng, rỗ để đựng đồ.
(157) Thầy dùi: mưu sĩ. Ông thầy bày ra mưu nọ, mánh kia. Cũng gọi là quân sư quạt mo.
(158) Hàm đan: cũng như mộng hoàng lương, mộng Nam Kha.
(159, 160) Mối, lằn: rắn mối, thằn lằn, bọn tiểu nhân, bụng dạ xấu xa, lời lẽ điên đảo.
(161) Lợp nước: phải chăng lợp là rợp như rợp bóng, rợp nước phải chăng là khắp nước?
(162) Đông kinh: đời Lý là Thăng Long, Trần và Lê là Đông Kinh.
(163) Bắc quốc: Trung Quốc. Thời Minh thuộc, nhà Minh bắt dân ta không được cắt tóc ngắn.
(164) Đông phiến: (phiến là quạt). Đông phiến là tên hiệu hay địa danh nơi sản xuất quạt. Phất: phết, dán giấy hồng có vẽ sông xanh (thanh giang).
(165) Lược Thu Cầu: Thu Cầu là tên hiệu hoặc địa danh làm lược. Lược cong có vẽ hình bán nguyệt.
(166) Đông phong tùng: bài thơ, ca.
(167) Tây hà liễu: tên bài ca.
(168) Vây: vây quanh, tụ họp.
(169) Khiếu: còn gọi là khướu, một loại chim biết nói, biết hát như nhồng, yễng, vẹt. . .
(170) Quân cờ bằng mo cau, bàn cờ vẽ trên chiếu là nói nghèo hèn. Cờ vịt nằm là nói chơi cờ thấp.
(171) Rượu thiêu: Rượu mạnh có thể đốt cháy, nhưng rưọu đã đốt rồi thì hóa thành nước lã, uống không còn ngon nữa. Không có tiền phải uống loại rượu này. Các thầy pháp đốt rưọu hay phun rượu trước lửa mà làm phép.