Tiểu sử Đại Sư Thần Tú – Thiền Tông Bắc Truyền Trung Hoa đời thứ nhất

 

TIỂU SỬ

ĐẠI SƯ THẦN TÚ
神 秀
(606-706)

Thiền Tông Bắc Truyền Trung Hoa – Đời thứ I

oOo

Đại Sư Thần Tú vốn họ Lý, người Uất Thị, Trần Lưu (hiện là phía nam huyện Uất Thị, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Thuở thiếu niên, ông là nho sinh, ăn học ở Giang Nam, làu thông kinh sử sách kiêm cả Lão, Trang. Sau ông vào đạo Phật, đến thời Đường Cao Tổ, niên hiệu Võ Đức thứ tám (625 T.L) đến chùa Thiên Cung, Lạc Dương thọ Cụ-túc giới. Từ đây chuyên nghiên cứu kinh luận Tam Thừa và rất tâm đắc luật Tứ Phần.

Đến 50 tuổi, ông nghe nói Thiền Sư Hoằng Nhẫn, một Tổ Sư của Thiền Tông đang khai sáng pháp thiền ở Song Phong Sơn, huyện Hoàng Mai, Ký Châu nên vượt núi trèo non, không nệ hà nghìn dặm xa xôi đến lễ Tổ.

Sau khi gặp gỡ, thưa hỏi đạo lý, ông hết sức bái phục, thốt câu: “Đây chính thật là thầy ta!” rồi làm đệ tử Hoằng Nhẫn, thực tập bửa củi, gánh nước làm các việc cực nhọc cầu pháp. Sáu năm cần khổ, ngày đêm chuyên tâm, được Tổ Hoằng Nhẫn rất quý trọng, suy cử làm đệ tử thượng thủ.

Niên hiệu Long Sóc năm đầu (601 TL), Hoằng Nhẫn chọn người nối pháp, dặn dò Chúng mỗi người làm một bài kệ, trình kiến giải thiền học sâu cạn của mình. Cả Chúng đều nhường Thần Tú, vì cho rằng trí thức cả Chúng đều do ông dạy. Thần Tú không thể chối từ, ông làm bài kệ rằng:

Thân là cây bồ-đề
Tâm là đài gương sáng
Giờ giờ siêng lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.

(Nguyên văn Hán Việt  – TVGĐPT bổ sung):

Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.

Tổ Hoằng Nhẫn thấy bài kệ khen rằng: “Y theo bài kệ này tu hành, nhất định có lợi ích lớn” mà không nói Thần Tú đã đắc pháp yếu thiền.

Sau đó cư sĩ Huệ Năng ở phòng giả gạo làm một bài kệ, Tổ Hoằng Nhẫn cho rằng đây hẳn là người lãnh hội thấu triệt được thiền. Cuối cùng đem y bát trao cho Huệ Năng, bảo Huệ Năng về phương Nam đợi cơ hội xiển dương thiền pháp.

Thần Tú không được trao y bát, tâm lý chấn động ít nhiều, nhưng ông xuất thân cao quý, uy tín trọng vọng trong hàng đồng học, người theo rất đông. Ông bị nội kết, không phục quyết định của Hoằng Nhẫn nên để cho người đuổi theo Huệ Năng. Tuy không đuổi theo kịp nhưng cũng đủ làm cho Huệ Năng dấu kỷ họ tên ẩn thân hơn 10 năm, không dám xuất đầu lộ diện.

Đại Sư Thần Tú trụ lại Hoàng Mai làm thủ tọa trong chúng của Tổ Hoằng Nhẫn, xiển dương và phát huy học thuyết “Tiệm tu tiệm ngộ” của ông, cho đến khoảng niên hiệu Thượng Nguyên (674-675), sau khi Tổ Hoằng Nhẫn viên tịch, Đại Sư Thần Tú mới về Ngọc Tuyền tự, núi Đương Dương, Giang Lãng, Hồ Bắc xây dựng một già lam cách phía Tây chùa bảy dặm, ở vùng đất bằng phẳng tựa núi để xiển dương pháp thiền. Hơn hai mươi năm hoằng hóa nơi này, học giả các nơi về đây tham học với ông con số lên đến hàng nghìn người.

Đại Sư Thần Tú thua thiệt hơn Tổ Huệ Năng vì không được nhận là dòng chính nối pháp Tổ Hoằng Nhẫn; nhưng tư tưởng thiền học của ông thật tế là kế thừa và phát triển một mặt trọng yếu tư tưởng thiền học của Tổ Hoằng Nhẫn. Nguyên vì tư tưởng thiền học của Tổ Hoằng Nhẫn đã có nhân tố “Đốn” và “Tiệm” – tức là có “giáo ngoại biệt truyền” và có mặt “thiền mượn kinh giáo để ngộ tông chỉ”.

Tổ Huệ Năng xử dụng phần đốn ngộ và giáo ngoại biệt truyền để hoằng hoá và phát triển. Đại Sư Thần Tú đi trên con đường “tiệm ngộ” và “mượn kinh giáo để ngộ tông”. Ông sùng phụng kinh Lăng Già và đặt nó làm tông yếu, kế thừa pháp thiền lấy tâm làm tông của Tổ Hoằng Nhẫn. Thế nên tông Lăng Già coi Đại Sư Thần Tú là đích truyền của Tổ Hoằng Nhẫn.

Trong hệ thống truyền thừa của kinh Lăng Già thì Câu-na-bạt-đà-la, người dịch kinh Lăng Già được coi là cơ sở; kế tiếp là Chư Tổ Bồ-đề-đạt-ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn là các Tổ đời thứ hai, ba, tư, năm và sáu. Đại Sư Thần Tú được suy tôn làm Tổ thứ bảy. Chẳng qua Đại Sư Thần Tú không thiên trọng kinh Lăng Già mà trọng thị các kinh điển khác.

Tương truyền rằng Đại Sư Thần Tú có soạn một quyển “Đại Thừa Ngũ Phương Tiện” hoặc “Đại Thừa Vô Sinh Phương Tiện”. Ngũ phương tiện môn là năm cửa phương tiện để đi vào thật tánh:

  1. Tổng bày ra Phật Thể môn, cũng gọi là Ly Niệm môn, ông nương vào Khởi Tín Luận thuyết minh tâm thể vốn ly niệm.
  2. Khai Trí Huệ môn, cũng gọi là Bất Động môn, nương vào kinh Pháp Hoa khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật.
  3. Hiển bày Bất Tư Nghị Giải Thoát môn, nương theo kinh Duy Ma Cật dẹp hết tư tưởng nhị biên là vào cửa giải thoát.
  4. Thuyết minh Chư Pháp Chánh Tánh môn, nương vào kinh Tư Ích thuyết minh tâm không khởi, không diệt, không hợp, không ly, tự tánh là chánh tánh.
  5. Kiến Bất Dị môn, nương vào kinh Hoa Nghiêm thuyết minh lý các pháp không sai biệt, tự nhiên được vô ngại giải thoát.

Từ những luận lý của “Đại Thừa ngũ phương tiện” có thể thấy rằng lý luận thiền học của Đại Sư Thần Tú rất phong phú. Con đường tu tập của ông mở ra rất mênh mông.

Pháp thiền của Đại Sư Thần Tú phổ biến rộng rãi ở phương Bắc. Ngoài Tăng sĩ tu tập ra còn rất nhiều sĩ đại phu quy y và học thiền với ông. Các quan liêu của triều đình, đến như Trương Thuyết, tể tướng vào thời vua Đường Huyền Tông cũng là đệ tử tại gia của ông và tôn kính thầy mình hết mực. Tiếng tăm Đại Sư Thần Tú được Tăng Ni, Cư Sĩ cực lực truyền tụng tán dương đến triều đình. Võ Tắc Thiên sùng mộ danh đức nên sai sứ thỉnh sư vào triều.

Năm sau nhằm vào niên hiệu Đại Tuệ (710 T.L), Đại Sư Thần Tú bấy giờ đã 90 tuổi, vâng lệnh vào Lạc Dương. Do tuổi cao và nhà vua đối với ông trọng vọng nên Đại Sư Thần Tú được ngồi kiệu vào điện, kiết già phu tọa đối trước nhà vua. Võ Tắc Thiên càng thêm kính mộ, đích thân làm lễ và hỏi đạo thường xuyên. Công hầu, quan chức, học giả, thường dân trong kinh thành tranh nhau đến tham lễ phủ từ xa mỗi ngày có cả vạn người.

Sau đó Võ Tắc Thiên ban chiếu định xây một tự viên tên Báo Ân Tự, coi đây là sự biểu lộ niềm kính trọng sâu xa của triều đình. Đến khi Đường Trung Tông tức vị thì Đại Sư Thần Tú càng được kính trọng hơn. Ông là Pháp Chủ của hai kinh thành Trường An và Lạc Dương. Ông vinh hiển tột bậc vì làm Quốc Sư cho ba triều vua nhà Đường.

Đường Trung Tông niên hiệu Thần Long thứ 2 (706 T.L), Đại Sư Thần Tú mất ở chùa Thiên Cung, nơi ngày xưa ông đã thọ giới Cụ-túc, thọ 101 tuổi.

Triều đình dùng nghi lễ trọng vọng thọ tang ông. Vua Trung Tông phái sứ giả đến phúng điếu; vương hầu lũ lượt đến thọ tang. Ngày đưa linh cữu, hoàng đế đích thân tiễn đến Ngọ Kiều; vương công, bách quan thì đưa thẳng đến Y Thủy. Nghi trượng tang lễ trần thiết đến Sơn Tháp. Quan thái thường khanh đánh nhạc dẫn đường; quan lang hộ thành giám hộ tang lễ. Thật là lễ tang trọng vọng chưa từng có.

Sau khi Đại Sư Thần Tú mất mấy ngày, triều đình sắc phong hiệu là Đại Thông Thiền Sư, tặng tên thụy là Tấn Tốc. Ông là người được triều đình trọng vọng nhất trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc.

Môn đồ nối pháp của Đại Sư Thần Tú có 19 người. Trong ấy Phổ Tịch ở Tung Sơn và Nghĩa Phước ở Tây Kinh là hai người nổi danh. Sau khi Đại Sư Thần Tú viên tịch, Phổ Tịch và Nghĩa Phước thay ông lãnh đạo đồ chúng, tiếp nhận sự hỗ trợ của triều đình, làm cho tông phong của Đại Sư Thần Tú một thời cực thịnh./.

Trích Trung Quốc Lịch Đại Danh Tăng

*** (Các chữ “Đại Sư” trước tôn danh “Thần Tú” trong bài là do Thư Viện GĐPT bổ túc thêm).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.